tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh chiều 02-11-2015

  • Cập nhật : 02/11/2015

Quảng Ngãi hụt thu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất hàng nghìn tỷ đồng

Số thu của tỉnh Quảng Ngãi từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất dự kiến đến cuối năm hụt trên dưới 5.000 tỷ đồng.

10 tháng đầu năm nay, tỉnh Quảng Ngãi thu ngân sách đạt trên 23.700 tỷ đồng, trong đó thu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất trên 20.400 tỷ đồng, chiếm khoảng 83% tổng nguồn thu ngân sách của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Luyện, Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Quảng Ngãi cho biết, do giá dầu thế giới sụt giảm mạnh, từ 110 USD/thùng xuống dưới 50 USD/thùng, nên nhiều khả năng tỉnh Quảng Ngãi không hoàn thành kế hoạch thu ngân sách trong năm nay.

Số thu từ Nhà máy lọc dầu dự kiến đến cuối năm hụt trên dưới 5.000 tỷ đồng, đây là số thu rất lớn. Như vậy, ảnh hưởng rõ là tỉnh không hoàn thành nhiệm vụ thu đối với Trung ương. Ảnh hưởng hụt thu này tập trung vào ngân sách ở cấp Trung ương.


Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam tăng 22 bậc

Việc rút ngắn thời gian, rút gọn thủ tục liên quan đến ngành điện đã góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng đối với khách hàng.

Nhóm nghiên cứu Doing Business của Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) mới công bố kết quả đánh giá các chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2015 của 189 nền kinh tế trên thế giới trong đó có kết quả đánh giá về chỉ số tiếp cận điện năng; Các yếu tố về thời gian tiếp cận điện năng và chi phí thực hiện đều có cải thiện so với năm 2014. 

Theo kết quả đánh giá này, chỉ số tiếp cận điện năng năm 2015 của Việt Nam tăng 22 bậc so với năm 2014 và đứng ở vị trí 108/189.

Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam là chỉ số có kết quả thay đổi tốt nhất trong 10 chỉ số đánh giá về môi trường kinh doanh của Việt Nam. Nội dung thay đổi của ngành điện Việt Nam cũng được Doing Business ghi nhận trong danh sách 19 nước có cải thiện hiệu quả quy trình tiếp cận điện. Trong đó, số ngày thực hiện của Việt Nam là 59 ngày (bao gồm các thủ tục của Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN và các đơn vị chức năng liên quan) tốt hơn các nước Indonesia, Timor-Leste, Campuchia, Myanmar và Lào.

Theo báo cáo đánh giá của Doing Bussines, EVN đã giảm thời gian thực hiện các công việc của ngành điện để cấp điện cho các khách hàng đấu nối vào lưới điện trung áp từ 18 ngày xuống 16 ngày và đến tháng 9/2015 thời gian rút ngắn chỉ còn 10 ngày. Trong đó gộp thủ tục thỏa thuận đấu nối và thỏa thuận thiết kế thành thỏa thuận đấu nối và các yêu cầu kỹ thuật với thời gian thực hiện là 2,5 ngày, rút ngắn thời gian nghiệm thu đóng điện công trình và ký kết Hợp đồng mua bán điện xuống còn 6 ngày.

EVN ứng dụng công nghệ thông tin vào triển khai thực hiện chỉ số tiếp cận điện năng, qua đó khách hàng có thể đăng ký cấp điện và tra cứu tiến độ giải quyết cấp điện của ngành điện cho khách hàng đấu nối vào lưới điện trung áp qua website của các Tổng Công ty điện lực.

Cũng theo ghi nhận của Doing Bussines, EVN công bố đầy đủ các quy định pháp lý, quy trình, thủ tục, hồ sơ và thiết kế mẫu đối với việc cấp điện đấu nối lưới điện trung áp tại tất cả các Phòng Giao dịch khách hàng trên toàn quốc, Website của các Công ty điện lực


Dự kiến tăng 8% lương hưu từ 1/1/2016

Bộ Tài chính vừa cho biết, ngân sách đã bố trí được nguồn để tăng 8% lương cho người về hưu trong năm 2016.

Cụ thể, đối với người nghỉ hưu trước tháng 4/1993 sẽ được tăng tối đa 250.000 đồng/tháng. Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động có mức trợ cấp dưới 2 triệu đồng/tháng sẽ được tăng tối đa 150.000 đồng/tháng. Mức hưởng sau điều chỉnh của cả hai đối tượng này không quá 2 triệu đồng/tháng.

Riêng đối với người có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở, Bộ Tài chính cho biết ngoài việc tăng thêm 8% thì còn được tăng thêm một phần nữa.

Các nội dung này được Chính phủ trình Quốc hội và nếu được Quốc hội thông qua sẽ áp dụng ngay từ ngày 1/1/2016.


Hà Nội vào cuộc vụ "máy lọc nước ngăn ngừa mỡ máu"

Vào cuộc vụ "máy lọc nước ngăn ngừa mỡ máu" của Kangaroo, Sở Y tế Hà Nội khẳng định kết quả thu được từ nghiên cứu của Bệnh viện Tim Hà Nội hoàn toàn không có giá trị khoa học.

Sở Y tế Hà Nội có Công văn khẩn số 172/SYT-NVY báo cáo Bộ Y tế, UBND TP, Ban Tuyên giáo Thành ủy… bước đầu kiểm tra thông tin về kết quả nghiên cứu của Bệnh viện Tim Hà Nội tại đề tài “Đánh giá hiệu quả hỗ trợ giảm mỡ máu của máy lọc nước RO Kangaroo trên các bệnh nhân rối loạn mỡ máu điều trị tại Bệnh viện Tim Hà Nội”.

Trong đó nêu rõ, sau khi nhận công văn từ Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Bệnh viện Tim Hà Nội thu hồi ngay thông báo kết quả thử nghiệm máy lọc nước RO Kangaroo và bệnh viện phải phối hợp với Tập đoàn Kangaroo gỡ bỏ ngay các quảng cáo trên mọi phương tiện truyền thông về tác dụng điều trị rối loạn mỡ máu của nước lọc từ máy lọc nước RO Kangaroo.

Đồng thời, thành lập Hội đồng tư vấn chuyên môn xem xét cơ sở khoa học của đề tài, Viện sức khỏe nghề nghiệp, Bộ Y tế sẽ lấy mẫu nước trước và sau khi lọc qua máy RO Kangaroo của 18 hộ gia đình trong nghiên cứu của Bệnh viện Tim xét nghiệm phân tích các chỉ số và đối chiếu với các chỉ số công bố của nhà sản xuất máy lọc nước Kangaroo cũng như tiêu chuẩn Việt Nam.

Kết luận của Hội đồng tư vấn chuyên môn Sở Y tế đã kết quả thu được từ nghiên cứu của Bệnh viện Tim Hà Nội hoàn toàn không có giá trị khoa học.

Trên cơ sở kết luận của Hội đồng tư vấn chuyên môn, Sở Y tế đã có Công văn 5135/SYT-NVY chỉ đạo Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của nhóm nghiên cứu; bệnh viện không được sử dụng một phần hoặc toàn bộ kết quả của đề tài cho bất kỳ mục đích nào. Bệnh viện cần làm việc với Công ty cổ phần tập đoàn điện lạnh điện máy Việt - Úc và yêu cầu công ty có văn bản cam kết đã thu hồi toàn bộ những quảng cáo về sản phẩm máy lọc nước RO Kangaroo có nội dung liên quan đến kết quả nghiên cứu của đề tài nói trên.

Đồng thời, Sở Y tế có văn bản đề nghị Sở Thông tin Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về quảng cáo của Công ty cổ phần tập đoàn điện lạnh điện máy Việt - Úc.


Đồng Nai: Chạy đua cùng sân bay Long Thành

Với một dự án quá lớn như sân bay Long Thành nhưng thời gian chuẩn bị lại quá ngắn, Đồng Nai đang đứng trước rất nhiều áp lực và thách thức. Trong đó, một trong những đòi hỏi bất khả kháng là tỉnh phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư cho dân và quy hoạch vùng phụ cận cùng hệ thống hạ tầng đồng bộ, tương xứng trước khi sân bay Long Thành khởi công.

Theo kế hoạch, chỉ còn hai năm nữa để chuẩn bị cho việc khởi công dự án sân bay Long Thành nhưng vẫn còn một khối lượng công việc khổng lồ cần phải hoàn thành. Vì vậy, Đồng Nai đang gấp rút chạy đua với thời gian để đảm bảo đúng tiến độ cho dự án.

