Đó là nhận định của PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài Chính) khi nói tới thông tin Tổng cục Thuế miễn cho Formosa Hà Tĩnh khoản thuế 176 tỷ đồng.
Khổ vì bán bảo hiểm bị coi là lừa đảo, bán hàng đa cấp
- Cập nhật : 12/09/2016
(Bao hiem)
Bán bảo hiểm là ngành nghề thời thượng và rất được xem trọng ở nước ngoài tuy nhiên tại Việt Nam, nhân viên bán bảo hiểm luôn bị nghi ngờ thậm chí bị từ chối phũ phàng như những người lừa đảo.
Nhân viên tư vấn bảo hiểm là một nghề có thu nhập cao, chế độ tốt trên thị trường lao động hiện nay. Để làm tốt công việc này cần các kỹ năng như khả năng giao tiếp tốt, có các mối quan hệ rộng, có tính kiên trì, nắm bắt được tâm lý khách hàng...
Một công việc có ý nghĩa nhân văn, chia sẻ rủi ro và mang tính phòng vệ,... như tư vấn bảo hiểm nhưng có làm trong nghề mới thấm thía có những lúc họ bị coi là lừa đảo, bán hàng đa cấp.
Nhắc đến bảo hiểm là... cúp máy
Hầu hết mọi người nhận thức về sự cần thiết của bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam chưa cao và tâm lý người Việt khi nghĩ rằng mua bảo hiểm là mua điều xui xẻo; thời gian tham gia bảo hiểm kéo dài, lãi suất chưa thực sự hấp dẫn. Ngoài ra, cũng có nhiều thông tin cho rằng bảo hiểm nhân thọ tham gia thì dễ, lúc lãnh tiền thì khó...
Đã có nhiều khách hàng lên tiếng phàn nàn về những vụ mất tiền khi tham gia bảo hiểm. Gia đình anh chị Thanh (Hà Nội) là một ví dụ. Anh chị cho biết cách đây 4 năm, anh chị có nhu cầu mua bảo hiểm để chuẩn bị tài chính cho con đến năm 18 tuổi, mỗi tháng anh chị nộp vào 1,5 triệu đồng tuy nhiên vì nhiều lý do, anh chị bỏ hợp đồng chỉ sau gần 3 năm đóng phí. Kết quả là anh chị gần như "mất trắng" số tiền đã đóng, chỉ nhận lại chẳng được là bao.
"Đã tham gia bảo hiểm thì nên theo, nếu không may bỏ giữa chừng thì chỉ làm lợi cho họ. Mình bỏ hợp đồng, đồng nghĩa mất tiền, lãi, công sức trong giai đoạn đã nộp trước. Có khi làm sổ tiết kiệm gửi ngân hàng, có tiền thì gửi không có nữa thì thôi, chứ bảo hiểm phải trường kỳ", anh Thanh ngậm ngùi chia sẻ kinh nghiệm.
Không chỉ anh chị Thanh mà nhiều người còn đang hoài nghi về bảo hiểm. Tâm sự của chị Ngọc Anh, một nhân viên bán bảo hiểm có hai năm kinh nghiệm cho biết để có được những hợp đồng bảo hiểm quả thật là hành trình gian nan.
"Nghề này chắc phải đợi Việt Nam phát triển như các nước châu Âu thì làm may ra còn được. Tôi đi thuyết phục khách hàng, may gặp người khá giả theo được thì không sao, nhưng nếu khách chỉ theo nửa chừng rồi bỏ trong những năm đầu và không lấy lại được toàn bộ gốc lẫn lãi thì họ lại bảo mình lừa đảo". Chị Anh cho biết thêm, ban đầu vào nghề, để đảm bảo chỉ tiêu chị phải chèo kéo người thân, bạn bè tham gia.
Trong khi đó anh Luân lại đến với nghề môi giới bảo hiểm thông qua một người bạn giới thiệu. Hành trang ban đầu của anh là danh sách khách hàng tiềm năng với tên, số điện thoại liên hệ.
