Giá trị quan trắc tuần qua cho thấy, chất lượng không khí Hà Nội đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là thời điểm mật độ phương tiện giao thông cao.
Tin trong nước đọc nhanh trưa 02-11-2015
- Cập nhật : 02/11/2015
Nhức nhối thất nghiệp
Quý II/2015, lực lượng lao động cả nước tăng 73.000 người, số có việc làm tăng 103.000 người và số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm 15.200 người so quý I.
Dù vậy, những con số này vẫn chưa làm vơi nỗi lo khi bản tin do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Tổng cục Thống kê vừa công bố cho biết vẫn còn hơn 1.144.000 người thất nghiệp trong độ tuổi lao động mà 53,1% trong đó không có chuyên môn kỹ thuật và con số này đã tăng 50.800 người so quý I. Đặc biệt, lao động trình độ ĐH thất nghiệp tiếp tục tăng so quý I (từ 3,29% lên 4,6%); trung cấp tăng từ 3,66% lên 4,49% và sơ cấp tăng từ 2,05% lên 2,71%. Đáng báo động nữa là tỉ lệ thất nghiệp trong lứa tuổi thanh niên tiếp tục tăng, ở mức 6,68% (cao gấp 2,8 lần so với tỉ lệ thất nghiệp chung và tăng 0,08 điểm phần trăm so quý I), trong đó tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị 11,84%. Số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết trong giai đoạn 2010-2014, ở nhóm lao động có trình độ ĐH, trong khi tỉ lệ cử nhân ra trường có việc làm chỉ tăng 38% thì người thất nghiệp tăng gấp đôi.
Những con số trên làm rõ hơn sự mất cân đối về cơ cấu lao động qua đào tạo giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục - đào tạo, mà điều này thì các chuyên gia về lao động đã cảnh báo là sẽ có nguy cơ gia tăng khi Việt Nam hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Theo số liệu của PGS-TS Trần Đình Thiên và các cộng sự (Viện Kinh tế Việt Nam) công bố thì so với 2 năm 2012 và 2013, nền kinh tế có những dấu hiệu tích cực hơn vào cuối năm 2014 nên đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động (tăng 3,6% so với thực hiện năm 2013), trong đó tạo việc làm trong nước khoảng 1.494.000 lao động (tăng 2,7% so với năm 2013). Tuy nhiên, dù số lượng doanh nghiệp mới thành lập lớn hơn số giải thể nhưng số lượng việc làm mới tạo ra lại thấp hơn số việc làm mất đi. Chưa kể doanh nghiệp mới thành lập thường tạo ra chỗ làm mới bấp bênh hơn những doanh nghiệp cũ có thời gian dài hoạt động ổn định.
Vậy là rõ, dù tình hình kinh tế - xã hội như báo cáo trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII cho thấy những tín hiệu lạc quan như tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5% là cao nhất trong 5 năm qua; lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô dần ổn định; tổng thu ngân sách tăng 7,4% và trong 5 năm qua đã tăng gấp khoảng 2 lần so với giai đoạn trước... nhưng nỗi lo vẫn còn rất lớn khi nhìn vào thị trường lao động trong nước.
Tiền bạc có thể còn làm ra nhiều hơn, GDP có thể còn tăng cao nữa nhưng những con số ấy chỉ thực sự ý nghĩa khi chúng ta kìm hãm được nhiều hơn số người thất nghiệp, bởi tình trạng thất nghiệp không chỉ là lãng phí nguồn lực mà còn kéo theo vô vàn hệ lụy. Cứ nhìn vào một gia đình thì rõ, cha mẹ làm ra rất nhiều tiền nhưng con cái đã đông lại không có việc làm thì “miệng ăn núi lở”, khó mà thoát nguy cơ đói nghèo.(NLD)
Mặn sẽ xâm nhập sớm và sâu ở ĐBSCL
Do lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông về ít nên độ mặn sẽ xâm nhập sớm và sâu vào ĐBSCL so với nhiều năm.
Đó là thông tin được ông Đặng Văn Dũng, Phó giám đốc Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Nam bộ, đưa ra tại hội nghị “Sơ kết sản xuất trồng trọt năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016 tại Nam bộ” tổ chức ở TP Cần Thơvào sáng 31-10.
Theo ông Dũng, do ảnh hưởng của El Nino mạnh và kéo dài nên từ đây đến hết năm 2015 có khả năng còn khoảng 3-4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó có khoảng 1-2 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Lượng mưa ở khu vực Nam bộ có khả năng kết thúc sớm hơn so với trung bình nhiều năm (trong khoảng cuối tháng 10 đến đầu tháng 11). “Mực nước thượng nguồn sông Mê Kông tiếp tục xuống nhanh, đầu nguồn sông Cửu Long, khu vực Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười chịu ảnh hưởng mạnh của thuỷ triều và xuống dần trong thời gian tới. Đến cuối tháng 12-2015, mực nước tại Tân Châu và Châu Đốc xuống mức thấp hơn từ 0,3-0,4 m” - ông Dũng nói.
