TP HCM vừa đề xuất thành lập một đặc khu kinh tế. Nhưng câu chuyện đặt ra là có cần thiết hay không, nhất là khi cho tới nay, chủ trương thành lập 3 đặc khu kinh tế ở Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) vẫn chưa có những tiến triển nào đáng kể?
“TPP sẽ giúp cuộc sống chúng ta thịnh vượng hơn”
- Cập nhật : 08/10/2015
(Thuong mai)
Ngày 6-10, lãnh đạo nhiều quốc gia lên tiếng ca ngợi Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thị trường quốc tế cũng phản ứng rất tích cực.
Theo AFP, thông tin đàm phán TPP chính thức hoàn tất kích thích đà tăng của thị trường chứng khoán châu Á. Giá cổ phiếu tại Tokyo (Nhật) tăng 1,49%, Sydney (Úc) 0,7%, Seoul (0,55%), Hong Kong 0,28%... Chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương MSCI (trừ Nhật) nhích 0,9%.
Ở Tokyo, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ca ngợi TPP sẽ mở ra “một thế kỷ mới” cho châu Á. “Một khu vực kinh tế khổng lồ sẽ xuất hiện. TPP sẽ giúp cuộc sống của chúng ta trở nên thịnh vượng hơn".
"Thỏa thuận này sẽ giúp tăng cường sức mạnh luật pháp trong các lĩnh vực kinh tế bằng việc thiết lập một hệ thống kinh tế quốc tế mở, tự do và công bằng” - ông Abe nhấn mạnh.
Mở rộng thương mại, đầu tư
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, không được mời tham gia TPP. Dù vậy Thủ tướng Abe bày tỏ hi vọng Bắc Kinh sẽ tham gia vào TPP trong tương lai và điều đó sẽ có lợi cho sự ổn định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Malaysia Mustapa Mohamed khẳng định thông qua TPP, Kuala Lumpur sẽ mở rộng các hoạt động thương mại và đầu tư, giúp đất nước xử lý các thách thức của nền kinh tế toàn cầu.
Ông Mohamed cho biết TPP giúp Malaysia tiếp cận sâu hơn với các thị trường lớn như Mỹ, Canada, Mexico và Peru, đồng thời thúc đẩy nhiều mặt hàng xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á như dầu cọ, cao su, hàng điện tử…
Tại Úc, Thủ tướng Malcolm Turbull mô tả TPP là “cơ hội khổng lồ” đối với các doanh nghiệp, nông dân, nhà sản xuất… tại châu Á - Thái Bình Dương. “Một thỏa thuận như vậy sẽ đem lại lợi ích to lớn cho tất cả chúng ta. Đây là hòn đá tảng khổng lồ của một tương lai thịnh vượng” - ông Turnbull lạc quan.
Bộ trưởng Thương mại Úc Andrew Robb đánh giá TPP sẽ giúp nền kinh tế đang phụ thuộc vào tài nguyên của Úc trở nên cạnh tranh hơn, tạo nhiều công ăn việc làm hơn và giúp tăng mức sống của người dân.
Tăng cường quan hệ chiến lược
Quốc gia láng giềng của Úc là New Zealand cũng bày tỏ sự lạc quan và hi vọng với TPP. Thủ tướng John Key cho rằng TPP đồng nghĩa với việc người dân nước này sẽ có thêm nhiều việc làm, thu nhập cao hơn và đời sống tốt hơn. Ông ước tính TPP sẽ bơm vào nền kinh tế New Zealand ít nhất 1,8 tỷ USD mỗi năm.
Từ Mỹ, Tổng thống Barack Obama ca ngợi TPP “tăng cường quan hệ chiến lược với các đối tác và đồng minh trong khu vực đóng vai trò rất quan trọng với thế kỷ 21”.
“Với hơn 95% khách hàng tiềm năng của nền kinh tế Mỹ sống ngoài lãnh thổ của chúng ta, chúng ta không thể để cho Trung Quốc viết các quy định kinh tế toàn cầu” - ông Obama nhấn mạnh.
Giới quan sát nhận định với TPP, ông Obama có thể tăng cường sức mạnh của chiến lược “tái cân bằng” châu Á. AFP dẫn lời chuyên gia Douglas Paal thuộc Tổ chức Carnegie Endowment for International Peace bình luận TPP sẽ giúp Mỹ thắt chặt vị thế ở châu Á - Thái Bình Dương, tăng cường quan hệ với các nước khu vực.
Thủ tướng Canada Stephen Harper gọi TPP là thỏa thuận lịch sử và tin tưởng nó sẽ mở cửa thêm thị trường Nhật cho hàng hóa nông sản và tài nguyên từ Canada. “TPP là thỏa thuận mang tính chuyển đổi. Tầm quan trọng của các quy định thương mại thế kỷ 21 là rất lớn” - Bộ trưởng Thương mại Canada Ed Fast đánh giá.
Vẫn còn khó khăn trước mắt
Chính phủ các nước sẽ phải chính thức ký kết TPP. Sau đó, quốc hội từng quốc gia thành viên còn phải tiến hành phê chuẩn TPP theo quy trình riêng.
Các quá trình này có thể sẽ kéo dài nhiều tháng. Đây sẽ là vấn đề đặc biệt khó khăn ở Mỹ. Nhiều thành viên Quốc hội Mỹ đã lên tiếng phản đối và nghi ngờ TPP như Thượng nghị sĩ Orrin Hatch của Đảng Cộng hòa hay Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của Đảng Dân chủ.
Theo Guardian, các quan chức Nhà Trắng bắt đầu công việc vận động các nghị sĩ Quốc hội ủng hộ TPP. Theo ước tính của Viện Cato, nhiều khả năng đến tháng 6-2016 Mỹ mới hoàn tất việc phê chuẩn TPP.