Nhiều hộ nông dân ở Lâm Đồng rơi vào cảnh hoang mang lo lắng khi hàng trăm tấn trà đứng trước nguy cơ tồn đọng bởi công ty thu mua ngừng giao dịch.
Tin trong nước đọc nhanh 10-10-2015
- Cập nhật : 10/10/2015
Hạn chế quy hoạch dự án quanh sân bay Long Thành
UBND tỉnh Đồng Nai vừa chỉ đạo Sở Xây dựng và UBND huyện Long Thành cần quan tâm việc quy hoạch quanh sân bay quốc tế Long Thành. Trong đó phải chú ý khu vực máy bay lên xuống, hạn chế cấp phép đầu tư khu dân cư, chỉ phát triển nông nghiệp, dịch vụ thấp tầng. Không quy hoạch dự án, khu dân cư mới giáp với sân bay để sau này nếu muốn mở rộng thì có đất thực hiện.
Với những dự án đã cấp phép quanh khu vực này vẫn được thực hiện nhưng phải có giới hạn thời gian và quy mô, cần quản lý chặt chẽ không để xảy ra chuyện "đầu cơ", phân lô bán nền.
Theo Sở Xây dựng, khu vực phụ cận xung quanh sân bay Long Thành rộng khoảng 21.000 hecta, bao gồm: khu dân cư, dịch vụ phía Bắc; khu dân cư hiện hữu hai bên, sản xuất nông nghiệp; khu dân cư phía Nam gắn với dịch vụ logistic; khu xung quanh hồ Cầu Mới gắn với du lịch sinh thái.
Ngoài quy hoạch dự án, ông Đinh Quốc Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu quan tâm cả mạng lưới giao thông, hệ thống điện, nước. "Cần chú trọng giao thông kết nối sân bay với đường cao tốc để hạn chế việc ùn tắc quốc lộ 51 trong tương lai", ông Thái nói.
Dự án sân bay quốc tế Long Thành được xây dựng trên diện tích 5.000 hecta, là cảng hàng không đạt cấp 4F. Long Thành có công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm sau khi hoàn tất ba giai đoạn vào năm 2050. Dự án dự kiến khởi công vào năm 2018.
TP HCM xây thêm khu công nghiệp 1.200 tỷ đồng
Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 rộng 230 ha tại huyện Bình Chánh đang được thành phố gấp rút xây dựng.
UBND TP HCM vừa yêu cầu huyện Bình Chánh hoàn thành công tác thu hồi và bàn giao hơn 230 ha đất cho chủ đầu tư trong năm 2016 để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu công nghiệp (KCN) Lê Minh Xuân 3 (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh).
Cụ thể, UBND TP đã giao UBND huyện Bình Chánh hoàn thành công tác thu hồi và bàn giao cho Công ty Cổ phần đầu tư Sài Gòn VRG đối với phần diện tích 219,73ha do Công ty TNHH MTV cây trồng TP đang quản lý trong quý I/2016 và phần diện tích 11,52ha thuộc quyền sở hữu của các hộ gia đình, cá nhân trong quý II/2016.
Dự kiến, thời gian xây dựng khu công nghiệp khoảng 5 năm kể từ ngày khởi công. Thời gian hoạt động là 50 năm, tổng vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng.
Theo quy hoạch, khu công nghiệp ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sạch, kỹ thuật tiên tiến, không gây ô nhiễm môi trường . Trong đó chú trọng đến 4 ngành công nghiệp mũi nhọn, bao gồm: Ngành điện - điện tử - tin học; Ngành thực phẩm; Ngành hóa, dược; Ngành cơ khí. Ngoài ra, KCN Lê Minh Xuân 3 có thể bố trí các ngành công nghiệp khác và công nghiệp phụ trợ.
Hà Nội siết chặt quản lý sử dụng đất nông, lâm trường
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành công văn số 6996 giao sở, ngành liên quan, UBND quận, huyện, thị xã thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý, sử dụng đất của các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, các nông lâm trường.
Theo đó, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc các đơn vị thực hiện, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc; đề xuất xử lý trách nhiệm của các đơn vị sử dụng đất chậm thực hiện Chỉ thị.
Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đo đạc hiện trạng, cắm mốc giới sử dụng đất của các nông lâm trường, trạm trại và đất rừng trên địa bàn thành phố đã được UBND thành phố phê duyệt.
Trường hợp thiếu kinh phí thực hiện thì đề xuất bố trí đủ kinh phí năm 2015 để thực hiện dự án theo ý kiến của Thường trực HĐND thành phố, báo cáo UBND thành phố trước 30/10/2015.
Được biết, trong những năm qua, việc quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường, trạm trại trên địa bàn TP Hà Nội còn lỏng lẻo. Nhiều trường hợp vi phạm trong việc chuyển nhượng, lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép chưa được xử lý dứt điểm.
Để việc sử dụng đất tại các nông, lâm trường, trạm trại hiệu quả, trước đó UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt trong việc khắc phục, xử lý tình trạng vi phạm pháp luật đất đai.
