Đà Nẵng giám sát hoạt động đầu tư khu vực biên giới biển
PMI tháng 10 tăng nhẹ lên 50,1 điểm
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung được giới thiệu làm Chủ tịch Hà Nội
TP HCM chi hơn 900 tỷ đồng xây hạ tầng công viên lịch sử
Không được đưa lao động phổ thông vào Việt Nam
Tin trong nước đọc nhanh 03-11-2015
- Cập nhật : 03/11/2015
Khánh Hòa chi 4.300 tỷ xây khu trung tâm hành chính hình tổ yến
Trao đổi với VnExpress ngày 2/11, ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Ban quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa – cho biết, Chính phủ đã phê duyệt, đồng ý về nguyên tắc áp dụng hình thức hợp đồng (xây dựng – chuyển giao) để UBND Khánh Hòa triển khai dự án xây dựng khu Trung tâm đô thị hành chính.
Mô hình khu trung tâm đô thị hành chính mới của tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Viện quy hoạch đô thị - nông thôn quốc gia.
Dự án có tổng diện tích khu vực quy hoạch 126 ha ở xã Vĩnh Thái, TP Nha Trang. Trong đó, trung tâm hành chính tập trung rộng 37 ha còn lại là khu nhà ở thương mại, dịch vụ văn phòng 89 ha. Quy mô người sử dụng tối đa trên toàn khu vực là 5.000 người… Tổng mức đầu tư dự kiến gần 4.300 tỷ đồng, riêng vốn xây dựng hạ tầng và công trình kiến trúc cho khu trung tâm hành chính là hơn 3.000 tỷ.
Trung tâm hành chính mới của tỉnh sẽ dùng hình tượng tổ yến. Tòa nhà chính quyền được tạo hình khối như một quả trứng khổng lồ đang nở, phía trên có mái vòm. Cảnh quan xung quanh được phối cây xanh, lối đi bộ, trang trí bằng các nét xước lớn trắng như dải yến… "Đây là một trong những công trình kiến trúc 'xanh' giúp giải nhiệt trong tòa nhà và là giải pháp tiết kiệm năng lượng", giám đốc Ban quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Tại đây sẽ bố trí “phố hành chính” tập trung (cơ quan Đảng, tổ chức đoàn thể - chính trị nhà nước) và khu dịch vụ công (cơ quan ngành dọc chịu sự quản lý của trung ương, dịch vụ công cộng…). Đây sẽ là trung tâm diễn ra các hoạt động giao lưu, tổ chức các lễ hội văn hóa, chính trị…Phía sau tòa nhà hình quả trứng khổng lồ là quảng trường yến - không gian công cộng với các hoạt động thường nhật phục vụ người dân thành phố và du khách. Đây cũng là nơi tập trung khách sạn cao cấp, nhà ở công vụ, nhà phục vụ chung (khu văn hóa với các phòng biểu diễn, bảo tàng, phòng chiếu phim, khu vui chơi cho thanh thiếu niên...)
Tòa nhà chính quyền Khánh Hòa được tạo hình khối như một quả trứng khổng lồ đang nở. Ảnh: Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn quốc gia.
UBND tỉnh đã có văn bản giao cho một công ty thực hiện giải phóng mặt bằng, san lấp, đầu tư hạ tầng cho cả khu đô thị, làm đường và một số công trình. Sau đó, tỉnh sẽ giao lại các khu đất tại sân bay Nha Trang để hoàn vốn cho công ty này.
Ngoài ra, một công ty khác sẽ thực hiện thiết kế, lập dự án và đầu tư các công trình, trụ sở làm việc của khu trung tâm hành chính tập trung. Dự kiến trong quý I/2016 dự án được khởi công, đến năm 2020 một số hoạt động chính sẽ được đưa vào hoạt động. Đổi lại, công ty sẽ được giao các “khu đất vàng” đối diện bờ biển Nha Trang đang là trụ sở của 5 khối cơ quan hành chính.
“Khi Trung tâm hành chính được đưa vào sử dụng, các sở ngành của tỉnh tập trung tại một địa điểm sẽ giúp người dân và đơn vị liên quan thuận tiện trong giải quyết thủ tục hành chính”, ông Nhân đánh giá.
