tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Ồ ạt soạn thảo Nghị định, không thèm đánh giá tác động

  • Cập nhật : 14/06/2016

(Kinh te)

Từ 1/7 tới, các điều kiện kinh doanh trong các thông tư của cấp bộ nếu không được nâng cấp lên thành nghị định của Chính phủ sẽ đương nhiên vô hiệu lực. Chính vì vậy, nhiều dự thảo nghị định được vội vã xây dựng, trình phê duyệt, thậm chí không hề được lấy ý kiến doanh nghiệp. Có tới 44 dự thảo nghị định được thẩm định chỉ trong một tuần.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, các điều kiện kinh doanh trong các thông tư của cấp bộ sẽ đương nhiên hết hiệu lực từ 1/7 tới nếu không được nâng cấp lên thành nghị định của Chính phủ.

Thông tin từ ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cung cấp sáng nay (14/6) cho biết: Do thời hạn gấp nên nhiều nghị định được xây dựng mà không đăng dự thảo trên mạng, không gửi lấy ý kiến doanh nghiệp (DN), không tổ chức hội thảo, không đánh giá tác động, không tổng kết thi hành, không kiểm soát thủ tục hành chính, không bản thuyết minh, không bản giải trình, tiếp thu ý kiến.

Thống kê của VCCI đến ngày 31/5/2016 cho thấy, trong tổng số 49 nghị định thì chỉ có 38 nghị định đã trình Chính phủ, còn 11 nghị định chưa trình. Trong số đó, chỉ có 24 nghị định lấy ý kiến VCCI. Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho biết thông tin "giật mình", đó là Bộ Tư pháp thẩm định 44 nghị định chỉ trong 1 tuần!

ong dau anh tuan, truong ban phap che vcci: "dn khong so dieu kien kinh doanh, dn chi so dieu kien kinh doanh khong minh bach"

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI: "DN không sợ điều kiện kinh doanh, DN chỉ sợ điều kiện kinh doanh không minh bạch"

Trước đó, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Tổ phó Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, ước tính, hiện có khoảng 7.000 điều kiện kinh doanh trong các văn bản dưới nghị định và một nửa trong số đó phải được vô hiệu hóa để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn cho DN và người dân.

Với việc loại bỏ khoảng 3.500 điều kiện kinh doanh trái luật ra khỏi nền kinh tế, DN và người dân hy vọng sẽ có một môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thuận lợi, bình đẳng, không còn điều kiện cho nhũng nhiễu, hạch sách, vòi vĩnh... Tuy vậy, vẫn có "nghìn lẻ một" lý do ban hành các điều kiện kinh doanh được các bộ, ngành, cơ quan soạn thảo đưa ra, muốn đưa vào nghị định.

Ông Đậu Anh Tuấn lấy ví dụ, trong nội dung dự thảo Nghị định kinh doanh mũ bảo hiểm, ngoài việc đưa các quy định của thông tư lên nghị định, dự thảo còn bổ sung thêm nhiều điều kiện kinh doanh khác như có hệ thống phân phối, nhà xưởng, trang thiết bị sản xuất...

Ông Tuấn đặt câu hỏi: "Vì sao nội dung quy định đã đủ mà dự thảo lại bổ sung thêm điều kiện kinh doanh mới? Liệu có cần thiết đăng ký kinh doanh đối với mũ bảo hiểm không, hay chỉ cần bảo đảm chất lượng mũ mà thôi?".

Hay như trong tờ trình Nghị định về đăng ký kinh doanh vận tải biển có trình bày: "Trong thời gian qua, do điều kiện kinh doanh đơn giản, nhiều DN vận tải biển được thành lập với năng lực khai thác tàu của các chủ tàu rất hạn chế, kinh doanh khó khăn, nợ quá hạn kéo dài, thu không bù được các chi phí... dẫn đến việc thua lỗ trầm trọng, tàu bị bắt giữ... dẫn đến phá sản...".

"Do đó, cần thiết phải bổ sung một số điều kiện nhằm nâng cao chất lượng DN kinh doanh vận tải biển và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải biển". Ông Tuấn băn khoăn: "Vì sao nhà nước lại phải lo hộ, nghĩ hộ cho DN trong trường hợp này?".

