Mới đây, khi họp với UBND TP.Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường đã bày tỏ thái độ đồng tình và đề nghị Hà Nội xem xét đến phương án cấp hạn ngạch, thông qua việc đấu thầu quyền được mua ô tô cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông.
PVN không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán
- Cập nhật : 16/03/2016
(Tin kinh te)
Quy định trên được đưa ra tại dự thảo Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ-Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến đóng góp.
Thủ tướng Chính phủ quyết định quyết định việc điều chỉnh vốn điều lệ
Theo dự thảo, vốn của Công ty mẹ-Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Công ty mẹ) bao gồm vốn do Nhà nước đầu tư tại Công ty mẹ, vốn do Công ty mẹ tự huy động và các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật. Công ty mẹ có trách nhiệm tổ chức hạch toán, theo dõi riêng từng nguồn vốn theo quy định hiện hành.
Vốn điều lệ của Công ty mẹ được quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Trong quá trình kinh doanh, tuỳ theo yêu cầu phát triển từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc điều chỉnh vốn điều lệ của Công ty mẹ theo đề nghị của Bộ Công Thương, ý kiến của Bộ Tài chính. Trường hợp đầu tư bổ sung vốn điều lệ với mức tương đương với mức vốn của dự án quan trọng quốc gia, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư bổ sung sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Trường hợp Công ty mẹ được Nhà nước giao nhiệm vụ đặc biệt thì phải tập trung vốn và các nguồn lực khác để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Theo Bộ Công Thương, vốn điều lệ của PVN tại thời điểm 31/12/2015 là: 301.400 tỷ đồng.
Công ty mẹ được quyền quản lý và sử dụng linh hoạt toàn bộ số vốn do Nhà nước đã đầu tư, các loại nguồn vốn hợp pháp khác vào hoạt động sản xuất kinh doanh với mục tiêu thu lợi nhuận; chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu về bảo toàn, phát triển vốn, hiệu quả sử dụng vốn; đảm bảo quyền lợi của những người liên quan đến Công ty mẹ như các chủ nợ, khách hàng, người lao động theo các hợp đồng đã giao kết.
Trường hợp Công ty mẹ tạm thời sử dụng tiền nhàn rỗi các quỹ thuộc phạm vi quản lý để đầu tư và sản xuất kinh doanh thì phải đảm bảo đủ nguồn chi của các quỹ đó khi có nhu cầu sử dụng. Việc sử dụng vốn, quỹ để đầu tư xây dựng phải theo các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng.
Công ty mẹ trực tiếp quản lý và hạch toán toàn bộ vốn góp của Chính phủ Việt Nam trong Liên doanh Việt-Nga "Vietsovpetro" theo Hiệp định liên Chính phủ ký ngày 27/12/2010 và quy định của pháp luật Việt Nam, Công ty mẹ có trách nhiệm quản lý, sử dụng có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn được giao. Công ty mẹ ghi tăng vốn khoản thu hồi chi phí theo các hợp đồng dầu khí được giao khi nhà thầu dầu khí khác rút khỏi Việt Nam. Công ty mẹ có trách nhiệm bảo toàn vốn nhà nước tại công ty mẹ bằng các biện pháp theo quy định của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và các biện pháp khác…
Huy động vốn để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh
Theo dự thảo, Công ty mẹ được huy động vốn để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của Công ty mẹ theo hình thức: phát hành trái phiếu, vay vốn của tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính khác, của cá nhân, tổ chức ngoài doanh nghiệp; vay vốn của người lao động và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật.
Việc huy động vốn của tổ chức kinh tế, cá nhân trong nước, công ty mẹ phải thực hiện thông qua hợp đồng vay vốn với tổ chức kinh tế, cá nhân cho vay theo quy định của pháp luật; mức lãi suất vay vốn trong nước tối đa không vượt quá mức lãi suất cho vay cùng thời hạn của ngân hàng thương mại nơi công ty mẹ mở tài khoản giao dịch tại thời điểm vay vốn; trường hợp công ty mẹ mở tài khoản giao dịch ở nhiều ngân hàng thì mức lãi suất huy động vốn trực tiếp tối đa không được vượt quá lãi suất cho vay cao nhất cùng thời hạn của ngân hàng mà công ty mẹ mở tài khoản giao dịch.
Công ty mẹ được trực tiếp vay vốn nước ngoài theo phương thức tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ cho bên cho vay nước ngoài theo đúng các điều kiện đã cam kết trong các thoả thuận vay.
Bên cạnh đó, Công ty mẹ được bảo lãnh cho các công ty con vay vốn tại các tổ chức tín dụng theo nguyên tắc sau đây: 1- Công ty con được bảo lãnh phải có tình hình tài chính lành mạnh, không có các khoản nợ quá hạn; việc bảo lãnh vay vốn để thực hiện dự án đầu tư phải trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án đầu tư và phải có cam kết trả nợ đúng hạn đối với khoản vay được bảo lãnh; 2- Tổng giá trị các khoản bảo lãnh vay vốn đối với một công ty con do Công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ không quá giá trị vốn chủ sở hữu của công ty con theo báo cáo tài chinh quý hoặc báo cáo tài chính năm gần nhất tại thời điểm bảo lãnh; 3- Tổng giá trị các khoản bảo lãnh vay vốn đối với công ty con do doanh nghiệp nắm giữ trên 50% vốn điều lệ không được vượt quá giá trị vốn góp thực tế của Công ty mẹ tại thời điểm bảo lãnh.
Đầu tư, chuyển nhượng vốn ra ngoài Công ty mẹ
Theo dự thảo, việc đầu tư vốn ra ngoài Công ty mẹ phải tuân thủ các nguyên tắc sau. Thứ nhất, Công ty mẹ được phép sử dụng vốn, tài sản, quyền sử dụng đất của Công ty mẹ để đầu tư ra ngoài theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Thứ hai, ciệc đầu tư ra ngoài của Công ty mẹ phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm và kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm của Công ty mẹ; đảm bảo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn, tăng thu nhập và không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh chính của Công ty mẹ.
Thứ ba, Công ty mẹ không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với khoản vốn đã góp, đầu tư tại các lĩnh vực nêu trên không thuộc trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư, Công ty mẹ có trách nhiệm lập phương án cơ cấu lại, thoái hết số vốn đã đầu tư theo quy định.
Thứ tư, Công ty mẹ không được góp vốn, mua cổ phần, mua toàn bộ doanh nghiệp khác mà người quản lý, người đại diện tại doanh nghiệp đó là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng của Công ty mẹ.
Thứ năm, Công ty mẹ không được góp vốn cùng công ty con để thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Việc đầu tư ra ngoài Công ty mẹ được thực hiện theo các hình thức sau: 1- Đầu tư thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; 2- Góp vốn để thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn; góp vốn thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh không hình thành pháp nhân mới; 3- Mua cổ phần hoặc góp vốn tại các công ty cổ phần, mua phần vốn góp hoặc góp vốn tại công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; 4- Mua toàn bộ doanh nghiệp khác; 5- Mua công trái, trái phiếu; 6- Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật.
L.T
(Thời báo Ngân hàng)