ĐBSCL có 100.000 héc ta lúa sẽ bị ảnh hưởng bởi hạn và mặn
Vụ đông xuân 2015-2016 dự báo toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khoảng 100.000 héc ta sản xuất lúa bị ảnh hưởng bởi khô hạn và xâm nhập mặn, theo Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cụ thể, tại hội nghị “Sơ kết sản xuất trồng trọt năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016 tại Nam bộ” được tổ chức ở thành phố Cần Thơ hôm qua, 31-10, báo cáo của Cục Trồng trọt cho biết trong tổng số 620.000 héc ta lúa đông xuân 2015-2016 ở các tỉnh ven biển ĐBSCL (gồm Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) sẽ có khoảng 100.000 héc ta, chiếm khoảng 16% diện tích gieo cấy, bị ảnh hưởng nặng bởi khô hạn và xâm nhập mặn.
“Các địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng gồm huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Chợ Gạo, Tân Phú Đông, thị xã Gò Công của Tiền Giang; huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Tiểu Cần, Châu Thành của Trà Vinh; huyện Mỹ Xuyên, Long Phú của Sóc Trăng; huyện Hồng Dân, Phước Long, Giá Rai của Bạc Liêu; huyện An Minh, An Biên, Hòn Đất của Kiên Giang,…” báo cáo của Cục Trồng trọt cho biết.
Cũng theo Cục Trồng trọt, ở các vùng đất sản xuất cách cửa biển từ 25-35 km, mặn sẽ xuất hiện sớm từ tháng 1-2016 với nồng độ có khả năng vượt 4 gam/lít và từ tháng 2 trở đi, khu vực này gần như hoàn toàn không có khả năng lấy nước ngọt từ cửa sông; các vùng sản xuất cách cửa biển từ 40-65 km có khả năng nhiễm mặn 4 gam/lít vào các tháng 3 và 4-2016, thậm chí kéo dài sang tháng 5, nếu không có mưa xuất hiện. “Các vùng cách cửa biển từ 65 km trở lên, tuy ít bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn 4 gam/lít nhưng cũng cần thận trọng trong các đợt triều cường,” Cục Trồng trọt khuyến cáo.
Trong khi đó, ông Đặng Văn Dũng, Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết trong 4 tháng đầu mùa mưa năm nay, tổng lượng mưa đo được ở các trạm trên lưu vực sông Mê Kông thấp hơn trung bình nhiều năm 30-50%; lưu lượng dòng chảy tại một số trạm chính cũng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 35-48%.
“Nhiệt độ trung bình trên toàn khu vực trong các tháng còn lại của năm 2015 và 3 đến 4 tháng đầu năm 2016 sẽ tiếp tục cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 độ C,” báo cáo của Đài khí tượng thủy văn Nam bộ cho biết.
Để ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết và lượng nước từ thượng nguồn về thấp hơn trung bình nhiều năm…, ông Dũng của Đài khí tưởng thủy văn khu vực Nam bộ đề nghị các địa phương trong vùng cần có biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn và thiếu nước trong mùa khô 2015-2016.
Còn ông Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, đề nghị các địa phương tranh thủ xuống giống sớm hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 20 ngày để có điều kiện chủ động nước tưới đầu vụ, tránh bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn vào cuối vụ.
Theo đó, lịch xuống giống vụ lúa đông xuân 2015-2016 được bố trí như sau: trong tháng 10-2015 xuống giống khoảng 250.000 héc ta; tháng 11-2015 là 650.000 héc ta; tháng 12-2015 là 550.000 héc ta và tháng 1-2016 là trên 113.000 héc ta.
Tuy nhiên, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị nếu thuận lợi nên kết thúc sớm xuống giống vụ đông xuân 2015-2016 vào tháng 12-2015.
Giám đốc công an Hà Nội được bầu làm Phó bí thư thành ủy
Sáng 2/11, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó bí thư thường trực thành ủy đã báo cáo kết quả Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa 16. Theo đó, Hội nghị lần thứ nhất đã bầu ra 16 người tham gia Ban Thường vụ thành ủy khóa mới.
Giám đốc Công an Hà Nội, thiếu tướng Nguyễn Đức Chung vừa được bầu làm Phó bí thư thành ủy. Ảnh: Bá Đô.
Hội nghị cũng bầu 4 Phó bí thư thành ủy gồm bà Ngô Thị Thanh Hằng (hiện là Phó bí thư thường trực), bà Nguyễn Thị Bích Ngọc (Phó bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố); ông Nguyễn Đức Chung (Giám đốc Công an thành phố); ông Đào Đức Toàn (Trưởng ban Tổ chức thành ủy).
Bà Ngô Thị Thanh Hằng tiếp tục được phân công giữ chức vụ Phó bí thư thường trực. Hội nghị cũng bầu Ủy ban Kiểm tra thành ủy gồm 14 người. Ông Trần Quang Cảnh làm Chủ nhiệm Ủy ban nhiệm kỳ mới.
Danh sách Ban Thường vụ thành ủy khóa 16 gồm bà Ngô Thị Thanh Hằng, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, ông Đào Đức Toàn, ông Nguyễn Đức Chung, ông Trần Quang Cảnh, ông Nguyễn Quang Huy, ông Vũ Hồng Khanh, ông Lê Hồng Sơn, ông Nguyễn Văn Sửu, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, ông Nguyễn Quốc Hùng, bà Nguyễn Thị Tuyến, ông Nguyễn Doãn Anh, ông Nguyễn Văn Phong, ông Vũ Đức Bảo và bà Nguyễn Lan Hương.
Trong phiên họp ngày 1/11, Đại hội đảng bộ Hà Nội đã bầu 74 đại biểu vào Ban chấp hành khóa mới. Theo quy định, nhân sự đảm trách Bí thư Hà Nội sẽ do Bộ Chính trị quyết định.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, sinh năm 1967, quê ở Kinh Môn (Hải Dương).
Ông từng nhiều năm làm việc tại Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hà Nội. Sau khi lần lượt giữ chức Phó phòng, rồi Trưởng phòng, ông làm Phó giám đốc Công an thành phố, Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra.
Tháng 9/2012, ông Chung được bổ nhiệm làm Giám đốc Công an Hà Nội.
Ông Chung, được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang khi mới 37 tuổi, là điều tra viên cao cấp, tiến sĩ luật, cử nhân kinh tế.
Việt Nam lên tiếng về khu vực biên giới với Campuchia
Báo điện tử Campuchia vodhotnews.com đưa tin Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 25/10 nói tại Paris, Pháp, rằng Việt Nam thông qua kênh chưa chính thức thỏa thuận chia đất tại khu vực giữa Đắk Đăm - Đắk Huýt (tỉnh Đắk Nông và Mondulkiri), theo đó Campuchia được 40%, Việt Nam được 60%.
Khi được hỏi về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm nay nêu rõ: "Chúng tôi đang xác minh thông tin trên. Liên quan đến khu vực biên giới Đắk Đăm thuộc tỉnh Đắk Nông của Việt Nam tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri thuộc Campuchia, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý, lịch sử và quản lý thực tế để khẳng định khu vực này luôn thuộc chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ của Việt Nam".(TTXVN)
Ông Phạm Quang Nghị phụ trách Đảng bộ Hà Nội
Trưa 2-11, ông Nguyễn Văn Phong, ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết như vậy khi trả lời câu hỏi của báo chí tại buổi họp báo thông tin kết quả ngày làm việc thứ hai của Đại hội Đảng bộ Hà Nội khóa XVI.
Ông Phong cho biết, phiên họp thứ nhất của Ban chấp hành Đảng bộ Hà Nội khóa XVI đã bầu một lần đủ 16 đồng chí vào Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2015-2020.
Bốn phó bí thư gồm đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng - phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội khóa XV; Nguyễn Thị Bích Ngọc - phó bí thư Thành ủy khóa XV, chủ tịch HĐND TP; Đào Đức Toàn - trưởng Ban tổ chức Thành ủy, Nguyễn Đức Chung - giám đốc Công an TP.
Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã thống nhất phân công đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng làm phó bí thư Thường trực Thành ủy khóa XVI nhiệm kỳ 2015-2020.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc phân công nhiệm vụ với ông Phạm Quang Nghị, ông Phong nói: “Theo quyết định của Bộ Chính trị, đồng chí Phạm Quang Nghị sẽ phụ trách Đảng bộ TP Hà Nội. Còn điều hành Đảng bộ TP sẽ do tập thể Thường trực Thành ủy khóa XVI gồm 4 đồng chí phó bí thư vừa được bầu của Ban chấp hành khóa XVI điều hành.
Trong tập thể Thường vụ Thành ủy cũng đã phân công đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội điều hành công việc của Thành ủy”.
Theo ông Phong, dự kiến chiều 2-11, đại hội sẽ bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng. “Đoàn sẽ có 61 đồng chí, trong đó có 4 đồng chí là đại biểu đương nhiên, còn Đại hội sẽ bầu 57 đồng chí còn lại” - ông Phong cho hay.(Tuổi Trẻ)