Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân thay ông Đinh La Thăng làm Bí thư Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2015-2020.
Minh bạch phòng chống tham nhũng: Doanh nghiệp Nhà nước chỉ đạt 1,9%
- Cập nhật : 26/04/2017
Kết quả công bố thông tin về chương trình phòng, chống tham nhũng đối với nhóm doanh nghiệp FDI dẫn đầu với 24,2%; nhóm các doanh nghiệp niêm yết đạt 5,1% và nhóm các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chỉ đạt trung bình 1,9%.
Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Hướng tới minh bạch quốc tế tại Việt Nam đối với 30 doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam (TRAC Việt Nam 2017), việc thực hiện công bố thông tin chương trình phòng, chống tham nhũng nội bộ của 30 doanh nghiệp này còn thấp.
Theo bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc điều hành Tổ chức Hướng tới minh bạch tại Việt Nam, chương trình phòng, chống tham nhũng nội bộ là một trong những biện pháp bảo vệ tốt nhất cho các doanh nghiệp khi đối mặt với nguy cơ tham nhũng cũng như rủi ro về mặt pháp lý và ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng của doanh nghiệp.
Theo kết quả khảo sát, điểm trung bình của 30 doanh nghiệp được đánh giá chỉ đạt 10%, trong đó các DNNN chỉ đạt điểm trung bình 1,9%. Cụ thể, 7 trong số 30 doanh nghiệp công khai các cam kết tuân thủ quy định pháp luật liên quan, trong đó có Luật Phòng, chống tham nhũng. Chỉ 4 trên tổng số 30 doanh nghiệp công khai cam kết của lãnh đạo ủng hộ phòng, chống tham nhũng.
Ba nội dung đánh giá của TRAC Việt Nam 2017 gồm: Công bố thông tin về chương trình phòng, chống tham nhũng; Minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu doanh nghiệp; Cơ chế báo cáo theo quốc gia (với công ty đa quốc gia). Kết quả là 9/30 doanh nghiệp công bố công khai các chương trình chống tham nhũng; 18/30 doanh nghiệp công bố thông tin về cấu trúc và tỷ lệ sở hữu; 4/30 doanh nghiệp không có website; 14/30 doanh nghiệp cung cấp thông tin về các công ty con tại nước ngoài; 0/30 doanh nghiệp được đánh giá công bố thông tin về tất cả các yếu tố.
Kết quả công bố thông tin về chương trình phòng, chống tham nhũng đối với nhóm doanh nghiệp FDI dẫn đầu với 24,2%; nhóm các doanh nghiệp niêm yết đạt 5,1% và nhóm các DNNN chỉ đạt 1,9%.
Trong khi đó, kết quả khảo sát về mức độ minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu tại các công ty con và công ty liên kết của nhóm các doanh nghiệp niêm yết đạt 64%, nhóm các DNNN đạt 29%. Đáng chú ý, FPT và Vinamilk đạt mức độ minh bạch 100% trong việc công bố thông tin về cấu trúc và tỷ lệ sở hữu ở các công ty con, công ty liên kết.
TRAC Việt Nam 2017 lựa chọn 30 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam theo danh sách VNR500 năm 2015, bao gồm: 10 doanh nghiệp niêm yết; 10 doanh nghiệp nhà nước; 10 doanh nghiệp FDI.
Theo đó, 10 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất là: Công ty CP FPT, Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Hoa Sen, CTCP Hùng Vương, Ngân hàng TMCP Quân Đội, Thế giới Di động, Sacombank, Vinamilk, Vimedimex, và Vingroup.
10 doanh nghiệp nhà nước gồm: Mobifone, Tổng công ty Thương mại XNK Thanh Lễ, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. HCM, Agribank, Vinacomin, EVN, Petro Việt Nam, VNPT, Tổng công ty Lương thực Miền Nam, Viettel.
10 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gồm: CTCP Chăn nuôi CP Việt Nam, Canon Việt Nam, Cargill Việt Nam, Kureha Việt Nam, Microsoft Mobile Việt Nam, Posco Việt Nam, PouYeun Việt Nam, Saigon STEC, Samsung Electronics Việt Nam, và Unilever Việt Nam.
Hiền Anh
Theo Infonet.vn