Khi TPP được ký kết, các nước có nền nông nghiệp mạnh, nhất là trong chăn nuôi gia súc lớn như Mỹ, Úc có thể làm thay đổi cấu trúc thị trường chăn nuôi Việt Nam. Chăn nuôi nhỏ lẻ rất dễ bị các doanh nghiệp sản xuất bỏ rơi để quay sang nhập nguồn ngoại giá rẻ
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 11-08-2016
- Cập nhật : 11/08/2016
Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị Công nghiệp Dung Quất
Theo đó, Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư Dự án khu đô thị công nghiệp Dung Quất (trong đó, giai đoạn 1 phát triển khu công nghiệp) do Công ty Cổ phần Hoàng Thịnh Đạt (Hà Nội) làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô diện tích quy hoạch 319 ha, tại xã Bình Thạnh, Bình Chánh (huyện Bình Sơn) trong KKT Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi).
Dự án được chấp thuận chủ trương hoạt động 50 năm, triển khai theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1A, quy mô 166 ha (từ quý III/2016 đến quý II/2018); giai đoạn 1B, quy mô 153 ha, từ quý III/2018 đến quý III/2019. Tổng mức đầu tư dự án 2.025 tỉ đồng.
Dự án được ưu đãi thuế thu nhập theo quy định hiện hành; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu tại Nghị định 87/2010/NĐ-CP; miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo chủ đầu tư nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ KH-ĐT; Chỉ đạo các đơn vị đôn đốc các đơn vị liên quan phối hợp với Chủ đầu tư xác định và lựa chọn phương án thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư; giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất; cập nhật điều chỉnh quy hoạch sử đụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020).
Yêu cầu chủ đầu tư lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và trình duyệt theo quy định trước khi triển khai dự án; đồng thời có các biện pháp giám sát thực hiện các dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường.(BĐT)
Ớt được mùa được giá
Không những trúng giá mà các loại giống ớt vụ này đều trúng mùa, với năng suất gần 10 tấn/ha. Với mức giá này, sau một vụ trồng (khoảng 3 tháng) nhà nông có lãi hơn 250 triệu đồng/ha.
Gần đây, cây ớt phát triển mạnh ở những các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Tiền Giang, Bến Tre... Trái ớt được các doanh nghiệp thu mua, sơ chế để phục vụ xuất khẩu thị trường nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Campuchia… Hầu hết các hộ trồng ớt chuyên canh hiện nay đều có cuộc sống khá giả.
Ông Phan Văn Tám, Chủ tịch UBND xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết, xã Bình Ninh vẫn khuyến cáo nông dân duy trì cây ớt dưới chân ruộng. Ông cũng cho biết, năm 2016, dù thời tiết và xâm ngập mặn khiến việc trồng ớt không thuận lợi như các năm trước, nhưng nhờ có kế hoạch chủ động xuống giống đúng lịch thời vụ, cùng lúc giá ớt tăng cao, có lúc lên đến 48.000 đồng/kg nên đem lại thu nhập tốt cho người dân.(VOV)
Thủ tướng Chính phủ: 5 năm tới, Thái Bình phải nâng số doanh nghiệp lên gấp 3 lần
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo quyết liệt trong phòng chống cơn bão số 1 và khẩn trương khắc phục hậu quả bão. Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất của tỉnh về giãn nợ vay, miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề do bão và giao Văn phòng Chính phủ nghiên cứu giải pháp cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở hỗ trợ của Chính phủ về giống cây trồng, tỉnh cần phân bổ, hỗ trợ kịp thời cho nông dân, không để người dân nghèo đi vì bão số 1 và không để đất trống.
Thủ tướng biểu dương tỉnh đạt nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội cao trong nửa đầu năm, trong đó đáng chú ý là thu ngân sách đạt trên 85% kế hoạch, khối lượng giải ngân vốn đạt 76% kế hoạch, cao hơn nhiều mức bình quân cả nước. Quy mô của kinh tế Thái Bình thời gian vừa qua tăng nhanh. Đặc biệt chương trình xây dựng nông thôn mới của Thái Bình đạt kết quả cao, thiết thực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.
Làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Thái Bình tăng cường xúc tiến thương mại, thúc đẩy khởi nghiệp, nâng số doanh nghiệp của tỉnh lên gấp 3 lần hiện nay trong vòng 5 năm tới
“Các đồng chí cần phấn đấu đến cuối năm nay, 100% hộ dân có nước sạch tới tận nhà. Điều này đáng hoan nghênh”, Thủ tướng đánh giá.
