tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Xây dựng Chính phủ liêm chính: Nhận diện rào cản và thách thức

  • Cập nhật : 05/06/2016

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016, Thủ tướngChính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu một quyết tâm mà mọi người dân đều rất mong đợi, đó là “xây dựng một Chính phủ liêm chính, minh bạch, hiệu quả; nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”.

Thực ra đó là bản chất của một Nhà nước của dân, do dân, vì dân mà chúng ta đã nêu lên như một mục tiêu và theo đuổi từ lâu trong quá trình xây dựng chính quyền cách mạng.

Nhưng vì sau nhiều năm phấn đấu để xây dựng một Nhà nước với yêu cầu đặt ra như vậy mà chưa đạt được kết quả theo mục tiêu đề ra, nên khi được Thủ tướngmới của Chính phủ nêu lại vào thời điểm hiện nay, dư luận và người dân lại bắt đầu hy vọng sẽ có thể nhìn thấy một kết quả tốt hơn

Nhận diện rào cản

Có nhiều câu hỏi đặt ra cần được trả lời, trong số đó một câu hỏi rất đáng được quan tâm là điều gì đã làm cho việc thực hiện một mục tiêu tốt đẹp từng được nêu lên hàng đầu trong nhiều năm liền mà chưa đạt được? Một cách đặt vấn đề khác, đâu là rào cản và thách thức cần vượt qua trong thời gian tới nếu chúng ta muốn xây dựng một Chính phủ liêm chính và trong sạch?

Trước hết có lẽ cũng nên nhấn mạnh lại rằng, muốn có một Chính phủ liêm chính, tức là một Chính phủ với phẩm chất liêm khiết và chính trực thì cần xây dựng được một bộ máy hành chính trong sạch, có năng lực hành động trong thực tế. Trong bộ máy đó, cán bộ không tham ô, tham nhũng, biết chống lại bệnh quan liêu, lãng phí, không tham quyền cố vị, không lạm dụng quyền hạn để mưu cầu lợi ích riêng hoặc lợi ích cho phe nhóm mình. Cán bộ trong bộ máy đó phải có tư chất liêm khiết và chính trực.

xay dung chinh phu liem chinh: nhan dien rao can va thach thuc

Xây dựng Chính phủ liêm chính: Nhận diện rào cản và thách thức


Xét trên tiêu chí đó và nhìn lại thời gian qua, các rào cản và thách thức cần vượt qua để xây dựng một Chính phủ liêm chính trong thời gian tới có thể nêu lên như sau:

Trước hết, đó chính là rào cản từ tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức không xứng tầm với nhiệm vụ. Họ không những không làm việc tốt, sẵn sàng tham nhũng của công mà còn là chỗ dựa cho nhiều người theo họ, xúi bẩy, bao che cho nhiều người làm điều xấu, hại dân, hại nước.

Theo ý kiến của cá nhân tôi, đó chắc chắn là một rào cản, một thách thức lớn mà nhiệm vụ xây dựng một Chính phủ liêm chính hiện nay nhất thiết phải vượt qua, phải đưa những người như vậy ra khỏi bộ máy quản lý Nhà nước.

Người dân mong muốn Chính phủ mới không phải chỉ tuyên bố mà phải có những quyết sách cụ thể, hữu hiệu để chấm dứt tình trạng đó, đồng thời hạn chế được việc nhiều cán bộ trong các cơ quan không biết làm việc gì cụ thể, làm lãng phí thời gian, lãng phí tiền bạc của dân, của nước. Cần có những tiêu chí thích hợp để giữ được cán bộ tốt ở lại cơ quan và loại bớt cán bộ không tốt.

Phải thực hiện việc đánh giá cán bộ nghiêm túc, công bằng để những ai không liêm chính phải ra đi, để cán bộ có năng lực thực sự yên tâm theo đuổi công việc, không bị trù dập chỉ vì dám đấu tranh với sai trái của lãnh đạo.

Chắc chắn rằng đó là một điều khó, không thể chỉ một vài tuyên bố là sẽ làm được. Chúng ta cần phải có những chính sách và những hành động cụ thể, thích hợp với các yêu cầu mới thì mới có hy vọng thành công.

