Các đảng lớn của Nga đều ủng hộ chính sách phát triển quan hệ với Việt Nam
Gần 4.000 tỷ đồng xây dựng Nhà ga quốc tế mới tại sân bay Cam Ranh
EVN khẳng định không đề xuất điều chỉnh giá điện trong năm 2016
Bình thường hóa việc phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc
Quảng Trị: Khởi động dự án nhà máy xử lý rác thải trị giá 940 tỷ đồng
Báo quốc tế dự đoán những thách thức của tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
- Cập nhật : 08/04/2016
(Tin kinh te)
Nhiều báo nước ngoài bày tỏ kỳ vọng với nhà lãnh đạo chính phủ mới của Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và dự đoán cả những thách thức mà ông cần giải quyết.
Tờ Time đưa tin ông Nguyễn Xuân Phúc được Quốc hội phê chuẩn là Thủ tướng hôm 7/4, đánh dấu sự hoàn tất của quá trình chuyển giao quyền lực quan trọng ở Việt Nam sau Đại hội Đảng lần thứ XII.
Theo hãng thông tấn AP, ông Phúc nhậm chức trong bối cảnh Việt Nam đang trải qua giai đoạn cải cách kinh tế trước khi gia nhập Hiệp định tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như những căng thẳng về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với nước láng giềng Trung Quốc. Nhiệm vụ cấp thiết hơn của chính phủ mới do Thủ tướng Phúc lãnh đạo là tình trạng hạn hán nghiêm trọng chưa từng có ở Đồng bằng Sông Cửu Long có liên quan đến hiện tượng El Nino.
Reuters điểm lại quá trình công tác của ông Nguyễn Xuân Phúc, xuất thân ở tỉnh Quảng Nam, được bầu vào Bộ Chính trị năm 2011, sau đó được bổ nhiệm làm Phó thủ tướng trong cùng năm.
Hãng tin Channel News Asia cho rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kế thừa di sản lớn của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để lại. Người tiền nhiệm của ông Phúc đã có những nỗ lực lớn trong việc đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập với thế giới, đồng thời có những động thái quyết liệt để bảo vệ chủ quyền của đất nước trước các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông.AFP nhấn mạnh sau lễ tuyên thệ nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu cam kết "kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia".
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cho rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều khả năng sẽ tiếp nối chính sách đối ngoại của ông Nguyễn Tấn Dũng, nhưng sẽ có những bước đi thận trọng hơn.
Các tờ báo, hãng tin quốc tế cũng dự đoán rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phải đối mặt với những thử thách rất lớn trong nhiệm kỳ mới, đòi hỏi chính phủ phải có những bước đi quyết liệt trong việc tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế nhà nước và hệ thống ngân hàng, nâng cao vị thế tài chính của đất nước, và giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
CNA dẫn lời tiến sĩ Hiệp cho rằng những thử thách đó đòi hỏi biện pháp cải cách chính trị chứ không phải trông chờ vào may rủi, nhất là khi Việt Nam đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% năm 2016, nhưng tình hình hạn hán kéo dài đang đe dọa đến sản lượng nông nghiệp ở Đồng bằng Sông Cửu Long, có thể kéo giảm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trong năm nay.
"Rõ ràng đó là một nhiệm vụ rất khó khăn, bởi tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay đang rất thách thức. Tôi nghĩ rằng mọi người đều đang kỳ vọng vào quyết tâm lớn và những bước cải cách vững chắc của ông Phúc", tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nhà kinh tế học cấp cao, phát biểu vớiReuters.
Báo quốc tế đánh giá 10 năm làm thủ tướng của ông Nguyễn Tấn Dũng
Sau khi Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhiều hãng tin, tờ báo nước ngoài đã đăng bài điểm lại quá trình gần 10 năm lãnh đạo của ông, đánh giá về những thành tích mà ông đạt được cũng như những điều mà nhà lãnh đạo này chưa làm được.
Trong bài viết "Thủ tướng Việt Nam miễn nhiệm sau 10 năm lãnh đạo", hãng tin AP cho rằng ông Nguyễn Tấn Dũng đã thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài rất lớn và có thái độ cương quyết trong vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, nhưng kèm theo đó là những vấn đề chưa được giải quyết liên quan đến các tập đoàn kinh tế nhà nước.
Hãng tin này lưu ý Quốc hội miễn nhiệm ông Nguyễn Tấn Dũng ba tháng trước khi ông hết nhiệm kỳ. Quốc hội cũng đã bỏ phiếu bầu ông Nguyễn Xuân Phúc, trước đó là phó thủ tướng, lên làm thủ tướng thay ông Dũng.
"Trong nhiệm kỳ của mình, ông Dũng đã chứng tỏ được mình là một nhà lãnh đạo có tinh thần ủng hộ doanh nghiệp và nhận được sự ủng hộ cao, ngay cả khi các sáng kiến chính sách của ông nhận nhiều chỉ trích…", Jonathan London, chuyên gia về Việt Nam tại Đại học Thành phố Hong Kong, nhận định.Hãng thông tấn Xinhua của Trung Quốc cũng đưa tin về việc Quốc hội Việt Nam miễn nhiệm ông Nguyễn Tấn Dũng, nhắc tới tờ trình của tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang đọc trước quốc hội, đánh giá "thời gian đảm nhiệm chức vụ thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao".
Trang DNAIndia của Ấn Độ đánh giá ông Nguyễn Tấn Dũng là một trong những thủ tướng nổi bật nhất của Việt Nam. Tờ báo này nhận xét ông Dũng là người "cuốn hút, có tài diễn thuyết và dễ dàng hòa đồng với các lãnh đạo nước ngoài, giúp nâng cao vị thế của đất nước".
Tờ báo cho rằng ông Dũng nhậm chức năm 2006, trong thời điểm cả thế giới đang lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tiếp theo đó là sự tăng trưởng chậm chạp của kinh tế thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam, nền kinh tế vẫn đang phụ thuộc lớn vào nguồn vốn đầu tư và thương mại nước ngoài. Nhưng với kinh nghiệm và khả năng của mình, ông Dũng đã thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài rất lớn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, báo chí nước ngoài cũng chỉ ra rằng ông Nguyễn Tấn Dũng còn phạm một số sai lầm trong điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt là với các tập đoàn kinh tế nhà nước.
Ông Lê Hồng Hiệp, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cho rằng kế hoạch xây dựng các tập đoàn kinh tế quốc doanh của ông Dũng là một ý tưởng hay, nhưng cách thực thi còn yếu kém, theoAP. Thay vì lựa chọn và thúc đẩy các công ty tư nhân làm ăn hiệu quả, có tiềm lực, ông Dũng lại quyết định đầu tư cho các tập đoàn nhà nước không có kết quả kinh doanh khả quan và có nhiều dấu hiệu tham nhũng.
Mặc dù vậy, chuyên gia London chỉ ra, "trong nhiệm kỳ của ông Dũng, Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển và thu hút nguồn đầu tư nước ngoài quy mô lớn, trái ngược với xu thế chung của khu vực và thế giới".AP dẫn lời chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng ông Dũng cần được hoan nghênh vì những nỗ lực trong việc thúc đẩy hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao thu nhập cho người dân, nhưng ông vẫn để lại phía sau những khoản nợ công lớn, thâm hụt ngân sách ngày càng tăng, và nạn tham nhũng chưa bị đẩy lùi.
Việt Dũng
Theo VNexpress