Vùng hạ lưu các sông ở Nam bộ sẽ chịu ảnh hưởng của các đợt triều cường mạnh vào cuối tháng 10, 11, 12. Trong đó, kỳ triều cường vào cuối tháng 11, mực nước các trạm có khả năng lên mức cao: tại TP Cần Thơ trên sông Hậu có khả năng ở mức từ 2-2,10 m; tại Mỹ Thuận trên sông Tiền ở mức 1,90-2,00 m.
Mặn sẽ xâm nhập sớm nên ĐBSCL cần chủ động nguồn nước để phục vụ tưới tiêu cho vụ đông xuân. Ảnh: Ngọc Trinh
Do lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông về nhỏ nên độ mặn sẽ xâm nhập sớm và sâu. Trên hệ thống sông Cửu Long, độ mặn cao nhất năm có thể xuất hiện trong tháng 3-2016, ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn độ mặn cao nhất mùa khô năm 2015, cao hơn trung bình nhiều năm.
7 phương hướng, nhiệm vụ của Đảng bộ TP Hà Nội
Những kết quả đạt được của thủ đô trong thời gian qua là to lớn và quan trọng, tạo sự chuyển biến rõ rệt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của cả nước.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định những kết quả đạt được của thủ đô trong thời gian qua là to lớn và quan trọng, đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của cả nước - Ảnh: Xuân Thành
Sáng 1-11, dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định như vậy.
Bên cạnh những thành quả và tiến bộ, Tổng bí thư cho rằng Hà Nội cũng còn những hạn chế, tồn tại.
Đó là kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định, bền vững; chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh chưa cao; chuyển dịch cơ cấu còn chậm. Quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường một số mặt còn yếu. Phát triển văn hóa - xã hội chưa thực sự xứng tầm với vai trò, tiềm năng, vị thế của thủ đô. Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đạt kết quả mong muốn.
Về phương hướng, nhiệm vụ của Đảng bộ thành phố Hà Nội trong thời gian tới, Tổng bí thư nhấn mạnh 7 vấn đề:
Một là, phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, vai trò, vị thế của thủ đô, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, các quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chủ động phát huy nội lực, tiềm năng, thế mạnh, những thành tựu và kinh nghiệm từ tổng kết thực tiễn, Đảng bộ Hà Nội cần nêu cao hơn nữa tinh thần năng động, sáng tạo, tiếp tục đổi mới tư duy, phong cách lãnh đạo, điều hành, bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và những giải pháp khả thi để tập trung chỉ đạo thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ hơn trên các lĩnh vực công tác trọng tâm; xây dựng, phát triển Hà Nội xứng đáng với vai trò, vị thế thủ đô, là động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước.
Hai là, tiếp tục thực hiện tốt chủ trương cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện đồng bộ ba đột phá chiến lược. Hà Nội phải đi đầu trong việc nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của kinh tế, trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy mọi khả năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, gắn với phát triển và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ; xây dựng hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị. Chú trọng phát triển các dịch vụ chất lượng cao; các ngành, sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng lớn, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, gắn với các vùng chuyên canh và xây dựng nông thôn mới; giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Ba là, thủ đô Hà Nội đang trong quá trình phát triển, tốc độ đô thị hóa rất nhanh, tạo ra nhiều áp lực về hạ tầng kinh tế - xã hội và gia tăng dân số. Vì vậy, cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; phát triển đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng; làm tốt hơn nữa công tác quản lý đô thị, đặc biệt là quản lý trật tự xây dựng, an toàn giao thông, kỷ cương và văn minh đô thị; hạ tầng thông tin - truyền thông. Tập trung giải quyết kịp thời những vấn đề dân sinh bức xúc, trước hết là nhà ở đô thị, cấp thoát nước, xử lý nước thải, rác thải, quản lý dân cư. Tăng cường quản lý khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bốn là, tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não, các hoạt động của Đảng và Nhà nước, các hoạt động đối ngoại quốc gia, các sự kiện chính trị lớn diễn ra trên địa bàn thành phố. Xây dựng thế trận lòng dân, kiên quyết đấu tranh làm thất bại các hoạt động chống phá của các thế lực xấu, thù địch, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Chủ động có các phương án phòng ngừa và kịp thời xử lý có hiệu quả các vấn đề phức tạp nảy sinh, không để bị động, bất ngờ.
