tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Trục lợi bảo hiểm: Nếu thành công, 1 vốn đổi 1.000 lời

  • Cập nhật : 25/08/2016

(Bao hiem)

"Do lợi nhuận của người mua bảo hiểm quá lớn, nếu những vụ trục lợi bảo hiểm trót lọt, người mua bảo hiểm bỏ ra một đồng để mua nhưng hưởng lợi gấp hàng trăm thậm chí hàng nghìn lần. Giá trị siêu lợi nhuận mà bảo hiểm mang tới cho người sử dụng khiến nhiều đối tượng bất chấp, ai càng hiểu về lợi ích của bảo hiểm, càng dễ nảy sinh lòng tham trục lợi", đại diện Hiệp hội bảo hiểm nhìn nhận.

chi n. viet tuong trinh tai co quan cong an.

Chị N. viết tường trình tại cơ quan công an.

Những ngày gần đây, thông tin về hành vi của chị Lý Thị N. (SN 1986, Phúc Thọ, Hà Nội) thuê người chặt tay, chân của mình, để được thanh toán 3,5 tỷ đồng (quyền lợi của 3 gói bảo hiểm nhân thọ) sau đó tạo hiện trường giả “bị tai nạn tàu hỏa” nhằm qua mặt cơ quan chức năng đã khiến dư luận hết sức bàng hoàng.

Một vốn nghìn lời

Bình luận về vụ việc này, ông Phùng Đắc Lộc - Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, ông cảm thấy "rùng mình" khi biết thông tin về vụ việc này bởi đây là hành vi mới trong trục lợi bảo hiểm, lần đầu xảy ra ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông, những hành vi tương tự, thậm chí tự sát để hưởng bảo hiểm thì không hiếm và đang gia tăng.

Ông dẫn thống kê của Bộ Tài chính cho biết, trong khoảng 5 năm từ năm 2007 đến năm 2012, số tiền trục lợi bảo hiểm của 5 doanh nghiệp tốp đầu của bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ khá lớn. Theo đó ở khu vực bảo hiểm phi nhân thọ, số tiền trục lợi lên tới 215,3 tỷ đồng. Ở khu vực bảo hiểm nhân thọ, trong vòng 5 năm có 530 tỷ đồng trục lợi bị phát hiện.

"Do lợi nhuận của người mua bảo hiểm quá lớn, nếu những vụ trục lợi bảo hiểm trót lọt, người mua bảo hiểm bỏ ra một đồng để mua nhưng hưởng lợi gấp hàng trăm thậm chí hàng nghìn lần. Giá trị siêu lợi nhuận mà bảo hiểm mang tới cho người sử dụng khiến nhiều đối tượng bất chấp, ai càng hiểu về lợi ích của bảo hiểm, càng dễ nảy sinh lòng tham trục lợi", ông Lộc nói.

Nêu một số ví dụ về các “thủ đoạn” trục lợi bảo hiểm, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, để trục lợi bảo hiểm, có trường hợp nhờ người ký khống giấy tờ, lập hồ sơ tham gia bảo hiểm khống; hoặc có trường hợp tại Đồng Tháp từng nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho con trai qua đời do tai nạn giao thông. Tuy nhiên, qua xác minh thì con trai bà này chết do mắc bệnh AIDS giai đoạn cuối chứ không hề có vụ tai nạn nào xảy ra như khai báo.

Ông cũng cho biết một trường hợp điển hình từng được ghi nhận ở Hải Dương, ông Vũ Quang Uông (một giáo viên về hưu) đã tha thiết xin bác sĩ cắt bỏ một chân của mình do mắc bệnh chân voi. Tuy nhiên, trước đó, ông Uông đã tạo ra một kịch bản tai nạn giao thông (tự ngã), lấy xe đè lên chân bị mắc bệnh chân voi, rồi kêu người đến làm chứng nhằm nguỵ tạo chứng cứ để trục lợi bảo hiểm.

Cần xử lý hình sự đối với hành vi trục lợi bảo hiểm

Phân tích về góc độ pháp luật, ông Đoàn Minh Phụng - Phó GS, TS. NGƯT, Phó khoa Ngân hàng và Bảo hiểm Học viện Tài chính cho biết, việc trục lợi bảo hiểm trên thế giới cũng như ở Việt Nam không hề mới, trong số những hình thức trục lợi bảo hiểm có hình thức cố ý gây thiệt hại cho tài sản hoặc cố ý gây thương tích, trường hợp cố ý gây thiệt hại cho tài sản xảy ra nhiều hơn là trường hợp tự ý gây thương tích hoặc tự tử.

"Trong trường hợp có bằng chứng của việc bên mua bảo hiểm có hành vi cố ý gây thiệt hại tài sản hoặc tự ý gây thương tích doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm. Theo quy định của Bộ Luật hình sự 2015 tại điều 213, người có hành vi trục lợi bảo hiểm tuỳ theo mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù", ông Phụng cho biết.

Còn theo ông Phùng Đắc Lộc, dù quy trình thanh toán bảo hiểm chặt chẽ nhưng hiện cơ quan quản lý chưa có chế tài xử phạt đối tượng làm giả hồ sơ trục lợi không thành công mà chỉ có chế tài xử phạt khi đối tượng trục lợi thành công.

"Nếu đối tượng có hành vi trục lợi bị phát hiện, sẽ rút hồ sơ, bỏ của chạy lấy người, cơ quan chức năng sẽ không thể xử lý. Hoặc như với trường hợp chị N. ở trên làm tổn hại chính mình, không gây hậu quả nghiêm trọng với ai, và cũng chưa lấy tiền, chưa hoàn chỉnh hồ sơ để lấy tiền nên không bị khép vào tội lừa đảo hay bị yêu cầu xử lý theo luật hình sự”, ông Lộc phân tích.

Do đó, ông Lộc cho rằng, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần xây dựng được một khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ để đáp ứng các yêu cầu trong nước và chuẩn mực về phòng, chống trục lợi bảo hiểm. Đồng thời, cần phải đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử tội phạm liên quan đến bảo hiểm để răn đe và phòng ngừa chung.

(Theo Dân Trí)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục