Hãy nghe những người đã và đang điều hành ngân hàng nhiều năm thử “phác họa” chân dung đội ngũ lãnh đạo ngân hàng trong thời gian tới.
Bà Phạm Chi Lan: Nói Samsung là hàng Việt Nam là không sòng phẳng
- Cập nhật : 29/09/2015
(Tin kinh te)
Nhà đầu tư nước ngoài nếu thực sự muốn được coi là hàng Việt Nam, hãy chấp nhận mọi bình đẳng giống như doanh nghiệp Việt Nam”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.
Đó là chia sẻ của chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan trước đề xuất “lạ” của Samsung khi muốn được coi là “doanh nghiệp quốc dân Việt Nam” cũng như câu trả lời của lãnh đạo Bộ Công thương rằng “Samsung là hàng Việt Nam”.
Tại buổi Họp báo do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, trước câu hỏi: “Samsung có được xem là hàng Việt hay không?”, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã khẳng định "Samsung là hàng Việt Nam".
Theo ông Quyền, Samsung hay những doanh nghiệp FDI khác có sản phẩm hàng hóa sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam đều là hàng Việt Nam.
Trước đó, tại Hội thảo “Tự hào hàng Việt nam” diễn ra vào cuối tháng 7, ông Myoung, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam đã đưa ra đề nghị: “Từ bây giờ Samsung không muốn chỉ được gắn liền với cái tên là nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất tại Việt Nam mà chúng tôi mong muốn được gọi là doanh nghiệp quốc dân Việt Nam”.
Chia sẻ với PV Báo điện tử Infonet về đề vấn đề này, TS. Lưu Bích Hồ cho rằng, việc Bộ Công thương nói “Samsung là hàng Việt Nam” không có gì là sai. Bởi theo TS. Hồ về mặt chính sách đã có nói “Những doanh nghiệp FDI hoạt động trên đất Việt Nam là một thành phần của nền kinh tế Việt Nam” và điều này đã được nói đến từ rất lâu.
“Đành rằng sản phẩm Samsung sản xuất hầu hết có xuất xứ từ bên ngoài nhưng chúng ta chỉ nên phân biệt doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước chứ không nên phân biệt hàng hóa sản xuất trong nước. Nếu họ nói như vậy chỉ để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước thì cũng chẳng có gì đáng lo ngại”, TS. Hồ nói.
Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan việc Bộ Công thương nói “Samsung là hàng Việt Nam” cũng có cơ sở bởi Việt Nam đã có luật quy định. Thứ hai nữa, sản phẩm của họ khi sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam vẫn ghi “Made in Việt Nam”.
Hơn nữa, theo bà Lan, nhà đầu tư nước ngoài nếu thực sự muốn được coi là hàng Việt Nam, hãy chấp nhận mọi bình đẳng giống như doanh nghiệp Việt Nam chứ đừng vừa muốn coi là doanh nghiệp Việt Nam, vừa muốn hưởng các ưu đãi dành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài. Trên thực tế các doanh nghiệp FDI hiện nay đang có nhiều thuận lợi hơn doanh nghiệp nội địa, nhất là so với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Nếu đã coi là hàng Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam thì tất cả chuẩn mực đối xử phải như nhau. Tôi cũng đã nói với nhà đầu tư nước ngoài như vậy. Chứ ông đừng có khôn, cái gì cũng muốn nhận cả. Thí dụ những chương trình ủng hộ hàng Việt Nam thì ông muốn coi là hàng Việt Nam nhưng đối xử thì ông lại muốn hưởng ưu đãi riêng. Như vậy là không công bằng, sòng phẳng”, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, chuyên gia Phạm Chi Lan cũng cho rằng cơ quan quản lý phải có cách nói rõ ràng, tránh gây ra nhầm lẫn.
“Tôi cũng không hiểu sao Bộ Công Thương lại nói như vậy. Nếu nói với dân thì không đúng, còn với quốc tế cũng không chuẩn vì ông phải hiểu chuẩn xuất xứ quốc tế như thế nào. Và ông cũng phải hiểu người dân kỳ vọng cao hơn về những sản phẩm do Việt Nam làm ra, sự đóng góp của mình cao hơn, giá trị gia tăng cao hơn chứ đừng để người Việt Nam ngộ nhận là “Samsung là của Việt Nam rồi” điều này sẽ dẫn đến những điều tệ hại về những thành tích làm được”, bà Phạm Chi Lan chia sẻ.
Vị chuyên gia này lo ngại, việc “nhận vơ” thành tích của Samsung coi đấy là thành tích của Việt Nam sẽ dẫn đến chủ quan, ngạo mạn rằng ngành điện tử của mình rất oai hùng, mình đã xuất khẩu được điện thoại di động, sản phẩm công nghệ cao ra thế giới.
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Lê Đăng Doanh cũng cho rằng khi nói Samsung là hàng Việt Nam cần được nói rõ tránh xảy ra ảo tưởng hoặc hiểu lầm rằng Samsung là thương hiệu của Việt Nam.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, Việt Nam cần gấp rút xây dựng những doanh nghiệp có thương hiệu Việt để đại diện cho đất nước, cho nền kinh tế, doanh nhân Việt Nam, có năng lực cạnh tranh trên thế giới, công nghệ của Việt Nam, điều đó mới đáng tự hào. Còn hiện nay sản phẩm của Samsung làm ra ở Việt Nam giá trị gia tăng ở Việt Nam chỉ khoảng 15- 20%. Nghĩa là khi bán ra một chiếc điện thoại, Việt Nam chỉ được hưởng hơn 10 USD. Điều đấy không có nghĩa Samsung là doanh nghiệp Việt.