Thứ hai, đó là cách thiết kế bộ máy quản lý chồng chéo chức năng và nhiệm vụ, không minh bạch về giới hạn, cùng với đó là một thể chế hành chính cồng kềnh, nhiều tầng nấc, quan liêucó sức cản rất lớn đang ảnh hưởng không tốt đến tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chính cách thức thiết kế bộ máy hành pháp và để tồn tại lâu dài một thể chế hành chính cồng kềnh đã tạo tiền đề cho nhiều người lợi dụng chức quyền và trốn tránh trách nhiệm dễ dàng trong công vụ. Trước những bức xúc của đời sống xã hội đương đại, người ta dễ dàng đổ trách nhiệm cho nhau, cho tập thể mà không chịu nhận trách nhiệm về mình. Vì cơ chế không rõ ràng mà chúng ta đã không thể xử lý hiệu quả các vấn đề đặt ra.

Đơn cử như, tại sao đạo đức học đường không được học sinh tôn trọng, nạn dạy thêm, học thêm ngoài kế hoạch, chạy theo bằng cấp ngày càng phổ biến mà không thể quy trách nhiệm cụ thể vào đâu? Hay nạn thực phẩm bẩn tràn lan và người dân bất an khi sử dụng, trách nhiệm thuộc về cơ quan nào? Hoặc môi trường của chúng ta đang ngày càng bị ô nhiễm thì ai lo?

Tham nhũng, lãng phí không chống được là thực tế được thừa nhận có phải là do cấu trúc và chức năng của bộ máy chống tham nhũng không được thiết kế thích hợp không và trách nhiệm đó thuộc về ai? Tại sao nhiều cơ quan quản lý Nhà nước của ta, kể cả cấp bộ, lại vẫn quản lý sản xuất như một doanh nghiệp mà không thay đổi được như chủ trương cải cách hành chính đã đề ra?

Thiết tưởng trong thời gian tới Chính phủ muốn có khả năng trở thành liêm chính, trong sạch thì cần phải được cấu trúc lại với những quy định về chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, không chồng chéo lẫn nhau, có thẩm quyền giải quyết công việc cụ thể và phải chịu trách nhiệm về kết quả giải quyết của mình. Đó sẽ là một trong những điều kiện để tạo khả năng vượt qua các tồn tại nói trên và thực hiện thành công các mục tiêu xây dựng một Chính phủ liêm chính.

Năng lực cán bộ trong xây dựng Chính phủ liêm chính

Thứ ba, đó là trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức còn nhiều bất cập so với yêu cầu mới. Không nghi ngờ gì rằng chúng ta có nhiều cán bộ rất có ý thức phấn đấu để nâng cao trình độ mọi mặt, trong đó có trình độ chuyên môn của mình và có nhiều cán bộ, công chức trình độ chuyên môn khá tốt. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân của việc chúng ta đang chuyển đổi cơ chế từ bao cấp sang cơ chế thị trường và do yêu cầu hội nhập quốc tế đặt ra cấp bách mà không ít cán bộ tuy không xấu nhưng “hụt hơi” trước nhiệm vụ được giao.

Bằng chứng là nhiều việc, nhất là những việc liên quan đến thủ tục hành chính và quyền lợi của người dân (như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết oan sai chẳng hạn) giải quyết chậm; khả năng xử lý xung đột, trình độ giao tiếp, nhất là giao tiếp quốc tế kém; trình độ tiếp thu công nghệ mới và vận dụng vào thực tế rất yếu, bằng cấp nhiều mà phát minh thì ít… Trong khi đó, công tác bồi dưỡng của chúng ta tuy đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn mang tính hình thức, thể chế áp dụng trong công tác này chậm thay đổi nên không mang lại hiệu quả cần thiết.

Vượt qua rào cản và thách thức đang nói là nhiệm vụ có tính chiến lược để có thể nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý Nhà nước, là tiền đề cần thiết để có thể xây dựng một Chính phủ liêm chính và trong sạch.

Chính phủ mới cần thay đổi tận gốc cơ chế tuyển chọn cán bộ để có một đội ngũ cán bộ có năng lực thực sự, đặc biệt cần đề cao vai trò giám sát của xã hội để làm tốt công tác này.

Thứ tư, là tình trạng ý thức tuân thủ pháp luật không cao của một bộ phận không nhỏ cán bộ, nhân dân ta. Điều này đã có nhiều người nói đến và cũng có nhiều dẫn chứng có thể nêu ra. Cán bộ không gương mẫu thi hành pháp luật thì làm sao trở thành “công bộc” của dân, làm sao dẫn dắt được hành vi của người dân? Và nếu không nâng cao được ý thức tuân thủ pháp luật của người dân thì tất nhiên mọi cố gắng trong hoạt động của Chính phủ sẽ kém tác dụng thực tế.

Một khi ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người dân không tốt, lại được những cán bộ không tốt hỗ trợ thì hệ lụy của nó sẽ rất lớn, pháp luật sẽ bị lợi dụng khi có sơ hở, thậm chí sẽ không có cơ hội được thực hiện đúng, cho dù được Chính phủ quan tâm ban hành kịp thời.

Khắc phục tình trạng này là điều không đơn giản, Chính phủ mới cần nhiều biện pháp cụ thể để tăng cường giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật cho cán bộ và người dân. Khi đã có giải pháp đúng đắn thì phải kiên trì và kiên quyết thực hiện.

Cùng với việc tăng cường giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật cho nhân dân, Chính phủ cần có một cơ chế hữu hiệu để ngăn cản cán bộ lợi dụng chức quyền, trốn tránh hoặc lợi dụng pháp luật để trục lợi cá nhân. Làm cho pháp luật được thực hiện nghiêm túc, được kiểm soát chặt chẽ là tiêu chí của một Chính phủ liêm chính cần phải phấn đấu thực hiện. Đây hiển nhiên là một thách thức vô cùng to lớn trong tình hình hiện nay.

Thách thức cuối cùng theo tôi cần nhấn mạnh ở đây là mặc dù đã được nói rất nhiều, đó chính là mặt trái của cơ chế thị trường đang tác động vào đời sống xã hội nước ta như một quy luật tất yếu vì cơ chế thị trường luôn luôn có hai mặt, tích cực và tiêu cực.

Mặt tính cực của cơ chế này là rõ ràng vì nó khuyến khích sản xuất và lưu thông hàng hóa làm cho xã hội phát triển. Còn mặt tiêu cực của nó cũng rất cụ thể, chủ yếu là cạnh tranh thiếu tổ chức, độc quyền, làm hại môi trường và phân hóa giàu nghèo mãnh liệt, làm sâu sắc thêm những mâu thuẫn xã hội.

Kinh tế thị trường cũng dễ dàng tác động tiêu cực đến nhân cách con người, nhân cách cán bộ, công chức, làm nảy sinh tham nhũng, tội phạm, bạo lực. Cơ chế này kích thích chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, lối sống chạy theo đồng tiền, bất chấp đạo lý…

Những tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường đến nay chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu, trong khi có những mặt trở nên nghiêm trọng, nhất là tình trạng quan liêu, tham nhũng, hối lộ, sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong một số cán bộ có chức, có quyền.

Chúng ta lại chưa hoàn thiện được hệ thống pháp luật để bảo đảm tính đồng bộ theo cơ chế đang nói đến làm cơ sở thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước và dẫn đến nhiều bất cập trong lĩnh vực này. Đây rõ ràng là một thách thức vô cùng to lớn cho Chính phủ hiện nay.

Để xây dựng một Chính phủ liêm chính, trong sạch, muốn hay không thì thách thức này cũng phải vượt qua, dù sẽ vô cùng gian khổ, khó khăn, thậm chí có thể mất mát.

Những suy nghĩ ban đầu của tôi về vấn đề đang được nhiều người quan tâm chắc chắn chưa đầy đủ nhưng xin được trao đổi cùng các nhà quản lý, các nhà chuyên môn với hy vọng góp thêm một tiếng nói cho công cuộc đổi mới việc quản lý đất nước đang được kỳ vọng hiện nay



GS.TSKH. NGUYỄN VĂN THÂM - HỌC VIỆN HÀNH CHÍNH QUỐC GIA
(Theo Tạp chí Tài chính)
 

Trở về

Bài cùng chuyên mục