Anh nhớ lại những ngày đầu vào nghề, bắt đầu từ những cuộc điện thoại gọi đến từ danh sách được cấp và liên tục vấp phải sự từ chối. Dù chào mời rất lịch sự, thưa dạ kính cẩn nhưng nhiều người chỉ cần nghe tôi nói tới từ nhân viên tư vấn bảo hiểm thì đã cúp máy lạnh lùng hoặc ngắt ngang lời kêu bận không muốn lãng phí thời gian. Hàng chục câu từ chối của khách hàng như: Tôi không tham gia; Tôi không cần Bảo hiểm nhân thọ; Không cần thiết, tôi đã có bảo hiểm nhân thọ rồi; Tôi không có tiền để đóng phí bảo hiểm nhân thọ; thậm chí miệt thị nói luôn bảo hiểm là những người lừa đảo...
Sau khi liên tục bị từ chối, anh Luân không dùng cách tiếp cận qua điện thoại nữa mà anh nghĩ cần phải gặp gỡ trực tiếp có như vậy mới đem lại niềm tin cho khách hàng. Từ các mối quan hệ của mình anh khoanh vùng những người có thu nhập cao và lập danh sách khách hàng tiềm năng bằng cách thường xuyên tham dự hội thảo kinh doanh, hội thảo về du học,… Đến những nơi đó, anh kết bạn với mọi người, giới thiệu về bản thân và để lại danh thiếp. Đi sâu, đeo bám với nghề, anh Luân ngày càng dày dặn kinh nghiệm và cũng có được lượng khách hàng đáng kể.
Giờ đây chia sẻ trong vai trò một người đã khá thành công, anh Luân kết luận tư vấn kinh doanh bảo hiểm chỉ thực sự phù hợp với những người hướng ngoại, có sự kiên nhẫn cao, yêu nghề và chịu khó "chai mặt".
Vậy thực tế, bảo hiểm có phải là đa cấp hay không?
Nhiều người cho rằng bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng như một hình thức bán hàng đa cấp hoặc lừa đảo tài chính, chỉ có lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm, Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam khẳng định đây là quan điểm sai.
Theo ông, nhìn bên ngoài, việc bán bảo hiểm qua đại lý giống mô hình đa cấp nhưng đại lý chỉ được bán sản phẩm bảo hiểm với các quy tắc điều khoản biểu phí, hợp đồng bảo hiểm, giấy yêu cầu bảo hiểm, đơn bảo hiểm, minh họa bán hàng đã được Bộ Tài chính phê chuẩn, không được thêm bớt.
Cụ thể, đại lý bảo hiểm hưởng hoa hồng năm đầu tối đa 25% phí bảo hiểm thu được với hợp đồng dưới 10 năm, tối đa 40% với hợp đồng kỳ hạn trên 10 năm trong đó có bao gồm chi phí phải bỏ ra để khai thác hợp đồng bảo hiểm. Từ năm thứ 2 trở lên chỉ được hưởng 5% đến 7% việc chi trả hoa hồng cũng được Bộ Tài chính quy định, doanh nghiệp bảo hiểm không được tự ý làm sai.
Ông Lộc cũng thông tin, hoạt động kinh doanh bảo hiểm được quy định rất chặt chẽ trong Luật kinh doanh bảo hiểm, Nghị định Chính phủ và Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm.
Do vậy, bảo hiểm khác với đa cấp vì có sự đảm bảo của cơ quan Nhà nước.
Bán bảo hiểm là ngành nghề thời thượng và rất được xem trọng ở nước ngoài tuy nhiên tại Việt Nam, nhân viên bán bảo hiểm luôn bị nghi ngờ thậm chí bị từ chối phũ phàng như những người lừa đảo. Đó cũng là rào cản tâm lý khiến bảo hiểm nhân thọ chính thức được triển khai tại Việt Nam từ năm 1996, sau 20 năm, tốc độ phát triển còn rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực.