“Việt Nam sẽ là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn nhất khi tham gia vào cộng đồng kinh tế chung ASEAN." – Đó là nhận định của Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Giám đốc trường Đào tạo Cán bộ BIDV phát biểu trong Hội thảo “Bạn màu gì trong bức tranh Hội nhập”,...
Tăng giá 1.800 dịch vụ y tế: Hơi sớm?
- Cập nhật : 03/11/2015
(Xa hoi)
Dư luận lo lắng vấn đề an sinh xã hội, sự minh bạch trong thu chi và tình trạng lạm thu tại bệnh viện.
Theo Thông tư liên tịch dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/11 tới, 1.800 giá dịch vụ y tế sẽ tăng theo lộ trình. Theo đó, giá dịch vụ y tế sẽ tăng nhẹ khi được tính thêm tiền phụ cấp trực 24/24h và phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật.
Từ 1/3/2016 mức giá sẽ gồm cả tiền lương nên nhiều dịch vụ sẽ tăng từ 2 đến 7 lần. Vẫn biết rằng tăng giá dịch vụ y tế để góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong bối cảnh ngân sách cấp cho bệnh viện ngày một ít đi, nhưng dư luận vẫn lo vấn đề an sinh xã hội, sự minh bạch trong thu chi và tình trạng lạm thu tại bệnh viện. Chúng tôi phỏng vấn Tiến sỹ, Bác sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng về vấn đề này.
- Thưa ông, hiện nay, giá dịch vụ y tế bao gồm 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp, còn lại NSNN bù và bệnh viện lấy thu bù chi. Lần này giá dịch vụ y tế tăng theo lộ trình để đến năm 2020 sẽ tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành giá. Vậy, ý kiến của ông về đợt tăng giá dịch vụ y tế lần này như thế nào?
TS Trần Tuấn: Việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế đã được đặt ra nhiều năm nay. Khi tăng giá thì câu hỏi đặt ra là đối tượng nào sẽ chịu ảnh hưởng. Ở đây, chúng ta thấy giá dịch vụ y tế có 2 loại hình cung cấp một là do bảo hiểm chi trả và thứ 2 là từ tiền túi của người dân.
Ngay cả đối với loại hình dịch vụ do bảo hiểm y tế chi trả thì những người có bảo hiểm y tế vẫn phải chi trả một tỷ lệ đáng kể tiền túi bỏ ra, bởi vì bảo hiểm chi trả chỉ giới hạn trong một phạm vi nhất định. Đấy là chưa kể còn có một loại hình nữa, đó là hình thức đồng chi trả mà người sử dụng dịch vụ y tế phải thanh toán.
Nói như thế có nghĩa là tất cả các đối tượng sử dụng dịch vụ y tế đều chịu sự tác động của việc tăng giá, còn mức độ các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng đến đâu thì tùy thuộc vào mức độ sử dụng nhiều đến đâu. Tất nhiên sử dụng dịch vụ y tế nhiều nhất vẫn là trẻ em, phụ nữ, người già và một số những đối tượng mắc bệnh mãn tính.
- Lần này giá dịch vụ y tế tăng sẽ tính cả tiền lương, tức là người bệnh trả lương cho thầy thuốc. Ông thấy việc này có bất cập gì, nhất là khi mà ngày càng nhiều người bị nghèo hóa sau khi điều trị bệnh nặng, kể cả khi họ có thẻ BHYT ?
TS Trần Tuấn: Khi tính cả thành phần lương vào giá dịch vụ y tế và tới đây, thay vì cấp ngân sách nhà nước cho các cơ sở y tế công thì sẽ cấp theo số lượt khám chữa bệnh BHYT. Như vậy, có sở y tế công sẽ hoạt động hoàn toàn theo thị trường. Từ đó, có 2 điều lo ngại.
Phải nhớ rằng dịch vụ y tế là loại hình đặc biệt và trong đó thị trường quan hệ giữa người cung cấp dịch vụ với người sử dụng dịch vụ lại là một quan hệ không rõ ràng, bởi người sử dụng dịch vụ y tế lại không đánh giá được chất lượng dịch vụ mình được nhận có xứng với đồng tiền mình bỏ ra hay không mà hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của bác sĩ.
Trong khi đó, để theo thị trường thì người cung cấp dịch vụ luôn luôn có xu hướng thu lợi nhuận ngày càng nhiều, cho nên sẽ có một xu hướng lạm dụng một cách rất rõ ràng. Khi nói đến thị trường chúng ta phải có một cơ chế để quản lý, kiểm soát mặt trái của thị trường; hay nói khác phải có một hệ thống giám sát, đánh giá độc lập hỗ trợ cho bên yếu thế tức là sử dụng đồng thời cho việc thực thi luật pháp cho vấn đề này phải khỏe, phải mạnh; nhưng hiện nay cả 2 vấn đề này ở nước ta đều yếu.
- Vậy theo ông, việc tăng giá dịch vụ y tế cần được thực hiện như thế nào?
TS Trần Tuấn: Tôi nghĩ việc tăng giá để tiếp cận đến giá thực của thị trường thì đó vẫn là những việc phải làm nhưng điều quan trọng là phải có hệ thống kiểm soát những mặt trái của kinh tế thị trường. Để kiểm soát được thì điều đầu tiên là phải tách bạch rất rõ ràng các hình thức cung cấp dịch vụ y tế trong nền kinh tế thị trường và toàn cầu hóa hiện nay.
Nói khác đi phải làm rõ lại chức năng, nhiệm vụ của y tế công, y tế tư và y tế vì lợi nhuận. Tất cả phải nằm trong một hệ thống luật pháp và một hệ thống giám sát, đánh giá chất lượng một cách khách quan. Khi làm được điều đó hãy bàn đến vấn đề tăng giá dịch vụ y tế.
Giá phải luôn đi kèm với chất lượng. Khi nào chất lượng dịch vụ chưa được xác định một cách đầy đủ, rõ ràng, minh bạch; các đầu vào cho giá còn chưa được xác định đầy đủ mà đã tăng giá dịch vụ y tế thì sẽ dẫn đến nguy cơ sớm phải điều chỉnh.
Một việc nữa mà liên ngành y tế, tài chính, bảo hiểm xã hội phải làm là xác định đâu là gói dịch vụ y tế cơ bản mà bảo hiểm y tế phải cung cấp. Từ đó xác định chất lượng của gói dịch vụ y tế cơ bản cần đạt được là bao nhiêu. Trên cơ sở đó mới tính đúng, tính đủ được giá cho các gói dịch vụ y tế cơ bản. Hiện nay, tôi thấy Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đang bắt tay vào xây dựng gói dịch vụ cơ bản còn chưa xong mà chúng ta đã vội điều chỉnh giá thì tôi thấy rằng việc tăng giá dịch vụ y tế là một việc làm có thể hơi sớm chăng?
- Vâng, xin cảm ơn ông!.