Năm là, Hà Nội ngàn năm văn hiến là bộ mặt, là niềm tự hào của quốc gia. Người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa của dân tộc. Đó là lối sống nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, trong sáng, tôn trọng pháp luật. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập quốc tế, chúng ta càng phải đặc biệt chú trọng vấn đề này. Đây là bản chất của chế độ ta, bản sắc của người Hà Nội. Bên cạnh việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cả vật thể và phi vật thể, sáng tạo các giá trị văn hóa mới, Hà Nội phải có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch.
Sáu là, đặc biệt chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ then chốt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị các cấp của thành phố trong sạch, vững mạnh; tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, trọng tâm là thực hiện nghiêm túc 3 nhóm nội dung và 4 nhóm giải pháp, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; kiên quyết phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện tiêu cực khác trong cán bộ, đảng viên; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, trước hết là người đứng đầu cấp ủy cơ quan, đơn vị thực sự gương mẫu, trong sạch, vững mạnh; tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu… củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ và đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức đảng; phát huy vai trò, hiệu lực, hiệu quả và chất lượng hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Đổi mới phương pháp công tác, lề lối làm việc, thực hiện phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, kỷ cương, gần dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến và giải quyết kịp thời kiến nghị của nhân dân; bám sát thực tiễn cơ sở, nói đi đôi với làm.
Bảy là, thủ đô Hà Nội là nơi hội tụ, đứng chân của nhiều cơ quan trung ương, nhiều cơ quan đại diện nước ngoài; xây dựng và phát triển thủ đô là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội; đồng thời cũng là trách nhiệm của trung ương và cả nước. Vì vậy, tôi đề nghị thành phố cần chủ động hơn nữa trong việc tranh thủ sự giúp đỡ của các ban, bộ, ngành trung ương; đồng thời các ban, bộ, ngành trung ương cũng cần phát huy hơn nữa trách nhiệm của mình, quan tâm phối hợp chặt chẽ với thành phố, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, các nguồn lực đầu tư, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng và phát triển thủ đô. Cán bộ, công chức, viên chức, những người lao động, học sinh, sinh viên... các cơ quan trung ương sống và làm việc trên địa bàn thủ đô cũng phải gương mẫu chấp hành nghiêm túc luật pháp, các quy định của thành phố, tham gia vận động quần chúng, hưởng ứng các phong trào thi đua, đóng góp thiết thực cho thành phố.(Tuổi Trẻ Online)
Giá gas tăng 17.000 đồng/bình 12kg
Chiều 1-11, một số công ty gas tại TP.HCM thông báo giá gas bán trong tháng này sẽ tăng 17.000 đồng/bình so với tháng trước.
Theo đó, giá các loại gas phổ biến tại khu vực TP.HCM dao động ở mức 292.000 đến 300.000 đồng/bình 12kg. Riêng hãng Pacific Petro, EFF gas tăng 16.000 đồng/bình với mức bán không vượt quá 299.000 đồng/bình.
Lý giải nguyên nhân tăng giá, các công ty cho biết giá gas trong nước tăng theo mức tăng giá gas nhập khẩu trong tháng 11. Mức tăng này tương đương 52,5 USD/tấn (chốt ở mức 415 USD/tấn) so với tháng trước đó. T
Theo các chuyên gia trong ngành, giá gas nhiều khả năng tiếp tục tăng trong những tháng tới do nhu cầu sử dụng trên thế giới tăng mạnh trong mùa đông.
Bắt xe khách chở rượu ngoại và thuốc lá lậu
Sáng 31-10, trong lúc tuần tra Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam đã phát hiện một xe khách chở nhiều rượu ngoại, thuốc lá và hàng điện tử không rõ nguồn gốc.
Khoảng 6 giờ 30 cùng ngày, trong lúc tuần tra kiểm soát trên quốc lộ 1A đoạn qua phường Tân Thạnh (TP Tam Kỳ), Đội Quản lý thị trường số 4 do ông Đoàn Ngọc Sơn (Phó Chi cục trưởng) đã phát hiện xe khách 51B-116.31 có dấu hiệu khả nghi nên đã yêu cầu xe khách này dựng lại kiểm tra.
Khi kiểm tra xe, tổ công tác đã phát hiện trong hầm xe khách này có chứa khoảng 470 kg mỹ phẩm, 130 thiết bị điện tử, 430 kg hàng dệt may, 10 màn hình ti vi, 10 chai rượu ngoại, thuốc lá ngoại 370 gói và 130 cái đĩa hình. Tài xế Nguyễn Hoàng Vũ (41 tuổi, huyện Diên Khách, Khánh Hòa) điều khiển xe khách 51B-116.31 không xuất trình được các loại giấy tờ, không chứng minh được nguồn gốc số hàng trên.
Đội Quản lý thị trường số 4 tỉnh Quảng Nam đã tiến hành lập biên bản để tạm giữ số hàng hóa trên tiếp tục xử lý theo pháp luật.