Việt Nam tích cực đối thoại song phương tăng an ninh khu vực
Hải quan TP.HCM: Thu hồi nợ thuế trên 316 tỷ đồng
Đánh giá lại việc thu, nộp thuế XNK qua ngân hàng thương mại
Có phát sinh thuế trong 10 ngày phải đăng ký thuế
Khung giá tính thuế tài nguyên mới sẽ tạo sự cạnh tranh cho doanh nghiệp
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 04-06-2016
- Cập nhật : 04/06/2016
Tổ hợp chính sách kinh tế của Việt Nam hướng tới chất lượng
Để thực hiện điều đó, vai trò hỗ trợ về vốn và tư vấn của các đối tác phát triển như WB là hết sức quan trọng.
Chiều 2/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có buổi tiếp và làm việc với bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trong giai đoạn mới, Việt Nam đặc biệt ưu tiên triển khai tổ hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ cũng như các chính sách quản lý giá, hàng hóa… để bảo đảm tăng trưởng bền vững hơn.
Chính phủ Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm triển khai tái cơ cấu, trong đó nhấn mạnh đến việc khai thác yếu tố năng suất, chuyển đổi mô hình tăng trưởng chú trọng vào chất lượng.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phân tích, cùng với việc tình hình kinh tế giới nhiều bất ổn, các dư địa chính sách của Việt Nam cũng không còn nhiều, “chật hẹp” hơn so với giai đoạn trước. Đặc biệt, với nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng, các hiệp định thương mại tự do khiến nhiều loại thuế suất xuống mức 0% đòi hỏi sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam càng phải được cải thiện.
Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang có kế hoạch sửa đổi bổ sung Luật Quản lý nợ công, bảo đảm sự bền vững nợ công theo 2 hướng là: Cơ cấu lại nợ và nâng cao hiệu quả quản lý nợ, không để nợ của doanh nghiệp ảnh hưởng đến nợ của Chính phủ. Các quy định sẽ được siết lại, nâng cao trách nhiệm từng bộ, ngành, địa phương.
Dù chất lượng tăng trưởng tín dụng ngày một tốt lên, nhưng Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc xử lý nợ xấu một cách thực chất hơn, đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, xử lý hiệu quả các đơn vị yếu kém.
Ngoài ra, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của Việt Nam đã đạt hơn 90% nhưng tổng vốn cổ phần hóa chưa cao.
“Do đó, thời gian tới, việc thực hiện cổ phần hóa một cách thực chất, gắn liền với nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp cũng là mục tiêu quan trọng của Chính phủ. Các doanh nghiệp chậm cổ phần hóa sẽ phải chịu đầy đủ các chế tài đã đặt ra”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Để tăng tốc cổ phần hóa, Việt Nam sẽ thúc đẩy sự phát triển thị trường chứng khoán với mục tiêu vốn hóa thị trường tăng gấp đôi, kết hợp với thị trường trái phiếu. Việc này cũng sẽ cân bằng hơn giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ (tránh quá phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng).
Về chính sách thuế, Phó Thủ tướng cũng bày tỏ quan điểm Việt Nam không nâng tỉ suất tính thuế nhưng sẽ mở rộng cơ sở tính thuế. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc quản lý chặt chẽ nguồn thu, quản lý chặt chẽ giá tính thuế, thu đủ thuế, chống thất thu thuế gắn liền với bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị WB và các đối tác phát triển nghiên cứu các cơ chế để hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nhiều hơn đối với các nguồn vốn giá rẻ để đầu tư phát triển, ứng phó với biến đổi khí hậu và hỗ trợ giảm nghèo bền vững.
“Để xử lý những điểm nghẽn của nền kinh tế, ngoài vai trò nội lực, Việt Nam rất coi trọng những tư vấn của các đối tác phát triển, trong đó có WB”, Phó Thủ tướng nói.
Bà Victoria Kwakwa đánh giá cao các thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam với mức tăng trưởng cao, lạm phát được kiểm soát tốt.
“Việt Nam có sự dịch chuyển lớn về tư duy, ngày càng coi trọng ổn định kinh tế vĩ mô hướng tới sự phát triển dài hạn”, bà Kwakwa nói.
Đại diện WB cũng đưa ra một số khuyến nghị về sự phối hợp đồng bộ giữa các chính sách cũng như từng lĩnh vực cụ thể; việc xử lý nợ xấu, kiểm soát tăng trưởng nóng về tín dụng, quản lý chặt chẽ nợ công, quản lý thu chi ngân sách, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước…(CP)
Mong chờ phán quyết công bằng, khách quan
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 2-6, trả lời câu hỏi về trường hợp Trung Quốc không tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc về vụ kiện của Philippines tại Biển Đông, ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, cho biết:
“Là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp tại Biển Đông, lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982.
Chúng tôi mong muốn tòa trọng tài đưa ra phán quyết công bằng và khách quan, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, và yêu cầu các bên liên quan tôn trọng nghĩa vụ pháp lý quốc tế được quy định trong công ước này”.
Liên quan tới tuyên bố chung về tình hình tranh chấp tại Biển Đông vừa được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh cấp cao G7 diễn ra ở Nhật Bản, ông Lê Hải Bình cho biết Việt Nam hoan nghênh tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh các nước trong khu vực G7 về các cam kết liên quan đến đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên biển và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982. Việt Nam đề nghị các bên tiếp tục có những đóng góp thiết thực vào duy trì hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật trên các vùng biển này.(TT)
Đến năm 2020 phải phát triển lên 1 triệu doanh nghiệp
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu với 100 doanh nhân trẻ đoạt giải doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2016 tại văn phòng Chính phủ sáng 3-6.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khẳng định Chính phủ sẽ tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, công bằng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Không phân biệt doanh nghiệp to hay nhỏ, doanh nghiệp tư nhân hay nhà nước.
Trong khuôn khổ chương trình Diễn đàn kinh tế tư nhân, tôn vinh và trao giải thưởng doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2016 (do trung ương đoàn và Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức ngày 3 và 4-6), sáng 3-6, ông Vương Đình Huệ đã dành 90 phút để gặp gỡ, lắng nghe những ý kiến của các doanh nhân trẻ.
Ông Huệ cho biết Chính phủ và cá nhân ông rất quan tâm đến việc làm sao hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển. Cụ thể, mới đây Chính phủ đã có nghị quyết về việc này và theo đó đến năm 2020, phải phát triển lên 1 triệu doanh nghiệp, nhưng đến lúc này, mới chỉ có trên 500.000 doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh.
“Doanh nhân trẻ là động lực quan trọng để phát triển đất nước. Chúng tôi coi diễn đàn kinh tế tư nhân và việc bình chọn 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc của trung ương Đoàn, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam là hoạt động rất có ý nghĩa” - ông Huệ nói. (TT)
Có nên giấu thông tin hàng gian - hàng giả?
Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường, mỗi năm VN có hơn 25.000 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp (DN) nào có hàng hóa vi phạm cũng đồng ý công bố thông tin và chọn cho mình một giải pháp chống giả để “tuyên chiến” trực diện với vấn nạn này.
Ông Nguyễn Thành Danh, phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Bình Dương, thừa nhận công tác chống hàng gian - hàng giả trong thực tế vẫn chủ yếu chỉ nhắm vào các sản phẩm, hàng hóa đang lưu thông trên thị trường, mà chưa có kế hoạch cụ thể để ngăn chặn ngay từ đầu.
Và khi phát hiện có hàng giả - hàng nhái, một số DN còn tìm cách giấu thông tin vì sợ ảnh hưởng đến doanh số.
Ngoài chuyện quản lý hàng nhập khẩu chưa được chặt chẽ trong khi nhiều văn bản, quy định pháp luật điều tra, xử lý hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ còn chồng chéo, ông Danh cho rằng việc nhiều DN vẫn còn sợ công bố thông tin về sản phẩm bị làm giả, chưa có giải pháp và chiến lược bảo vệ thương hiệu lâu dài cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến công tác chống hàng giả ở VN vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Theo ông Nguyễn Viết Hồng - tổng giám đốc Vina CHG, đơn vị cung cấp giải pháp chống giả toàn diện mang tính pháp lý ở VN, việc nhiều DN không muốn công khai thông tin về sản phẩm bị làm giả xuất phát từ tâm lý e ngại người tiêu dùng sợ mua nhầm hàng giả.
