Việt Nam theo sát vụ kiện Biển Đông
Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi sát tiến trình tiếp theo của vụ Philippines kiện Trung Quốc, đồng thời bảo lưu quyền sử dụng mọi biện pháp hòa bình phù hợp và cần thiết để bảo vệ các quyền, lợi ích pháp lý của mình ở Biển Đông.
Phiên tranh tụng về thẩm quyền xét xử của Tòa trọng tài đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc hồi tháng 7 - Ảnh: P.C.A
Đây là khẳng định của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình hôm qua (31.10) khi trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm của Việt Nam trước việc ngày 29.10 Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc, đã ra phán quyết về vấn đề thẩm quyền và Tuyên bố ngày 30.10 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ phán quyết trên.
Trong tuyên bố của Trung Quốc, nước này tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với các quần đảo tại Biển Đông cũng như các quyền lợi của Trung Quốc hình thành trong lịch sử tại Biển Đông. Trả lời báo chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã tiếp tục tái khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo ông Lê Hải Bình, là quốc gia ven biển ở Biển Đông và là thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982, Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình được xác định phù hợp với công ước.
Về vụ kiện của Philippines, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam đã nhiều lần thể hiện quan điểm của mình, đặc biệt là trong Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi PCA ngày 5.12.2014. “Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi sát tiến trình tiếp theo của vụ kiện và bảo lưu quyền sử dụng mọi biện pháp hòa bình phù hợp và cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích pháp lý của mình ở Biển Đông”, ông Lê Hải Bình cho biết.
Liên quan đến vụ kiện nói trên, Trưởng nhóm luật sư biện hộ cho Philippines Paul Reichler ngày 30.10 cho biết phán quyết cuối cùng có thể được đưa ra vào tháng 6.2016, theo Reuters. Ông Reichler cũng gọi phán quyết mới đây của PCA là “chiến thắng lớn”, dù Trung Quốc nhiều lần tuyên bố không công nhận và tham gia vụ kiện.
Luật sư người Mỹ dự đoán phiên tranh tụng kế tiếp về nội dung những kiến nghị của Philippines diễn ra cuối năm nay. Phiên tòa sẽ không công khai cho công chúng. Tuy nhiên, cũng như phiên tranh tụng đầu tiên hồi tháng 7 về thẩm quyền xét xử vụ kiện, và sau khi tìm hiểu quan điểm của các bên, tòa sẽ xem xét đề nghị của những nước liên quan gửi phái đoàn đến dự phiên tòa với tư cách là quan sát viên. Những quốc gia đã gửi quan sát viên tới phiên tòa lần thứ nhất, gồm có Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Nhật Bản, sẽ được thông báo ngày diễn ra phiên tòa kế tiếp.(Thanh Niên online)
Quan điểm của Việt Nam
Trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm của Việt Nam được nêu trong Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài ngày 5.12.2014, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã tóm lược các quan điểm chính của Việt Nam trong tuyên bố này.
Theo đó, Việt Nam ủng hộ việc tuân thủ và thực thi đầy đủ tất cả các quy định và thủ tục của Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982, kể cả việc giải quyết mọi tranh chấp có liên quan đến việc giải thích hay áp dụng công ước bằng các biện pháp hòa bình.
Trong tuyên bố, Việt Nam cũng bảo lưu các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông, trong đó có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các quyền và lợi ích tại các vùng biển được xác định theo công ước.
Việt Nam đồng thời mong muốn tòa giải thích và áp dụng các quy định liên quan của công ước trong vụ kiện để đưa ra phán quyết công bằng và khách quan.
Việt Nam cũng đề nghị tòa đặc biệt quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông và Việt Nam sẽ xem xét các bước đi tiếp để bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia.
Trường Sơn
Bồi thường hợp đồng cho lao động bị bạo hành ở Algeria
Ngày 30.10, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết đã yêu cầu Công ty cổ phần SIMCO Sông Đà khẩn trương đàm phán với đối tác để hoàn tất các thủ tục về nước đối với những lao động (LĐ) VN bị bạo hành ở Algeria.
Thân nhân các LĐ đến cầu cứu Bộ LĐ-TB-XH ngày 15.10 - Ảnh: T.Hằng
Theo ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, ngày 29.10, Công ty cổ phần SIMCO Sông Đà đã làm việc với công ty sử dụng LĐ Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) để đàm phán dứt điểm hướng giải quyết vụ việc.
Theo đó, hai bên đã thống nhất 2 phương án giải quyết. Đối với 52 LĐ có nguyện vọng về nước sẽ được làm thủ tục để về VN chậm nhất trong 10 ngày tới. Hai bên đã thỏa thuận thống nhất mức bồi thường hợp đồng là 1.700 USD/LĐ và chi phí mua vé máy bay về nước cho người LĐ. Công ty cổ phần SIMCO Sông Đà sẽ ứng tiền bồi thường hợp đồng và mua vé máy bay.
Lao động ở nông thôn ngày càng nghèo đi
Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động VN do Bộ LĐ-TB-XH công bố ngày 30.10, tính đến hết quý 2 năm nay, thu nhập trung bình của lao động khu vực nông thôn đang có xu hướng giảm, chỉ đạt 3,84 triệu đồng/tháng, giảm hơn so với mức 3,98 triệu đồng/tháng của quý 2/2014.
So với quý 1/2015, mức thu nhập trung bình của lao động nông thôn giảm 350.000 đồng/tháng. Trong khi đó, thu nhập bình quân của lao động ở thành thị cao hơn khá nhiều. Khảo sát quý 2/2015, mức thu nhập bình quân là 5,25 triệu đồng/tháng, tăng so với 5,04 triệu đồng của quý 2/2014. Tuy nhiên, so với quý 1/2015 thì mức này giảm 470.000 đồng/tháng.
Trong khi đó, tính chung mức thu nhập bình quân tháng (tiền lương, tiền công, các khoản có tính chất lương và phúc lợi khác) từ việc làm chính của lao động nói chung là 4,46 triệu đồng/tháng. Nếu xét theo giới, lao động nam, thu nhập bình quân là 4,7 triệu đồng/tháng trong khi nữ chỉ đạt 4,13 triệu đồng/tháng. Xét theo nghề, thu nhập bình quân của nhóm lãnh đạo cao nhất là 7,3 triệu đồng/tháng. Nhóm lao động giản đơn có thu nhập thấp nhất, chỉ 3 triệu đồng/tháng.
So với quý 1/2015, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương trong các ngành và khu vực phần lớn đều giảm, tính chung mức giảm là 435.000 đồng. Quý 2 có 18% lao động thuộc nhóm lao động có mức thu nhập dưới 2,7 triệu đồng/tháng, mức này tăng so với quý 1 do thu nhập bình quân giảm.
Việt Nam sẽ điều chỉnh việc quản lý người lao động nước ngoài
Ngày 30.10, Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư châu Âu (EU-MUTRAP) phối hợp với Vụ Kế hoạch - Bộ Công thương tổ chức hội thảo về quản lý người lao động nước ngoài tại VN.
Lao động Trung Quốc làm việc tại Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh - Ảnh: Nguyên Dũng
Hội thảo đặc biệt nhấn mạnh đến Thông tư số 41/2014/TT-BCT với những quy định liên quan đến người lao động nước ngoài thuộc 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của VN với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO): kinh doanh, thông tin, xây dựng, phân phối, giáo dục, môi trường, tài chính, y tế, du lịch, văn hóa giải trí và vận tải.
Hệ thống pháp luật đang được bổ sung, hoàn thiện để cải thiện môi trường đầu tư trong nước, đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động nước ngoài và người sử dụng lao động nước ngoài. Cụ thể, Chính phủ VN đang dự thảo một nghị định, trong đó có thay đổi quan trọng là cho phép người lao động nước ngoài làm việc tại VN không quá 30 ngày được miễn giấy phép lao động.
Lao động nước ngoài không ngừng gia tăng trong những năm gần đây tại VN, tính đến cuối năm 2014 là 76.309 người, gần 70% là chuyên gia. Nhu cầu lao động quốc tế có chuyên môn cao sẽ tiếp tục tăng lên khi VN ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại.
Tàu hỏa giảm đến 50% giá vé
Ngày 30.10, Công ty vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, từ nay đến ngày 18.1.2016 và từ 1.3 - 14.4.2016, sẽ giảm 50% giá vé cho hành khách mua vé trước ngày đi tàu từ 60 ngày trở lên, giảm 30% khi mua vé trước ngày đi tàu từ 30 - 59 ngày, áp dụng đối với các tàu Thống Nhất SE1/2, SE3/4, SE5/6, SE7/8, TN1/2.
Điều kiện kèm theo là hành khách đi trên 1.300 km, không áp dụng cho vé tập thể. Vé giảm 50% không đổi trả, vé giảm 30% khi đổi trả khấu trừ 50% giá vé.
Đối với tàu SE21/22 (Sài Gòn - Huế và ngược lại), công ty giảm 20% giá vé loại ghế ngồi cứng, số lượng mỗi ngày 1 toa 80 chỗ, đi từ 750 km trở lên, không áp dụng cho vé tập thể, khi đổi trả vé không đúng thông tin khấu trừ 20%. Kể từ 1.11 - 23.12, giảm 5 - 20% giá vé các tàu: SE3/4, SE7/8, SE21/22, SE25/26, SNT1/2, SPT1/2; giảm 30 - 50% giá vé tàu du lịch chất lượng cao STC1/2 Sài Gòn - Tháp Chàm. Từ 1.11 - 30.11, giảm 10% giá vé các tàu: SE1/2, SE5/6.
(
Tinkinhte
tổng hợp)