Chính phủ vừa ban hành Nghị định 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Theo đó, để được kinh doanh hoạt động mua bán nợ, DN phải đáp ứng 6 điều kiện.
Cải cách thuế, bảo hiểm: Mục tiêu ASEAN-4 không còn xa
- Cập nhật : 04/07/2016
Thuế và bảo hiểm xã hội (BHXH) có tác động không nhỏ đến kinh tế - xã hội. Thời gian qua, dù vẫn còn nhiều hạn chế song hai lĩnh vực Thuế và BHXH đã có những bước tiến đáng kể trong cải cách, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, ổn định sự phát triển bền vững của quốc gia.
Phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Minh Thảo, Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương về vấn đề này.
Bà đánh giá như thế nào về những cải cách về thuế, BHXH trong thời gian qua?
Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã có nhiều cải cách tích cực về chính sách thuế và thủ tục hành chính thuế, được doanh nghiệp và người dân ghi nhận và đánh giá cao. Từ dữ liệu báo cáo có thể thấy, cải cách thuế của Việt Nam trải rộng trên nhiều lĩnh vực như đơn giản hóa thủ tục mẫu biểu, tăng cường dịch vụ cho người nộp thuế cho tới những cải cách liên quan đến chính sách thuế.
Cùng với cải cách thuế, BHXH Việt Nam cũng đã tích cực, chủ động đề xuất nhiều nội dung cắt giảm thủ tục hành chính, giảm hồ sơ, biểu mẫu, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục như: Giảm thời gian giải quyết các hồ sơ đăng ký tham gia và cấp sổ BHXH, chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí… đảm bảo thực hiện quyền lợi của người lao động kịp thời, đầy đủ, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, BHXH đã thực hiện rà soát các thủ tục để cắt giảm hồ sơ, nội dung hồ sơ, đơn giản hoá các thủ tục và đặc biệt áp dụng hình thức nộp và trả hồ sơ qua bưu điện.
Tổng cục Thuế cùng cơ quan BHXH Việt Nam đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cả về chính sách và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Tổng cục Thuế đã đẩy nhanh tốc độ triển khai dịch vụ khai thuế điện tử đến 98,95% doanh nghiệp và nộp thuế điện tử trên 90% doanh nghiệp đang hoạt động. Đặc biệt, để đơn giản hóa các thủ tục, giảm bớt thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, Tổng cục Thuế và BHXH Việt Nam đã ký quy chế phối hợp trao đổi thông tin về tổ chức, cá nhân tham gia đóng BHXH, Tổng cục Thuế cấp mã số thuế đối với tổ chức trả thu nhập và trao đổi thông tin để cơ quan BHXH sử dụng trong quản lý. Nhờ những cải cách đáng kể đó, thời gian nộp thuế và BHXH của Việt Nam theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới đã giảm 102 giờ, cải thiện 4 bậc xếp hạng.
Tuy nhiên, để phấn đấu bằng các nước đứng đầu trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Indonesia, cơ quan Thuế và BHXH sẽ phải làm nhiều hơn nữa để những cải cách này thực sự đi vào thực tiễn và hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chính phủ giao nhiệm vụ cho ngành Thuế và BHXH phải cắt giảm số giờ thực hiện các thủ tục hành chính đến cuối năm 2016 xuống ngang bằng với mức trung bình của nhóm các nước ASEAN-4, theo bà có thực hiện được?
Tính toán của Bộ Tài chính trên cơ sở những thay đổi về quy định, chính sách, ứng dụng công nghệ thông tin thì thời gian nộp thuế dự kiến đạt mục tiêu trung bình của ASEAN-4 là 119 giờ/năm. Tương tự, BHXH tính toán trên cơ sở cắt giảm thủ tục hành chính, áp dụng dịch vụ bưu điện, và ứng dụng công nghệ thông tin thì thời gian nộp BHXH dự kiến đạt mục tiêu trung bình của ASEAN-4 là 49 giờ/năm.
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, mặc dù các thủ tục hành chính đã được công khai, nhưng số lượng thủ tục thuế vẫn còn quá lớn, phức tạp. Lĩnh vực này vẫn còn khá nhiều thủ tục với số giờ cần cắt giảm. Phần nhiều quy trình quản lý thuế quan trọng chưa được sửa đổi, bổ sung một cách tổng thể. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin, nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp còn thấp.
Đối với lĩnh vực BHXH, với đặc thù nhiều chứng từ, chứng nhận đi kèm hồ sơ trong thủ tục thanh toán chế độ chính sách, thủ tục liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế) cũng khiến việc rà soát, chuẩn bị hồ sơ mất rất nhiều thời gian. Những quy định về chứng từ này cũng tạo nhiều khó khăn trong thực hiện giao dịch điện tử.
Tuy nhiên, theo tôi mục tiêu giảm thời gian kê khai thuế còn không quá 119 giờ/ năm, nộp BHXH không quá 49,5 giờ/năm là khả thi nếu những cải cách chính sách và thủ tục hành chính mà Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam đã làm trong thời gian vừa qua được thực thi nghiêm túc và đầy đủ.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, giải pháp hữu hiệu nhất mà ngành thuế và BHXH phải thực hiện là gì, thưa bà?
Điều mà hai ngành này cần làm để cải cách đó chính là tận dụng công nghệ thông tin. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các thủ tục thuế và BHXH đã rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục và hạn chế cơ hội tiếp xúc trực tiếp với cán bộ thực thi công vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhờ đó môi trường kinh doanh được cải thiện. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng tạo cơ hội để ngành thuế và BHXH cải cách cách thức quản lý thuế và BHXH theo hướng hiện đại và đồng bộ hơn.
Dù Chính phủ đã và đang nỗ lực hết mình để đạt mục tiêu này nhưng trong thời gian Việt Nam cải cách, các nước khác cũng đang nỗ lực cải thiện các chính sách về thuế và bảo hiểm. Vậy theo bà giải pháp nào để Việt Nam có thể đuổi kịp các nước?
Để cải thiện môi trường kinh doanh, các nước ASEAN cũng đã dựa trên cách tiếp cận theo thông lệ quốc tế, cụ thể theo Doing Business của Ngân hàng Thế giới để cải cách chính sách và thủ tục hành chính. Trong thời gian qua, Việt Nam đã dựa trên cách tiếp cận này để cải cách chính sách, thủ tục hành chính thuế và cải cách thủ tục BHXH. Nếu thực thi nghiêm túc và đầy đủ cải cách này thì chúng ta có thể kịp các nước.
Song trên thực tế, vẫn còn khoảng cách giữa quy định chính sách và việc thực thi chính sách. Bởi vậy, tới đây cần tập trung giám sát chặt chẽ việc thực thi chính sách, thái độ thực thi công vụ của cán bộ công chức để đạt được hiệu quả cải cách.
Xin cảm ơn bà!
Thùy Linh (thực hiện)
(Theo Báo Hải Quan)