Tuy vậy, Thủ tướng chỉ rõ tỉnh vẫn chưa có bước đột phá lớn trong phát triển, chưa có nhiều giải pháp để thúc đẩy sức sản xuất phát triển mạnh mẽ hơn nữa, nhất là việc đưa doanh nghiệp vào nông nghiệp. Thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài còn thấp. Hiện tình trạng độc canh cây lúa vẫn là phổ biến. “Nếu doanh nghiệp không tham gia thì khó phát triển”, Thủ tướng nói. Mặt khác, nguồn thu ngân sách của tỉnh cũng mới chỉ đảm bảo được 40% chi, vẫn cần hỗ trợ từ Trung ương.
Về định hướng thời gian tới, trước hết Thủ tướng yêu cầu: “Đến năm 2020, giá trị sản xuất trên 1 héc-ta đất nông nghiệp của Thái Bình phải đạt từ 400 đến 500 triệu đồng. Mục tiêu này phải chú ý phấn đấu quyết liệt mới thành công, phải phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp, HTX tại nông thôn. 5 năm tới, phải nâng gấp 3 lần số doanh nghiệp của tỉnh”. Muốn vậy, công tác xúc tiến thương mại, đồng hành cùng doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp cần được triển khai mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, tỉnh cần khai thác các tiềm năng thế mạnh khác như than, kinh tế biển... Và đặc biệt, Thái Bình là tỉnh giàu truyền thống cách mạng, người dân thông minh, năng động, cần cù, tiềm lực lớn của Thái Bình là con người, cần huy động nhân tài của tỉnh để đóng góp cho quê hương.
Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường. Tiếp tục quan tâm công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo. Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, trong đó có vấn đề giao thông đường thủy. Thái Bình đất chật người đông, dân trí cao, nhưng dân đô thị thấp hơn cả nước 11%, do đó, cần chú trọng quy hoạch, đẩy mạnh đô thị hóa.
Thủ tướng cũng yêu cầu bộ máy hành chính từ tỉnh đến xã phải tinh gọn, chất lượng, sát sao với nhân dân. Minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong công việc.
Thủ tướng chấp thuận về chủ trương một số đề xuất của tỉnh Thái Bình liên quan đến các dự án giao thông và giao các bộ, ngành phối hợp với tỉnh tìm giải pháp về nguồn vốn, lộ trình thực hiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Cũng tại buổi làm việc, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng, lãnh đạo tỉnh Thái Bình và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã ký cam kết về tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Tỉnh và Công ty Vincem ký Chương trình tài trợ 10.000 tấn xi măng để phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trước đó, Thủ tướng đã dâng hương tại đền thờ liệt sĩ tỉnh Thái Bình, trồng cây lưu niệm tại Quảng trường tượng đài Bác Hồ.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên cho biết, với mức tăng trưởng kinh tế hơn 8% trong nửa đầu năm nay, Thái Bình có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao so với các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Tỉnh cũng là điểm sáng thực hiện nông thôn mới khi hơn 62% số xã và huyện Hưng Hà đã đạt chuẩn nông thôn mới. Phấn đấu hết năm nay có 200 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 76% tổng số xã toàn tỉnh. Tỉnh cũng đã đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Góp ý với tỉnh về các giải pháp thời gian tới, đại diện các bộ, ngành cho rằng tỉnh cần hướng mạnh vào kinh tế biển, nhất trí với tỉnh về việc xây dựng đường vành đai ven biển, khu kinh tế ven biển, từ đó mở ra nhiều cơ hội phát triển cho tỉnh. Đánh giá Thái Bình là điểm sáng về quy hoạch nông thôn, là một trong những địa phương có hệ thống giao thông nông thôn tốt nhất, các ý kiến mong muốn “quê lúa” tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
“Người Thái Bình làm ăn phát đạt ở nhiều nơi nhưng về Thái Bình làm ăn thì còn ít”, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói và nhìn nhận số lượng doanh nghiệp trong tỉnh còn thấp, quy mô nhỏ. Tỉnh cần chú trọng cải thiện cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính.
Quảng Ngãi rộng cửa đón nhà đầu tư
Từ một tỉnh nghèo, Quảng Ngãi vươn lên thành một trong 10 địa phương thu ngân sách cao, có điều tiết cho ngân sách trung ương. GRDP bình quân đầu người tăng lên 52,6 triệu đồng/năm (tương đương 2.447 USD) và đang có xu hướng ngày càng tăng lên.
20 năm trước, khó có ai tin rằng, trên vùng cát trắng rộng mênh mông, bạt ngàn cây dại, nơi có thời tiết khắc nghiệt gây vô vàn khó khăn cho sản xuất, mưu sinh của người dân, lại hình thành nên một khu kinh tế (KKT) ven biển đầu tiên của cả nước, an toàn về môi trường và hiệu quả về kinh tế cho đến nay.
