Sáng 14/1, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi).
Lúng túng xác định chiến lược kinh doanh thời TPP
- Cập nhật : 06/06/2016
Ê hề thịt bò, thịt gà nhập khẩu từ Australia, Mỹ được bày bán trong các siêu thị hoặc trong các cửa hàng tiện ích. Cũng vô cùng nhiều các loại hoa quả nhập khẩu từ Mỹ, Chile, NewZealand... được bán trên thị trường và được người tiêu dùng Việt Nam hào hứng đón nhận.
Sự xuất hiện ngày càng nhiều các mặt hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu này được cho là đe đọa sự phát triển của ngành sản xuất trong nước. Thuế vẫn còn cao, thịt bò 14-30%, thịt lợn 15-25%, thịt gà 15-40%, các loại thịt khác từ 5% trở lên… mà lượng thịt ngoại nhập vào Việt Nam đã tăng mạnh. Vì thế, nguy cơ còn lớn hơn khi theo các cam kết quốc tế, từ nay đến năm 2018, thuế nhập khẩu thịt lợn trong khối AEC (Cộng đồng Kinh tế ASEAN) chịu thuế 5%, đến năm 2020 sẽ giảm về 0%. Trong khi đó, TPP cũng sẽ đưa hàng rào thuế quan về 0% trong vòng 5-10 năm tới.
.
Không còn hàng rào thuế quan, sản xuất nông nghiệp sẽ gặp khó khi phải cạnh tranh với thịt, rau quả từ các nước xuất khẩu mạnh như Thái Lan, Mỹ, Australia... Thực tế, điều này đã được khẳng định từ lâu, ngay sau khi Việt Nam bắt đầu đàm phán gia nhập TPP. Tuy cơ hội được cho là không ít để Việt Nam mở rộng thị trường, song theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, thách thức cũng không nhỏ. Và một trong những lý do, đó là số doanh nghiệp nông nghiệp mới chỉ chiếm 1% tổng số doanh nghiệp của cả nước và hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng.
“Quy mô như vậy nên rất khó để có sức cạnh tranh. Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam thực sự đang đứng trước đòi hỏi phải phát triển mạnh mẽ, nếu không sẽ khó tồn tại”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.
Vậy doanh nghiệp phải làm thế nào để tồn tại? Làm thế nào để vượt qua thách thức thời TPP? Chọn chiến lược kinh doanh ra sao cho phù hợp?
Chuyện xảy ra tại một doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm nông sản. Hiện doanh nghiệp đang gặp phải sự cạnh tranh rất khốc liệt của các đối thủ ngay trên sân nhà, đặc biệt là các đối thủ ngoại. Các sản phẩm của đối thủ có giá rẻ hơn, chất lượng tốt hơn, nên rất thu hút khách hàng.
Trong khi đó, do công nghệ lạc hậu, quy trình sản xuất chưa đủ tiêu chuẩn, dịch bệnh nhiều, nên các sản phẩm của doanh nghiệp kém xa đối thủ về mọi mặt. Tới đây, khi TPP chính thức có hiệu lực, doanh nghiệp sẽ còn gặp phải sự cạnh tranh lớn hơn đến từ các thành viên TPP. Nguy cơ doanh nghiệp thất thế và rời khỏi thị trường là rất lớn. Trước tình hình này, CEO và các cổ đông đã ngồi lại với nhau để tìm giải pháp.
Các cổ đông cho rằng, với sự cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, doanh nghiệp nên chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu và phân phối thực phẩm nông sản. Tuy nhiên, CEO lại cho rằng, nếu chuyển sang nhập khẩu thì toàn bộ công sức, tiền bạc đầu tư cho lĩnh vực sản xuất coi như mất hết, công ăn việc làm của người lao động sẽ không còn. CEO đề nghị thay vì sản xuất các sản phẩm giống các đối thủ, doanh nghiệp sẽ chuyển sang các sản phẩm đặc trưng chỉ Việt Nam mới có, để cạnh tranh với các đối thủ. Sau đó, tìm cách xuất khẩu ra nước ngoài.
Ý kiến này của CEO gặp phải sự phản đối của các cổ đông. Họ cho rằng, đi theo hướng của CEO thì doanh nghiệp vẫn phải đầu tư cho công nghệ kỹ thuật, quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng. Tất cả những điều này đều vượt quá khả năng của doanh nghiệp. Do đó, chuyển hướng sang nhập khẩu là giải pháp an toàn và hiệu quả nhất.
Hai bên đều nỗ lực bảo vệ quan điểm của mình. Đây là tình huống được đặt ra trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công kỳ này. Tuy nhiên, cũng là thực tế mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt. Theo dõi chương trình, các doanh nghiệp có thể tìm ra câu trả lời cho mình.
(Theo Báo Đầu Tư)