Những con đường đất đỏ như thế này sẽ được thay thế bằng các tuyến giao thông hiện đại kết nối vào Sân bay quốc tế Long Thành

Với một dự án quá lớn như sân bay Long Thành nhưng thời gian chuẩn bị lại quá ngắn, Đồng Nai đang đứng trước rất nhiều áp lực và thách thức. Trong đó, một trong những đòi hỏi bất khả kháng là tỉnh phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư cho dân và quy hoạch vùng phụ cận cùng hệ thống hạ tầng đồng bộ, tương xứng trước khi sân bay Long Thành khởi công.

Đồng Nai đang đứng trước áp lực phải giải phóng xong mặt trong trong 2 năm cho dự án sân bay Long Thành.

UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, nếu không giải phóng mặt bằng ngay từ bây giờ thì dự án Sân bay Long Thành khó có thể được khởi công trong năm 2018 như kế hoạch. Bởi “đại dự án” như Sân bay Long Thành có diện tích tới 5.000 ha, với 4.730 hộ – 14.994 người dân, cùng 26 tổ chức phải di dời để giao đất cho dự án. Trong đó, có 4.330 hộ dân, với 2.970,2 ha bị giải tỏa trắng hoàn toàn. Tổng chi phí giải phóng mặt bằng và chi phí cho tái định cư lên tới 18.574 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng giải phóng mặt bằng cho giai đoạn 1 đã là 2.750 ha, với 1.894 hộ dân và 12 tổ chức bị ảnh hưởng, với kinh phí bồi thường khoảng 11.266 tỷ đồng. Trong khi đó, thời gian để hoàn thành lại quá gấp gáp.

Vì vậy, tỉnh Đồng Nai đã có văn bản báo cáo Thủ tướng đề nghị Thường vụ Quốc hội cho áp dụng cơ chế đặc thù đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong vấn đề giải phóng mặt bằng. Theo đó, tỉnh kiến nghị cho tách tiểu dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và ứng vốn để địa phương bắt tay vào việc thực hiện thay vì phải chờ đến khi báo cáo khả thi dự án được trình lại xin ý kiến Quốc hội.

Theo tỉnh Đồng Nai, các quy định hiện nay bắt buộc việc giải phóng mặt bằng khi dự án đã được Quốc hội thông qua báo cáo đầu tư. Do đó, đối chiếu vào kế hoạch của chủ đầu tư là TCty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thì dự kiến sớm nhất cũng phải vào giữa năm 2017 đơn vị này mới trình bản báo cáo khả thi lên cơ quan quyền lực cao nhất. Khi đó, công tác giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư nếu chỉ có hơn một năm rưỡi để thực hiện thì khó hoàn thành. Nếu được triển khai từ giữa năm 2017 thì theo quy trình thông thường phải tới năm 2020 địa phương mới có thể bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Khi ấy, giai đoạn một của Sân bay Long Thành chỉ có thể hoàn thành vào khoảng năm 2025 chứ khó về đích năm 2023 như kế hoạch ban đầu.

Vì vậy, để đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng vào năm 2018, muộn nhất là vào đầu năm 2019, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng cho phép tạm ứng vốn để thực hiện giải phóng trước 2.750 ha mặt bằng phục vụ giai đoạn một của dự án. Tỉnh cũng đồng thời xin được chỉ định thầu các gói tư vấn, thiết kế, giám sát thi công trước một khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn quy mô 282 ha cho các hộ bị giải tỏa trắng. Hiện tại, Đồng Nai đang cố gắng hoàn thiện Khung chính sách bồi thường, tái tạo việc làm theo hướng đem lại nhiều quyền lợi thiết thực cho 15.000 người dân trong khu vực dự án.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, mọi công tác chuẩn bị của địa phương phải thật sự làm gấp rút để trong năm nay đề án có thể được Trung ương phê duyệt và đồng ý cho áp dụng cơ chế đặc biệt trong giải phóng mặt bằng, tái định cư. Phải chạy đua với thời gian để kịp tiến độ nhưng cũng phải xây dựng đề án một cách kỹ càng, chi tiết để sao cho cuộc sống người tái định cư sẽ được tốt hơn nơi ở cũ.

Ngày 31/10, tại Hà Nội, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tổ chức hội thảo quốc gia với chủ đề “Cần cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng và tái cư cho người dân dự án sân bay quốc tế Long Thành”. Sau đó, Đồng Nai sẽ tổ chức một buổi hội thảo riêng tại huyện Long Thành để tiếp tục lấy ý kiến từ DN, hộ gia đình trong vùng dự án.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục