Phần lớn các cơ sở lưu trú được xếp hạng 1 đến 3 sao và chỉ đạt công suất khoảng 10% vào mùa thấp điểm.
Tin trong nước đọc nhanh trưa 01-11-2015
- Cập nhật : 01/11/2015
Việt Nam lên tiếng về việc tòa thụ lý vụ kiện 'đường lưỡi bò'
Tòa án của LHQ sẽ xem xét các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông căn cứ vào Công ước Luật biển năm 1982. Ảnh minh họa: Reuters
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình hôm nay nhắc lại quan điểm mà Việt Nam đã nêu trong Tuyên bố của Bộ đã gửi Tòa trọng tài ngày 5/12/2014, liên quan đến vụ kiện do Philippines đưa ra.
Theo đó Việt Nam ủng hộ việc tuân thủ và thực thi đầy đủ tất cả các quy định và thủ tục của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), kể cả việc giải quyết mọi tranh chấp có liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước bằng các biện pháp hoà bình.
"Việt Nam bảo lưu các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông, trong đó có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các quyền và lợi ích tại các vùng biển được xác định theo Công ước", ông Bình nói.
Toà Trọng tài thường trực (PCA) của Liên Hợp Quốc ở The Hague (La Haye), Hà Lan, hôm 29/10 bác bỏ lập luận của Trung Quốc rằng "tranh chấp thực ra là về chủ quyền đối với các đảo" ở Biển Đông và do đó, vượt quá thẩm quyền của tòa.
Thay vào đó, tòa cho rằng vụ kiện phản ánh "tranh chấp giữa hai quốc gia, liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS)", và điều này nằm trong thẩm quyền của tòa.
Philippines đã đệ đơn kiện lên PCA từ tháng 1/2013, cho rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông không phù hợp với UNCLOS và cần được tuyên bố là không có căn cứ. Philippines cũng khẳng định rằng một số rạn san hô và bãi cát ngầm Trung Quốc chiếm đóng không được hưởng lãnh hải hoặc làm cơ sở để tuyên bố có lãnh hải.
PCA khẳng định họ có thẩm quyền để xem xét 7 vấn đề chống lại Trung Quốc do Philippines đặt ra, trong đó có việc liệu bãi cạn Scarborough và bãi cạn nửa chìm nửa nổi như đá Vành Khăn có được coi là đảo hay không. Tuy nhiên, tòa nói thêm rằng thẩm quyền của mình đối với 7 điểm khác sẽ cần được xem xét thêm. Tòa yêu cầu Manila làm rõ một vấn đề khác.
Tòa cũng cho biết đã lên kế hoạch về các phiên điều trần tiếp theo và dự kiến sẽ đưa ra phán quyết vào năm sau.
Theo người phát ngôn, Việt Nam cũng đề nghị Toà đặc biệt quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông và Việt Nam sẽ xem xét các bước đi tiếp để bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia. Tòa cần giải thích và áp dụng các quy định liên quan của Công ước để đưa ra phán quyết công bằng và khách quan.
Ông Bình một lần nữa nhắc lại chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Là quốc gia ven biển ở Biển Đông và thành viên UNCLOS, Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình được xác định phù hợp với Công ước.
"Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi sát tiến trình tiếp theo của vụ kiện và bảo lưu quyền sử dụng mọi biện pháp hòa bình phù hợp và cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích pháp lý của mình", ông Bình nói.
Nguy cơ thiếu nước sẽ rất gay gắt
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, hạn hán năm 2015 ở mức cao nhất trong nhiều năm gần đây. Tổng lượng mưa 10 tháng đầu năm tại hầu hết các khu vực trên toàn quốc đều thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-60%, nguy cơ thiếu nước sản xuất, sinh hoạt đang rất gay gắt.
Lượng mưa thiếu hụt
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn do Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì sáng nay (31/10) cho thấy, thời tiết từ đầu năm 2015 diễn biến hết sức bất thường, hạn hán, nắng nóng kéo dài trên diện rộng với nền nhiệt độ cao nhất trong ngày nhiều nơi lên tới trên 42 độ C.
Hơn nữa, khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có tổng lượng mưa thấp hơn cùng kỳ năm 2014, thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 30-60%. Đặc biệt, khu vực Nam Trung Bộ thiếu hụt từ 40-80% (có thời gian hụt tới 90%) so với TBNN.
Năm 2014, lượng mưa ở Trung Bộ thiếu hụt dẫn tới những tháng đầu năm 2015, tại nhiều địa phương đã không còn đủ nước cho sản xuất, sinh hoạt, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Đã có khoảng 40.000 ha không có nước phải dừng sản xuất, 122.000 ha thiếu nước và hàng chục nghìn người thiếu nước sinh hoạt.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong thời gian tới, lượng mưa ở Bắc Bộ xấp xỉ TBNN nhưng ở khu vực Trung Bộ có khả năng tiếp tục thiếu hụt từ 30-50% so với TBNN cùng thời kỳ. Thậm chí, nhiều khả năng tổng lượng mưa sẽ thiếu hụt trong chính mùa mưa. Lượng mưa ở khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ và Bình Thuận thấp hơn khoảng 20-40% và mùa mưa cũng kết thúc sớm hơn so với TBNN.
Sẽ còn nhiều khó khăn
Cũng theo báo cáo từ các địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hầu hết các hồ chứa đều không đủ nước trữ theo thiết kế. Trên hệ thống các hồ thủy điện, tổng lượng nước về các hồ khu vực miền Trung, miền Nam tính đến thời điểm hiện nay thấp hơn TBNN khoảng 11,12 tỉ m3 và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2014 khoảng 32,43 tỉ m3(tương đương 52%).
Tổng dung tích đã tích được nước của các hồ chứa thuỷ điện là 24,05 tỉ m3, chiếm 72,78% tổng dung tích hữu ích. EVN cho hay, để tích đầy các hồ, từ nay đến cuối năm cần phải tích thêm gần 9 tỉ m3. Nhưng với diễn biến thủy văn như hiện nay thì việc tích đầy hồ là rất khó khăn, nhiều hồ sẽ không tích được đến mực nước dâng bình thường.
Tại các hồ thuỷ lợi khu vực Bắc Trung Bộ, đã là cuối mùa mưa nhưng nhiều hồ mới đạt khoảng 40-50% dung tích thiết kế (như hồ Cửa Đạt mới tích được 490 triệu m3, đạt 46%; hồ Hủa Na tích được 179 triệu m3, đạt 47%).
Khu vực Trung Trung Bộ mới chỉ đạt 20-30%, cuối mùa lũ khả năng chỉ đạt 30-40% dung tích thiết kế. Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sau khi cung cấp nước cho sản xuất vụ Đông Xuân tới, nhiều hồ chỉ còn 10-20% dung tích. Điều này dẫn đến nguy cơ không đủ nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt nếu không điều chỉnh lại việc phát điện để tích trữ nước.
Do hạn hán, xâm nhập mặn cũng diễn ra mạnh và rộng. Đặc biệt là tại vùng ĐBSCL, xâm nhập mặn xuất hiện sớm, vào sâu trong đất liền so với cùng kỳ. Từ tháng 12, ở các vùng cách biển 25-35 km, mặn có khả năng vượt quá 4 g/l. Còn từ tháng 1-2/2016 trở đi, các vùng này gần như không có khả năng lấy nước ngọt. Các vùng cách biển 45-65 km, nếu mùa mưa đến chậm, xâm nhập mặn có thể kéo dài đến tháng 6/2016, ảnh hưởng nặng nề tới vụ Đông Xuân, Xuân Hè, cây công nghiệp ngắn ngày, nuôi tôm...
Như vậy, vụ Đông Xuân năm 2015-2016 và năm 2016, nếu không chủ động tính toán và có phương án điều hành sử dụng nguồn nước cho phù hợp, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước cho sản xuất và ngay cả nước sinh hoạt sẽ có nguy cơ xảy ra gay gắt, khốc liệt hơn những tháng đầu năm 2015 tại nhiều địa phương ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đang đề xuất một số biện pháp để các địa phương triển khai phương án phòng, chống hạn, chủ động tích trữ nước ở các hồ chứa thuỷ lợi, thủy điện nhằm phục vụ cho sản xuất, nhất là cho sinh hoạt trong thời gian tới.
Khởi động dự án xã hội hóa đường thủy hơn 2.200 tỷ đồng
Dự án cải tạo nâng cấp luồng cửa sông Trà Lý (Thái Bình) theo hình thức hơp đồng BOT (Xây dựng - Kinh doanh – Chuyển giao)...
Vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật chủ trì cuộc họp về Báo cáo đầu kỳ Dự án cải tạo nâng cấp luồng cửa sông Trà Lý (Thái Bình) theo hình thức hơp đồng BOT (Xây dựng - Kinh doanh – Chuyển giao).
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 2.295 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Hạ tầng Đông Á làm chủ đầu tư. Dự án nhằm cải tạo mở rộng, đảm bảo độ sâu để đáp ứng cho tàu pha sông biển loại trọng tải 2.000 tấn qua lại, phục vụ nhu cầu vận chuyển than cho 2 nhà máy nhiệt điện tại Thái Bình.
Với dự án “mở cửa” sông Trà Lý để vận chuyển than từ tuyến ven biểnQuảng Ninh - Thái Bình sẽ giúp rút ngắn hơn 200 km so với đi bằng các tuyến sông trong nội địa và tiết kiệm khoảng 200-300 tỷ đồng mỗi năm.
Mới đây, nhà đầu tư và Bộ GTVT đã ký thỏa thuận lập báo cáo nghiên cứu khả thi vào cuối tháng 10/2015. Ban quản lý các dự án đường thủy (Bộ GTVT) cũng đã đề nghị Bộ GTVT chấp thuận đề cương, dự toán cho công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và đề cương, dự toán nghiên cứu khả thi dự án cho nhà đầu tư.
Đến nay nhà đầu tư đã cơ bản hoàn thành và cung cấp số liệu phục vụ thiết kế công tác khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn; phối hợp với đơn vị Tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Đáng chú ý, quy mô dự án đã được điều chỉnh tăng lên so với ban đầu, với mục tiêu đáp ứng tàu 2.000 tấn thay vì 1.000 tấn như hồi đầu năm 2015.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Nhật yêu cầu đơn vị quản lý dự án, nhà đầu tư phân kỳ đầu tư hợp lý, để dự án mang lại lợi ích cho tất cả các bên, trong đó cần nghiên cứu làm đê ngay từ giai đoạn đầu.
Và để giảm chi phí đầu tư, nhà đầu tư phải làm việc với chính quyền địa tỉnh, huyện và các sở, ngành để thực hiện tốt các vấn đề liên quan, như giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến đất canh tác nông nghiệp... Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị nỗ lực hoàn thiện thủ tục để sớm triển khai dự án, cố gắng đến đầu năm 2017 đưa dự án vào khai thác, sử dụng.
Tỷ lệ nghèo Việt Nam thuộc hàng thấp nhất khu vực
Dựa trên báo cáo Basic Statistics 2015 (Số liệu thống kê cơ bản), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận xét quá trình giảm nghèo tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã có nhiều tiến triển đáng kể, nhưng tốc độ không đồng đều. Tỷ lệ có việc làm - yếu tố chủ chốt trong việc giúp nhiều người thoát đói nghèo, cũng vẫn còn thấp tại nhiều quốc gia.
Cũng theo báo cáo này, tỷ lệ nghèo đói của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất khu vực, với chỉ 9,8%. Trong khi đó, tỷ lệ người dân có việc làm lên tới 75,5%.
Basic Statistics được công bố hàng năm, thống kê các chỉ số thuộc Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) tại hơn 40 quốc gia, như tỷ lệ người dân sống dưới 1,25 USD mỗi ngày (tính theo ngang giá sức mua – PPP), tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh hay lượng khí thải CO2. Báo cáo này còn ghi nhận các số liệu kinh tế cơ bản, như GDP, lạm phát, cán cân thương mại hay nợ nước ngoài.
Tình hình nghèo đói và việc làm tại châu Á - Thái Bình Dương. Đồ họa: ADB (Xem chi tiết)
Trung tâm bảo trợ xã hội “ăn chặn” gần 800 triệu đồng
Kết quả thanh tra tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An, đoàn thanh tra Sở LĐ-TB&XH phát hiện trung tâm này đã bớt xén gần 800 triệu đồng của người nghèo trong 5 năm qua.
Ngày 31-10, ông Nguyễn Bằng Toàn, giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cho biết, đoàn thanh tra của Sở đã có báo cáo ban đầu về những sai phạm trong 5 năm (2011-2015) tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, trong đó tổng số tiền chi sai, chưa chi trả cho các đối tượng như người bệnh tâm thần, người già neo đơn gần 800 triệu đồng.
“Số tiền sai phạm chủ yếu tại trung tâm là trong việc mua trang thiết bị, mua thực phẩm cho các đối tượng trên 700 triệu đồng. Số tiền trên đoàn thanh tra đã truy thu lại trong quá trình thanh tra và chờ hướng xử lý tiếp theo”, ông Toàn nói.
Trước đó, trên mạng xã hội facebook đăng tải hình ảnh cuộc sống sinh hoạt khó khăn của các đối tượng bảo trợ xã hội tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An (đóng tại xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương) gây bức xúc trong dư luận.
Trong đó trong đó có cảnh bệnh nhân không mặc quần áo, suất cơm chỉ có cơm trắng và vài ba miếng thịt, bệnh nhân ăn bằng tay…
Sau đó, Cục Bảo trợ, Bộ LĐ-TB&XH, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra tại Trung tâm này.
Kết quả đợt kiểm tra, Ban giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An bị kiểm điểm trách nhiệm, rút kinh nghiệm vì thiếu linh hoạt trong chế biến thức ăn, không cách ly những người tâm thần nặng, cho người bệnh về nhà mà không có sự giám sát.
Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính, Sở LĐ-TB&XH thực hiện việc nâng mức trợ cấp theo nghị định 136/2013/NĐ-CP và nghị quyết 74 của Chính phủ; các sở, ban ngành, huyện và các tổ chức đoàn thể tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các đối tượng ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An có cuộc sống tốt hơn.
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An có 26 cán bộ nhân viên đang nuôi dưỡng, chăm sóc cho 122 người bệnh tâm thần và 18 người già neo đơn.
Trong đó, mỗi tháng người già neo đơn được cấp 360.000 đồng/người, còn người mắc bệnh tâm thần 450.000 đồng/người.
Chiều 31-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Văn Hưng, chánh văn phòng Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cho biết, đoàn thanh tra đã làm việc và thông báo kết quả thanh tra với người tố cáo. Trong tuần tới phía Sở sẽ có văn bản chính thức về những sai phạm tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.