Tuy nhiên, việc “ém nhẹm” thông tin này trên thực tế gây ra hại nhiều hơn lợi. “Việc nhập nhằng giữa sản phẩm giả, kém chất lượng và sản phẩm chính hãng là rất nguy hiểm đối với thương hiệu của DN.
Khi mua sắm, người tiêu dùng cần và có quyền biết sản phẩm mình mua có chất lượng đúng như công bố hay không. Mua phải hàng giả mà nhầm tưởng là hàng chính hãng sẽ khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào thương hiệu” - ông Hồng nói.
Cũng theo ông Hồng, DN cần công bố cụ thể, chi tiết, công khai và rộng rãi những thông tin về sản phẩm đang bị làm giả đến người tiêu dùng trên các phương tiện truyền thông.
Việc này không chỉ giúp bảo vệ uy tín thương hiệu DN mà còn thể hiện trách nhiệm đối với người tiêu dùng và xã hội của DN.
Đặc biệt, ông Hồng cho rằng DN phải ứng dụng khoa học công nghệ chống giả để giúp người tiêu dùng phân biệt rõ, nhanh chóng giữa hàng chính hãng và hàng giả.
Một trong những giải pháp hữu hiệu, đơn giản và tiết kiệm nhất hiện nay là dán tem chống hàng giả áp dụng công nghệ cao lên sản phẩm.
Hiện có khá nhiều DN ở VN, cả các DN nước ngoài đầu tư ở VN cũng đang áp dụng cách này và đạt được hiệu quả khả quan.
Tuy nhiên theo ông Hồng, DN cần lưu ý là chỉ in tem ở những nơi được cấp phép và có đầy đủ giấy tờ pháp lý để đảm bảo được quyền lợi của DN khi có sự cố liên quan.(TT)
Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ dành trọn một ngày họp để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và năm tháng đầu năm nay.
“Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đây là nền tảng quan trọng để tăng trưởng” - ông Dũng nhấn mạnh.
Theo ông Dũng, Chính phủ đánh giá dù còn có nhiều khó khăn nhưng đạt được kết quả rất khả quan. Lạm phát bình quân năm tháng tăng 1,59%, chỉ số công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 67,7 tỉ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ 2015.
Đặc biệt, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm tháng giải ngân được 5,8 tỉ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ 2015. Riêng vốn đăng ký 10,16 tỉ USD, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước...
Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh phải đảm bảo tập trung ổn định kinh tế vĩ mô để đảm bảo tăng trưởng vì chỉ có tăng trưởng mới đảm bảo cân đối việc làm, tăng thu ngân sách và giải quyết được những vấn đề liên quan đến an sinh xã hội.
Với mục tiêu đó, Thủ tướng chỉ đạo không tăng giá điện, phí BOT, giá sữa giữ ổn định từ nay đến hết năm 2016. Còn việc tăng học phí, viện phí cần phải theo lộ trình, không tăng đồng loạt.
Ông Dũng nói thêm giá dầu hiện nay đang ở ngưỡng 49 USD. Còn mức trần lạm phát mà Quốc hội cho phép cả năm nay là mức 5%. Do đó, toàn bộ điều chỉnh liên quan đến viện phí, giáo dục phải căn cứ vào diễn biến của giá dầu.
Liên quan đến vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, theo ông Dũng, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là chỉ giữ những doanh nghiệp mà Nhà nước cần nắm giữ liên quan lĩnh vực quốc phòng an ninh, các doanh nghiệp lớn có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước.
Còn các doanh nghiệp khác thì không cần nắm giữ mà cần đẩy mạnh bán phần vốn nhà nước. Tinh thần chỉ đạo quyết liệt, coi đây là nguồn lực để đầu tư cho phát triển. Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xây dựng kịch bản để giảm lãi suất.
Về đề xuất thành lập sở giao dịch vàng quốc gia của Hiệp hội Vàng Việt Nam, ông Mai Tiến Dũng nói tất cả ý kiến đề xuất thành lập hay phản đối thành lập sàn vàng đều là những ý kiến để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phân tích, cân nhắc trước khi đưa ra các biện pháp quản lý thị trường vàng theo đúng chủ trương của Chính phủ.