Có những lý do oái oăm được đưa ra, như tại tờ trình Nghị định về đăng ký kinh doanh kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, ban soạn thảo lấy lý do: "Có sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm giữa các tổ chức cung cấp dịch vụ này (ví dụ: phá giá dịch vụ và không thực hiện đúng quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã công bố áp dụng…)".

Trong khi đó, theo đại diện VCCI, việc DN cạnh tranh, giảm giá dịch vụ là tốt cho người tiêu dùng và Nhà nước chỉ cần xử lý hành vi “không thực hiện đúng quy trình”. Vậy những lý do trên nhằm cố gắng bổ sung thêm điều kiện kinh doanh vào cấp nghị định liệu rằng có chính đáng?

Đi vào những điều kiện cụ thể, ví dụ một số điều kiện kinh doanh về cơ sở vật chất trong dự thảo Nghị định điều kiện kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp phát triển nông thôn có yêu cầu: “Địa điểm cửa hàng là nhà kiên cố, khô ráo, thoáng gió”; “tường, nền phải bằng phẳng, chống thấm, dễ lau chùi”; “đáp ứng các điều kiện về phòng, chống cháy nổ; về bảo vệ môi trường, an toàn, vệ sinh lao động và môi trường lao động của cơ sở theo quy định của pháp luật có liên quan”.

Ông Tuấn cho rằng, trong các điều kiện kinh doanh này, cần bỏ quy định điều kiện về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường trừ khi có đặc thù; bỏ quy định định tính; bỏ các điều kiện đương nhiên phải có và nên thay bằng việc khai báo cơ sở vật chất, sau đó phân loại mức độ rủi ro tương ứng với tần suất thanh tra, kiểm tra.

Theo đánh giá của ông Đậu Anh Tuấn, các điều kiện kinh doanh có thể giúp đạt được các mục tiêu về quốc phòng, an ninh quốc gia; trật tự, an toàn xã hội; đạo đức xã hội; sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, những điều kiện kinh doanh dày đặc đó cũng gây ra các hệ quả mà cơ quan ban hành thường bỏ qua như giảm tính cạnh tranh thị trường, tăng cơ hội độc quyền; tăng khả năng hình thành cartel; giảm tính năng động, sáng tạo, đổi mới của DN; tăng giá, giảm chất lượng, giảm dịch vụ đi kèm dành cho người tiêu dùng; nguy cơ tiêu cực, nhũng nhiễu.

Chính vì vậy, theo ông Tuấn, trong quá trình soạn thảo điều kiện kinh doanh, yêu cầu Ban soạn thảo phải lấy đủ ý kiến của cả các DN lớn và DN nhỏ. Phải tính chi phí đầu vào tối thiểu, khả năng gia nhập thị trường của DN mới; tính xem có bao nhiêu DN đang tồn tại đáp ứng được quy định mới - có như vậy công tác đánh giá tác động mới đi vào thực chất.

"DN không sợ điều kiện kinh doanh, DN chỉ sợ điều kiện kinh doanh không minh bạch", ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Một số DN trong các ý kiến bằng văn bản gửi tới hội thảo tỏ ý rất lo ngại khi các bộ, ngành cấp tập soạn thảo ĐKKD mà không hề lấy ý kiến tác động, thậm chí không đăng lên website, không rà soát như quy định của Luật ban hành văn bản pháp luật sẽ có những điểm không rõ ràng, tiếp tục duy trì những "giấy phép con", những ĐKKD bất hợp lý, gây trở ngại cho sản xuất, kinh doanh, tiếp tục tạo dư địa cho nhũng nhiễu, tiêu cực.

Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thiên An Phúc cho rằng, có những chính sách đã rất vô lý trong các thông tư cũ thì cũng không nên nâng cấp lên trong nghị định mới.

"Ví dụ như qui định buộc một DN nhập khẩu hàng hoá phải có giấy ủy quyền của chính hãng trong Thông tư 20/2011/TT-BTP của Bộ Tư pháp đã trái Luật DN nay lại nâng cấp ban hành ở cấp Nghị định cũng chỉ kéo dài một quy định bất hợp lý, gây khó khăn cho DN", ông Tuấn nêu.

(Theo Dân Trí)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục