Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ khẳng định: Đi qua 30 năm đổi mới, kinh tế đất nước nhiều đổi thay, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt ngày một trưởng thành. Đã đến lúc cần Xây dựng thương hiệu Quốc gia với sự góp mặt của đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
Nợ công: Thách thức quản lý minh bạch, hiệu quả
- Cập nhật : 01/11/2015
(Tin kinh te)
Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa được công bố, trong đó có đề cập đến những cảnh báo đáng ngại về nợ công của Việt Nam với số nợ đang lên tới 110 tỉ USD.
Gần đây nhất Thủ tướng Chính phủ cũng đã cam kết không để nợ công của Việt Nam vượt ngưỡng 65%. Tuy nhiên vẫn có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đến sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam qua các con số về nợ công.
Liệu rằng với số nợ, Việt Nam (VN) có đang đi dần tới tình trạng như Hy Lạp? Liệu rằng với con số nợ này, việc đi vay của VN tới đây có gặp trở ngại không? Theo TS Dương Như Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), nợ công lên tới 110 tỉ USD là một dấu hiệu đáng lo ngại nhưng tính minh bạch và hiệu quả của quản lý chi tiêu ngân sách mới là nguyên nhân của vấn đề.
Đầu tư không hiệu quả thì vay nợ bao nhiêu cũng là quá nhiều
. Phóng viên: Là một chuyên gia từng làm việc ở Mỹ nhiều năm, ông đánh giá thế nào về con số nợ công hiện tại của VN?
Có nhiều con số khác nhau về tỉ lệ nợ công của VN. Ứng với con số nợ 110 tỉ USD do WB báo cáo thì tỉ lệ nợ công/GDP cuối năm 2014 của VN là 59,13%. Tuy nhiên, con số này có lẽ chưa tính đến khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), quỹ bảo hiểm xã hội và nợ của Ngân hàng Nhà nước VN. Theo một số báo cáo của Bộ KH&ĐT thì tỉ lệ nợ công cuối năm 2014 là khoảng 66,4%. Nếu bỏ qua khác biệt về tính toán thì tỉ lệ nợ này là nhiều hay ít? Theo thông tin của một tổ chức kinh tế, tỉ lệ nợ công của toàn thế giới năm 2014 là 57,7%, trong khi tỉ lệ nợ công của các nước đang phát triển chỉ khoảng 40%. Ngưỡng an toàn nợ công cho các quốc gia trong Hiệp ước Maastricht là 60%. Như vậy, tỉ lệ nợ công của VN tuy chỉ cao hơn chút đỉnh so với trung bình thế giới và ngưỡng an toàn 60% của Hiệp ước Maastricht nhưng lại gấp rưỡi so với trung bình của các nước đang phát triển. Đây là một dấu hiệu đáng lo ngại.
Nhiều đầu tư công lãng phí
. Vậy có nên vay nợ thêm khi tỉ lệ nợ công cao không, thưa ông?
+ Một quốc gia có nợ công cao thì không nhất thiết phải ngừng ngay vay nợ mới. Nhật Bản trước năm 1993 luôn có thặng dư ngân sách nhưng sau đó nền kinh tế gặp suy thoái, chính phủ phải tăng chi tiêu và giảm áp lực thu ngân sách để kích thích nền kinh tế. Điều này khiến nợ công tăng cao trong hai thập niên. Vấn đề này càng trầm trọng khi Nhật Bản gặp phải một loạt thiên tai, tai nạn hạt nhân và hậu quả của khủng hoảng tài chính 2008. Mỹ tăng tỉ lệ nợ công vì cắt giảm thuế để kích thích nền kinh tế sau khủng bố 11-9-2001, sau đó lại tăng chi tiêu chính phủ để kích cầu sau khủng hoảng kinh tế 2008.
Tương tự, nhiều quốc gia trong khối Eurozone và cả VN cũng tăng chi tiêu để kích thích nền kinh tế sau khủng hoảng thế giới 2008. Các quốc gia này chấp nhận vay nợ để tăng chi tiêu, kích cầu với hy vọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Nếu GDP tăng thì tỉ lệ nợ công/GDP trong dài hạn sẽ giảm. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng thành công. Hy Lạp cũng đã tăng chi tiêu công nhưng GDP vẫn suy giảm, khiến họ phải thắt lưng buộc bụng cắt giảm chi tiêu, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao (hơn một nửa thanh niên độ tuổi lao động không kiếm được việc làm), đời sống người lao động khó khăn và hậu quả là một loạt bạo loạn đã nổ ra.
Trở lại vấn đề VN, nếu chúng ta vay nợ và sử dụng đồng tiền hiệu quả như Vinamilk thì sẽ không những có tiền để trả nợ sau này mà còn góp phần tăng GDP. Khi GDP tăng trưởng bền vững thì tỉ lệ nợ công/GDP sẽ giảm xuống. Nếu sử dụng đồng tiền không hiệu quả như Vinashin, Vinalines thì trong ngắn hạn GDP vẫn có thể tăng trưởng vì cứ chi tiền thì sẽ có GDP tăng. Tuy nhiên, tăng GDP kiểu này không bền vững lâu dài, không tạo ra giá trị gia tăng và không có khả năng trả nợ và lãi, dẫn đến tỉ lệ nợ công/GDP càng cao và rủi ro vỡ nợ sẽ tăng.
. Nghĩa là nợ công cao là một vấn đề quan ngại lớn nhưng không có nghĩa là không nên vay. Vấn đề quyết định là vay để làm gì?
+ Đúng vậy, nếu vay và sử dụng vốn vay hiệu quả thì là một việc nên làm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều đầu tư công của ta lãng phí. Không có một chắc chắn nào là nếu vay mới thì ta sẽ không lãng phí trong tương lai. Chính vì vậy WB và nhiều tổ chức tín dụng cũng có lý khi cảnh báo vấn đề nợ công của VN. Để tránh vấn đề này, chúng ta cần phải quản lý nợ công minh bạch và hiệu quả hơn.
. Các khoản chi tiêu của chúng ta cũng được báo cáo như thế không thể nói là không minh bạch, thưa ông?
+ Theo một bài viết của chuyên gia kinh tế Vũ Quang Việt, tính công khai, minh bạch của ngân sách nhà nước (NSNN) đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đủ. Chẳng hạn ngân sách chi cho Bộ GD&ĐT 32.000 tỉ đồng nhưng xem thông tin chi ngân sách cho các bộ, ngành trung ương có địa chỉ rõ ràng thì cũng chỉ thấy được 12.000 tỉ đồng. Trong đó, Bộ GD&ĐT được phân 6.300 tỉ đồng; hai trường ĐHQG là Hà Nội và TP.HCM được phân 2.000 tỉ đồng và phần còn lại gần 4.000 tỉ đồng được phân cho các bộ, ngành khác như Học viện HCM, Bộ Y tế, Bộ VH-TT&DL, Bộ NN&PTNT... Vậy số tiền 20.000 tỉ đồng còn lại không rõ về đâu. Đây lại là một mục được cho là minh bạch nhất trong báo cáo ngân sách mà còn như vậy thì các khoản khác như thế nào? Vậy nên cần phải minh bạch trong quản lý chi tiêu công.
DNNN cũng phải minh bạch hóa vì các DNNN nắm nhiều nguồn lực và được ưu đãi nhiều nhưng lại đóng góp ít hơn so với tỉ lệ nguồn lực nắm giữ. Nhà nước cần phải thúc đẩy cổ phần hóa, giảm bớt nắm giữ cổ phần trong các DNNN vàNhà nước chỉ nên đóng vai trò như trọng tài để giám sát luật chơi sao cho công bằng để DN cùng cạnh tranh phát triển. Điều này vừa tăng nguồn thu của Nhà nước, giảm tỉ lệ nợ công, vừa buộc DN hoạt động hiệu quả hơn, vừa thúc đẩy thị trường tài chính trong nước phát triển vì sẽ có nhiều hàng hóa cho nhà đầu tư hơn. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần phải siết chặt hơn kỷ luật ngân sách. Chúng ta cần học Singapore về điểm này.
. Với tình hình như hiện nay, theo ông sắp tới VN có gặp trở ngại khi đi vay vốn?
+ Chắc chắn sẽ khó khăn hơn vì tỉ lệ nợ công của ta cũng tương đối cao. Tôi không rõ lãi suất đi vay trong quá khứ của VN là bao nhiêu nhưng cũng có thể lãi suất vay mới thấp hơn nếu điều kiện thị trường thuận lợi. Ngoài vấn đề lãi suất chúng ta cũng cần phải xem xét các điều kiện cho vay, đặc biệt là các khoản vay ODA. Họ có cho vay lãi suất thấp nhưng buộc ta sử dụng nhà thầu của họ. Gần đây có một câu chuyện mà báo chí hay nêu về chất lượng một nhà thầu nước ngoài yếu kém xảy ra nhiều tai nạn, chi phí cao nhưng lại không thay nhà thầu này được vì vốn của dự án có nguồn ODA.
