Đổi mới sản xuất, tăng sức cạnh tranh, tuân thủ quy định về sở hữu trí tuệ là những việc mà Bộ trưởng Khoa học & Công nghệ cho rằng doanh nghiệp phải làm trong 2 năm tới, trước khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực.
Tham gia TPP: Giảm thu ngân sách không đáng lo ngại
- Cập nhật : 10/10/2015
(Thuong mai)
Giảm thuế quan có thể khiến luồng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam gia tăng, với giá cả cạnh tranh hơn.
Theo Ủy ban tư vấn về Chính sách thương mại quốc tế (Trung tâm WTO – thuộc VCCI) tham gia FTA nói chung và TPP nói riêng, Việt Nam sẽ phải mở cửa nhanh và mạnh thị trường nội địa của mình cho hàng hóa, dịch vụ từ các nước đối tác.
Ủy ban này cho rằng, bất lợi ở thị trường nội địa khi Việt Nam thực hiện TPP có thể được thể hiện ở các hình thức sau: Giảm nguồn thungân sách từ thuế nhập khẩu và cạnh tranh trong nước gay gắt hơn.
Cái “mất” không quá nghiêm trọng
Việt Nam hiện vẫn còn là thị trường tương đối đóng với nhiều nhóm mặt hàng còn giữ mức thuế ưu đãi đặc biệt khá cao (và với lộ trình mở cửa dài hơi).
Vì thế việc phải cam kết giảm thuế đối với phần lớn các nhóm mặt hàng từ các nước đối tác TPP dự kiến sẽ gây ra 2 bất lợi trực tiếp, bao gồm:
Thứ nhất, việc giảm thu ngân sách từ thuế nhập khẩu sau khi thực hiện TPP là hệ quả chắc chắn và trực tiếp.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, lượng thất thu từ thuế nhập khẩu của Việt Nam từ các đối tác TPP không thật sự lớn so với hiện trạng (do phần lớn các đối tác trong TPP đã có FTA với Việt Nam và do đó chúng ta đã và sẽ phải cắt giảm thuế theo các FTA này mà không phải chờ đến TPP).
Và do đó tác động bất lợi này không phải là quá nghiêm trọng - Ủy ban tư vấn về Chính sách thương mại quốc tế kết luận vấn đề này.
Thứ hai, giảm thuế quan có thể khiến luồng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam gia tăng, với giá cả cạnh tranh hơn.
Hệ quả tất yếu là thị phần hàng hóa liên quan tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Đây là thực tế đã từng xảy ra khi chúng ta thực hiện các FTA đã ký mà đặc biệt là ACFTA với Trung Quốc.
Nguy cơ này đặc biệt nguy hiểm đối với nhóm hàng nông sản, vốn gắn liền với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong hội nhập là nông dân và nông thôn.
Tuy vậy, các ý kiến lạc quan lại cho rằng trong trường hợp cụ thể của TPP, cái “mất” này có thể không phải là quá nghiêm trọng, ví dụ với đối tác Hoa Kỳ, hàng hóa của Hoa Kỳ có phân khúc và khách hàng khác với hàng hóa tương tự của Việt Nam, vì vậy đối với một số ngành, cạnh tranh đến từ hàng hóa Hoa Kỳ sẽ không quá nguy hiểm.
Theo cách hiểu này, thị phần nội địa có thể sẽ bị phân chia lại sau TPP, nhưng là giữa các đối thủ Hoa Kỳ với những đối thủ nước ngoài khác trên thị trường Việt Nam chứ không phải là với các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, cạnh tranh trong thị trường hàng hóa nội địa cũng là sức ép tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tự thích nghi, điều chỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình
Bất lợi từ việc mở cửa các thị trường dịch vụ
Theo nghiên cứu của Ủy ban tư vấn về Chính sách thương mại quốc tế, dịch vụ là mảng hoạt động thương mại mà mức độ mở cửa thị trường của Việt Nam là hạn chế và dè dặt nhất.
Đây cũng chính là điểm được suy đoán là sẽ tạo ra bất lợi lớn cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia TPP.
Với TPP, sự tham gia mạnh mẽ và tự do hơn của các nhà cung cấp có tiềm lực lớn, có kinh nghiệm lâu năm, có ưu thế về dịch vụ trên thế giới (đặc biệt là các nhà cung cấp dịch vụ Hoa Kỳ) có thể khiến cho các đơn vị cung cấp dịch vụ của Việt Nam gặp khó khăn nghiêm trọng.
Tuy nhiên, theo Ủy ban này thì kịch bản thực tế có thể không toàn bất lợi như vậy.
Cụ thể, cạnh tranh có thể là động lực để các doanh nghiệp tự đổi mới và nâng cao năng lực để phát triển tốt hơn. Cạnh tranh cũng giúp xóa những đơn vị sản xuất yếu kém, không thích hợp với tình hình mới (đây cũng là điều nên xảy ra, dù rằng Việt Nam chưa quen với tình trạng phá sản của các doanh nghiệp yếu kém).
Ngoài ra, không thể không nhắc tới những khả năng hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và đối tác từ TPP để cùng phát triển.
Mở cửa thị trường cũng là cơ hội để thu hút đầu tư vào các ngành dịch vụ, đặc biệt các ngành cần vốn và công nghệ quản lý cao. Đây có thể là cơ sở để phát triển nhiều ngành dịch vụ ở Việt Nam trong tương lai.