Việc doanh nghiệp niêm yết giá xe máy một đường, bán ra một nẻo khiến cơ quan thuế thất thu cả hai đầu.
Tăng giá dịch vụ y tế 30%: Các bệnh viện nói gì?
- Cập nhật : 01/03/2016
(Tin kinh te)
Từ hôm nay (1.3), 1.887 dịch vụ kỹ thuật y tế (gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù) sẽ tăng giá thêm 30%. PV Lao Động đã ghi nhận ý kiến của các bệnh viện (BV) trong ngày đầu tiên điều chỉnh giá dịch vụ y tế (DVYT).
Th.s BS Nguyễn Thị Bích Hường- PGĐ BV Hữu nghị Việt Đức: "Chỉ có nâng cao chất lượng, các BV mới có bệnh nhân".
Thưa bà, BV gặp khó khăn gì trong việc áp dụng hơn 1800 giá dịch vụ y tế mới?
Đến hôm nay, khó khăn phức tạp nhất khi áp dụng giá DVYT mới thì các BV đồng loạt làm sao cho triển khai mấy việc luôn: toàn bộ các BN không có BHYT thì vẫn áp dụng giá cũ, các BN có thẻ BHYT nội trú vào viện trước 1/3 thì áp giá cũ, từ 1/3 thì tính giá mới. Các BV phải làm sao tính chính xác cho người bệnh. BV phải xử lý một khối lượng lớn công việc làm bộ bảng mã, hướng dẫn quy trình làm sao cho chính xác.
Hôm nay là ngày đầu tiên áp dụng giá mới nên chưa phát sinh nhiều.
Đối tượng nào được lợi nhiều nhất khi giá DVYT tăng?
Người bệnh BHYT được hưởng nhiều hơn là tác động xấu. Sau điều chỉnh viện phí, người bệnh có nhiều khoản mà cơ cấu giá không đủ thì họ phải thanh toán, bây giờ đủ rồi thì bệnh nhân không phải trả nữa.
Giá dịch vụ tăng sẽ làm thay đổi toàn bộ định hướng của các BV. Chí có nâng cao chất lượng mới có bệnh nhân. Đó là động lực bắt buộc, tất cả các BV phải phấn đấu. Việt Đức, chất lượng KCB chuyên môn đã cao rồi nhưng chúng tôi vẫn phải phấn đấu nữa.
Về mặt ngân sách, khi có ngân sách rồi, thu đủ chi phí mình bỏ ra, có cơ sở quay lại để đầu tư thêm máy móc, cơ sở hạ tầng. Bắt buộc nâng cao chất lượng dịch vụ, về con người cũng cần nâng cao chuyên môn. Thay đổi phong cách phục vụ. Như vậy là tăng giá DV YT sẽ tác động lên tất cả các mặt, tất cả đều phải điều chỉnh để mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng y tế.
Nhân viên y tế cũng phải tham gia vào công cuộc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, rồi phong cách phục vụ bệnh nhân phải tốt lên thì bệnh nhân mới tìm đến, mới có nguồn thu để mà trả lương cho nhân viên y tế. Cũng từ đó, nhân viên y tế sẽ chuyên tâm làm công tác chuyên môn, tập trung vào công tác của BV mà không còn tơ vương làm việc bên ngoài nữa.
Chủ trương của BV để tăng chất lượng DVYT là gì, thưa bà?
Sắp tới, BV sẽ xây dựng lại hệ thống phòng khám để tương xứng với một BV đa khoa hạng đặc biệt.
TS. BS Dương Đức Hùng- Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp- Bệnh viện Bạch Mai: "Tăng giá hay không thì tăng chất lượng KCB vẫn là mục tiêu của BV".
Thưa ông, BV đã chuẩn bị như thế nào cho việc áp giá DVYT mới vào KCB?
Chúng tôi chuẩn bị cách đây hàng năm rồi. Chuẩn bị hết về quy mô và chặt chẽ để phục vụ người bệnh. Trên 70% số bệnh nhân vào điều trị tại BV là có BHYT nên sẽ không có xáo trộn gì hết. Vì đợt tăng giá lần này chỉ áp dụng đối với người bệnh có thẻ BHYT thôi. Hiện nay, BV Bạch mai có khoảng 1,2 triệu người đến khám 1 năm, 60 ngàn người điều trị nội trú, một ngày có khoảng 4 ngàn người đến khám.
Tăng giá DVYT, bệnh nhân được lợi gì?
Người bệnh lợi gì: thứ nhất là các bệnh viện sẽ phải thay đổi, phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thì người ta mới đến. Như vậy tạo ra sức ép lành mạnh cho các cơ sở KCB phải thay đổi. Cái thứ hai là khi BV có thêm được 1 nguồn kinh phí thì BV quay lại đầu tư vào cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị để nâng cao chất lượng KCB. Như thế là bệnh nhân sẽ được hưởng.
Thông qua cái này, những người nghèo, cận nghèo, người có công được hưởng rất nhiều. Cái lợi nhất của anh là được điều trị cho bệnh nhân với kĩ thuật cao, được hưởng những kĩ thuật ngang tầm khu vực. Chủ yếu là có lợi cho bệnh nhân vì được hưởng chất lượng dịch vụ cao hơn. Bác sĩ được chữa bệnh cho người bệnh trong điều kiện tốt hơn thì cũng là cái lợi của chúng tôi.
Giá DVYT tăng thì chất lượng khám chữa bệnh có tăng không, thưa ông?
Tăng giá hay không thì việc tăng chất lượng KCB vẫn là mục tiêu của bệnh viện. Dù tăng giá hay không thì bệnh viện vẫn phải phấn đấu sạch hơn, tinh thần thái độ phục vụ tốt hơn… thì người bệnh người ta mới tìm đến mình. Nhưng nếu có điều kiện hơn thì chúng ta sẽ tiến tới đích nhanh hơn.
Th.S BS Trịnh Văn Mạnh- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh: "tăng giá DVYT không ảnh hưởng đến an sinh xã hội"
Thưa ông, khi giá dịch vụ y tế tăng, BV đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã có biện pháp gì để tăng chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh?
Ngay sau quyết định 1313 của Bộ Y tế thì BV đã thực hiện việc tăng chất lượng dịch vụ từ 2015. Các BV tuyến tỉnh phải bổ sung phòng khám, bổ sung nhân lực, bác sĩ phục vụ khám chữa bệnh (KCB), để kéo dài thời gian hơn, để thầy thuốc tương tác với bệnh nhân nhiều hơn, có đủ thời gian khai thác bệnh sử cũng như tư vấn sâu trong việc tìm kiếm đơn thuốc cho bệnh nhân. Bác sĩ khám không quá 40 bệnh nhân trong 1 ngày. BV Đa khoa Quảng Ninh một ngày có khoảng 800- 1000 người đến khám. Trước đây có 18 bàn khám, giờ tăng lên 30.
Chúng tôi có các chính sách thu hút bác sĩ giỏi. Chính sách này ở Quảng Ninh đã thực hiện từ 2013, có chủ trương đột phá từ HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh, ngành y tế đã triển khai, năm nào cũng có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để tăng cường chất lượng KCB cũng như tăng uy tín của các cơ sở KCB. Hàng năm các đơn vị điều trị lớn ở tỉnh đều tiếp nhận các bác sĩ, thạc sĩ có tay nghề giỏi trong các lĩnh vực. Có nhiều chính sách như hỗ trợ tài chính ban đầu. Mỗi thạc sĩ đến hỗ trợ ngay 100-200 triệu. Tiến sĩ có chuyên ngành sâu thì hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ lương bổng hàng tháng. Có 1 số địa phương như Đông Triều, 1 số bệnh viện tuyến huyện hỗ trợ thêm chuyện cấp đất và giúp cho y bác sĩ đến làm việc ổn định lâu dài.
Thời gian trung bình bệnh nhân phải chờ khám của BV là bao nhiêu lâu, thưa ông?
Tuỳ thuộc người bệnh sử dụng dịch vụ, nếu bệnh nhân thông thường có thể khám mà chẩn đoán được bệnh ngay, bệnh mãn tính thì thời gian chờ từ lúc bệnh nhân đến không quá 30 phút. Còn nếu bệnh nhân phải dùng từ 1 xét nghiệm thì phải từ 55 phút- 1 tiếng, 2 loại xét nghiệm là 1 tiếng 30 phút, 3 loại xét nghiệm trở lên là trong 3 tiếng. Hiện nay, tại BV, việc góp ý đến đường dây nóng hầu hết là không còn nữa. Trước đây thì rất nhiều, 1 ngày có thể 8- 10 ý kiến phản hồi, từ ngày đưa nghị định 1313 vào thì đường dây nóng của BV 1 tuần chỉ 1,2 ý kiến, đa số góp ý về vệ sinh hoặc bổ sung thêm ghế ngồi chứ còn góp ý về chất lượng dịch vụ thì rất là ít.
Hiện nay che phủ BHYT là 82%. Đối tượng ảnh hưởng khi tăng giá DVYT không nhiều. Tỉ lệ 18% còn lại chưa ảnh hưởng gì. Vì thế, theo tôi, việc tăng giá DVYT không ảnh hưởng lắm về an sinh xã hội.
Từ 18 lên 30 bàn khám, chi phí tăng lên nhiều, vậy BV làm thế nào để cân đối?
Về hoạt động KCB, thực ra đây là khâu sắp xếp nhân lực trong bệnh viện. Trước đây, đôi khi quá trình nhận thức của chúng ta chưa đánh giá đúng vị thế của các khoa khám, đặc biệt là khâu khám bệnh ban đầu. Nhưng khi quyết định 1313 của Bộ ra đời, nhất là thay đổi quy trình KCB và hướng tới sự hài lòng của người bệnh thì khâu tiếp đón và khâu khám bệnh được đánh giá là khâu quan trọng.
Vì vậy chi phí là bệnh viện tự luân chuyển cho các khoa phòng để bổ sung cho các phòng khám có tính chất linh hoạt. Các bác sĩ ở các khoa trước đây chỉ bố trí 1 bác sĩ ở phòng khám còn đâu làm việc trong khoa. Nay các bác sĩ phải bố trí từ 2-3 bàn khám nếu bệnh nhân đông. Khi giải quyết hết lượng bệnh nhân bên ngoài thì các bác sĩ lại luân chuyển về khoa để tiếp tục làm việc. Linh hoạt, năng động trong việc thay đổi cơ chế trong viện chứ chưa đến mức phải hợp đồng thêm hoặc bố trí thêm nhân lực khác. Phải sắp xếp lại để tạo cho bệnh nhân thuận tiện nhất.
Theo Giang Thùy Linh
Lao Động