. Xin cám ơn ông.
Đại biểu Quốc hội BÙI ĐỨC THỤ, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội:
Phát hành 3 tỉ USD trái phiếu quốc tế là cần thiết
Cũng cần lưu ý rằng hai năm nay NSNN đều tập trung trả nợ nhưng số nợ trả lại chỉ bằng một nửa số vay mới, dẫn đến dù nợ công dưới 65% GDP nhưng số tuyệt đối vẫn tăng. Để giải quyết được vấn đề này, Chính phủ cần tính toán để số tiền vay mới phải nhỏ hơn số tiền trả nợ cũ, làm cho bội chi giảm dần thì nợ công mới giảm.
Bên cạnh đó, Chính phủ đề xuất phát hành 3 tỉ USD trái phiếu quốc tế là cần thiết để đảo nợ, tức là để trả các khoản ngắn hạn. Về bản chất là không làm tăng dư nợ công. Tuy nhiên, nếu Quốc hội (QH) đồng ý đề xuất này thì phải kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu này, chỉ sử dụng vào việc đảo nợ và không được chi tiêu vào các khoản khác, kể cả với những việc cần thiết, cấp bách. Theo Luật Quản lý nợ công thì không được phép vay nước ngoài để đảo nợ trong nước nhưng vì lợi ích nền kinh tế của đất nước tôi đề nghị nên chấp thuận.
Đại biểu TRẦN HOÀNG NGÂN (TP.HCM):
Cần giảm các nguồn chi không cần thiết để tăng lương
Nợ công của VN đang ở mức cao. Do đó, Chính phủ cần giảm chi NSNN cho chi thường xuyên như xe công, dịch vụ công nuôi bộ máy hành chính, xây trụ sở,…; tăng hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh tăng trưởng GDP. Bên cạnh đó phải giám sát được nợ công, các khoản vay nợ; một nền kinh tế mà năm nào cũng tăng nợ công thì cũng cần xem lại.
TS PHẠM THẾ ANH, chuyên gia kinh tế, ĐH Kinh tế quốc dân:
Do chi tiêu quá nhiều chứ không phải do hụt thu
Tỉ lệ nợ công/GDP của VN hiện vẫn còn ở dưới mức trần 65% quy định bởi QH. Tuy nhiên, sở dĩ tỉ lệ này vẫn nằm trong giới hạn cho phép của QH chủ yếu là nhờ việc Tổng cục Thống kê vào năm 2013 đã điều chỉnh phương pháp tính GDP, bổ sung thêm giá trị kinh doanh của ngành ngân hàng và dịch vụ nhà tự có tự ở của dân cư.
Tuy nhiên, dù tính theo phương pháp nào thì với tốc độ tăng nhanh của nợ công hiện nay, thước đo kỷ luật nợ công mà QH đặt ra không sớm thì muộn cũng sẽ bị vi phạm nếu chúng ta không có những điều chỉnh.
Bên cạnh đó, việc tuân thủ kỷ luật thâm hụt ngân sách của VN trong những năm gần đây rất kém. Trong giai đoạn 2011-2015, mục tiêu của Chính phủ là đưa mức thâm hụt ngân sách giảm dần xuống còn 4,5% GDP vào năm 2015 nhưng thực tế lại cho thấy mức thâm hụt ngân sách những năm qua ngày càng trầm trọng hơn. Thâm hụt ngân sách của các năm 2012, 2013 và 2014 lần lượt đã lên tới xấp xỉ 5,4%, 6,6% và 5,7% GDP. Những con số này cũng cao hơn so với mức dự toán 4,8% GDP mỗi năm trong các năm này. Đặc biệt, mức thâm hụt ngân sách ngày càng cao và có xu hướng vượt chi cho đầu tư phát triển, hàm ý nguy cơ VN phải vay nợ cho tiêu dùng ngày càng lớn. Tức là VN sẽ không chỉ phải vay nợ cho đầu tư phát triển mà còn phải vay nợ để tài trợ một phần cho tiêu dùng, vi phạm quy định đề ra trong Luật NSNN 2002 và Luật NSNN sửa đổi 2015.
TRÀ PHƯƠNG ghi
YÊN TRANG thực hiện
Theo PLO.VN