Theo đó, UBND TP yêu cầu các tổ chức quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường, trạm trại thanh lý, hủy bỏ các hợp đồng liên doanh, liên kết sử dụng đất sai mục đích; tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép. Đồng thời, yêu cầu các tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng đất liên hệ với cơ quan có thẩm quyền thực hiện đo đạc, cắm mốc giới, lập hồ sơ trình UBND TP giao đất, cho thuê đất.
Hà Nội yêu cầu khẩn trương xử lý sai phạm tại dự án vườn sinh thái Cẩm Đình
Trong nội dung Công văn số 6798/VP-XDGT, UBND TP Hà Nội đã cho ý kiến về việc xử lý vi phạm tại dự án đầu tư xây dựng Khu vườn sinh thái Cẩm Đình - Hiệp Thuận (Phúc Thọ).
Được biết, ngày 13/8/2015, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng có ý kiến chỉ đạo: Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, xử lý đối với các sai phạm tại dự án đầu tư xây dựng khu vườn sinh thái cẩm Đình - Hiệp Thuận (Phúc Thọ) về các lĩnh vực, bảo vệ đê điều, khả năng thoát lũ, quản lý trật tự xây dựng..., báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện.
Đến ngày 1/10/2015, Sở Xây dựng có văn bản gửi UBND thành phố về việc kiểm tra, xử lý vi phạm tại dự án đầu tư xây dụng Khu vườn sinh thái Cẩm Đình - Hiệp Thuận (Phúc Thọ). Tuy nhiên, theo ý kiến của Sở Xây dựng, tại buổi kiểm tra dự án do Sở chủ trì theo chỉ đạo trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã vắng mặt. Đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có đề xuất báo cáo UBND thành phố về việc trên.
Vì vậy, trong Công văn số 6798 UBND thành phố yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản đề xuất báo cáo theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố để Văn phòng UBND thành phố tổng hợp.
Trước đó, trong công văn của Sở Quy hoạch Kiến trúc gửi thành phố Hà Nội có nêu rõ qua quá trình kiểm tra thực địa (ngày 7/7/2015), hiện trạng dự án đã thi công một số hạng mục công trình kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật như san nền, đường giao thông, hệ thống điện chiếu sáng, thoát nước, tường rào bao quanh một số lô đất, 5 công trình nhà ở xây dựng cao từ 1 đến 3 tầng và một số nhà cấp 4. Trong đó đã có hạng mục, công trình đưa vào sử dụng có sự sai khác, không phù hợp quy hoạch được duyệt. Một số hạng mục như tường rào một số ô đất nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ đê.
Sở Quy hoạch Kiến trúc đã đề nghị UBND thành phố xem xét giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức chỉ đạo, kiểm tra, có ý kiến và xử lý đối với các sai phạm (nếu có) về đầu tư xây dựng các công trình tại dự án Khu vườn sinh thái cẩm Đình - Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ liên quan đến pháp luật về đê điều.
Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Mỹ nhận lời thăm Việt Nam
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Obama có thể cùng thăm Việt Nam trong tháng 11. Ảnh: AP/AFP
"Việt Nam và Trung Quốc đã nhất trí tăng cường các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chính thức mời Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Việt Nam. Ông Tập đã vui vẻ nhận lời", ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trả lời câu hỏi của báo chí trong cuộc họp thường kỳ hôm qua.
Đề cập tới việc Tổng thống Mỹ Obama có thể thăm Việt Nam, ông Bình nhắc lại trong cuộc hội đàm cấp cao hồi tháng 7 tại Washington, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi lời mời ông Obama đến thăm Việt Nam.
"Tổng thống Mỹ đã vui vẻ nhận lời. Hiện hai bên đang thu xếp", ông Bình nói.
Theo trang web của Nhà Trắng, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice hôm 21/9 cho biết ông Obama trong tháng 11 tới sẽ trở lại thăm châu Á. Tổng thống Mỹ sẽ đến Philippines dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và đến Malaysia dự Cấp cao Đông Á (EAS) trong khuôn khổ các cuộc họp cấp cao ASEAN.
Trung Quốc và Việt Nam năm nay kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong cuộc hội đàm nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc hồi tháng 4, ông Nguyễn Phú Trọng và ông Tập cho rằng mặc dù có khó khăn, lúc thăng trầm, nhưng hợp tác hữu nghị, phát triển tích cực vẫn là dòng chính trong quan hệ song phương.
Cũng trong năm nay, Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Đầu tháng 7, trong chuyến thăm Mỹ đầu tiên của một Tổng bí thư Việt Nam, Việt - Mỹ đã ra Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ hai nước, trong đó khẳng định làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác toàn diện trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, ngoại giao, nhân quyền, an ninh và quốc phòng, phối kết hợp trong vấn đề khu vực và quốc tế.
Việt Nam và Mỹ cùng 10 nước thành viên của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa hoàn tất đàm phán sau 5 năm thảo luận. TPP được cho là sẽ mở ra các cơ hội hợp tác rộng lớn giữa các nước và thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ ở khu vực chiếm đến 40% kinh tế toàn cầu.