Ngay khi mới thành lập, KKT Dung Quất trực tiếp thuộc Chính phủ quản lý. Vì vậy, được áp dụng những cơ chế ưu đãi vượt trội, lĩnh vực đầu tư chiến lược cũng đã được Trung ương và địa phương tính toán khoa học, đẩy mạnh triển khai quyết liệt, lấy hạt nhân là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất làm tiền đề cho việc xây dựng Trung tâm Lọc hóa dầu Quốc gia.
Đến nay, Quảng Ngãi đã thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2025, từ 10.300 ha lên 45.332 ha; lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020; quy hoạch ngành; quy hoạch chi tiết xây dựng các khu đô thị (Vạn Tường, Dốc Sỏi, Sa kỳ), cảng Dung Quất 2, KCN nặng Dung Quất 2, các khu tái định cư, KCN nhẹ Bình Hòa - Bình Phước…
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất từ khi được đầu tư xây dựng với quy mô hiện đại bậc nhất Đông Nam Á đã là cú hích phát triển kinh tế Quảng Ngãi, nét son của ngành lọc hóa dầu Việt Nam, hình mẫu công nghiệp hóa - hiện đại hóa cho một miền Trung.
Từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đã kéo theo những nhà máy khâu sau hóa dầu và nhiều ngành công nghiệp phụ trợ khác đang chờ cơ hội vươn vai đứng dậy để trở thành người khổng lồ.
Sắp tới đây, Dự án Khu đô thị - Công nghiệp Dung Quất do nhà đầu tư Hoàng Thịnh Đạt đến từ Hà Nội với số vốn hơn 2.000 tỷ đồng sẽ góp thêm vào những điểm nhấn về thế mạnh hạ tầng thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi thông qua “cánh cửa” KKT Dung Quất.
VSIP Quảng Ngãi cũng là một trong những hình mẫu mà các nhà đầu tư từ Singapore đem đến Quảng Ngãi, mở ra một cánh cửa hấp dẫn khác bên cạnh KKT Dung Quất.
Dự án này, khi ông Võ Văn Thưởng là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi (nay là Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương) đã khẳng định là nét chấm phá độc đáo về một khu đô thị hiện đại, lãng mạn, nơi hội tụ của công nghệ cao và chất lượng cuộc sống hoàn hảo.
Không dễ gì để nhà đầu tư Singapore dừng chân tại mảnh đất khô cằn, sỏi đá. Nhưng Quảng Ngãi đã vượt qua những khó khăn, gian nan ấy bằng sự kiên trì, nhiệt tình, cởi mở, chân tình và hơn hết là tiềm năng mà nhà đầu tư thực sự nhìn thấy.
Vì vậy, đây có thể được xem là thành công lớn trong thập kỷ vừa qua của Quảng Ngãi. “Cánh cửa VSIP Quảng Ngãi đang rất rộng mở đón nhà đầu tư, dù là khó tính nhất. Tại đây, chúng tôi đang áp dụng những chính sách ưu đãi, thông thoáng, nhanh chóng, tiện lợi và rút ngắn thủ tục đầu tư khi nhà đầu tư tìm đến để dừng chân”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ khẳng định.
Mở rộng cửa đón các nhà đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, VSIP Quảng Ngãi quyết liệt thực hiện cải cách thủ tục hành chính tạo tâm lý thoải mái, hài lòng nhất cho các nhà đầu tư bằng những việc làm cụ thể thông qua cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
“Chỉ số PCI giảm bậc liên quan đến đơn vị nào, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm. Quảng Ngãi sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu liên quan đến cải cách thủ tục hành chính và thu hút đầu tư”, ông Lê Viết Chữ nhấn mạnh.
Hiệu quả từ sự chỉ đạo cải cách quyết liệt ấy là việc nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đến nghiên cứu đầu tư vào tỉnh, như Dự án Khu đô thị cao cấp Ngọc Việt, Khu lâm viên đô thị Thiên Bút của Công ty Thiên Tân; các khu đô thị mới, trung tâm thương mại, khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp của Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Mường Thanh, dự án nhà máy thép của Tập đoàn Tôn Hoa Sen, thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi. Thực tế cho thấy các khu công nghiệp tại Quảng Ngãi đang là sự lựa chọn và điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển.
Với những chính sách đồng bộ về thu hút đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, Quảng Ngãi đã và đang trở thành điểm hẹn của các nhà đầu tư, là trung tâm kinh tế công nghiệp phát triển mạnh tại khu vực miền Trung.(Báo Đầu Tư)