tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Chủ động tham gia "cuộc chơi" TPP một cách sòng phẳng

  • Cập nhật : 01/09/2015

(Tin kinh te)

Tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Ha-oai (Hoa Kỳ) mới đây vẫn rơi vào bế tắc, chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng như kỳ vọng ban đầu. Đại diện 12 quốc gia sẽ tiếp tục đàm phán song phương, nhằm tháo gỡ những rào cản then chốt còn lại về vấn đề tiếp cận thị trường.

Tuy nhiên, ở trong nước, các doanh nghiệp (DN) đã chuẩn bị tâm thế để tham gia "cuộc chơi lớn" một cách sòng phẳng, không chờ đến khi hiệp định ký kết, vì TPP không phải "con đường chỉ toàn hoa hồng".
 

voi nganh giay dep cua viet nam, viec xuat khau, don hang nhieu, cho nen dn khong phai lo lang van de dau ra. nguon: tapchithoitrangtre.com.vn

Với ngành giày dép của Việt Nam, việc xuất khẩu, đơn hàng nhiều, cho nên DN không phải lo lắng vấn đề đầu ra. Nguồn: tapchithoitrangtre.com.vn

Không dễ nắm bắt cơ hội

Mang kỳ vọng TPP sớm được ký kết, Giám đốc nhân sự - hành chính (Công ty TNHH một thành viên may mặc Bình Dương) Nguyễn Hồng Anh cho biết, tổng doanh thu của công ty trong năm 2014 đạt gần 1.300 tỷ đồng, trong đó, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Hoa Kỳ và Đức (riêng thị trường Hoa Kỳ chiếm khoảng 70% doanh thu).

Chính vì vậy, khi tham gia TPP sẽ đem lại nhiều cơ hội cho DN, trong đó rõ nhất là việc cắt giảm thuế nhập khẩu. Hiện, thuế suất nhập khẩu bình quân áp dụng đối với hàng dệt may Việt Nam sang Hoa Kỳ khoảng 17% đến 18%, các mức thuế này sẽ giảm dần về 0% theo lộ trình khi TPP được ký kết.

"Mặc dù đàm phán TPP chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng, nhưng cần hiểu rõ khi tham gia TPP, vấn đề không chỉ dừng ở việc xóa bỏ thuế quan. Và khi thuế suất về 0%, không riêng gì ngành dệt may được hưởng ưu đãi này mà nhiều nhóm ngành khác cũng đều được hưởng, do vậy TPP sẽ đem lại cơ hội cho rất nhiều DN, không riêng gì dệt may" - Giám đốc Nguyễn Hồng Anh nói.

Trong bối cảnh nhiều DN Việt Nam vẫn đang phải vật lộn vượt khó khăn, thách thức ở cả thị trường trong nước lẫn ngoài nước, việc DN trông đợi Hiệp định TPP cũng là điều dễ hiểu. TPP với những lợi thế hơn hẳn về thuế quan ưu đãi sẽ giúp DN Việt Nam tiếp cận thị trường các nước đối tác TPP, trong đó có những đối tác đặc biệt lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a... Các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam cũng đang đặt nhiều kỳ vọng vào TPP. Tổng Giám đốc Công ty

TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam Uây-nơ Bê-xan cho rằng, Việt Nam tham gia TPP, cũng như WTO và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác sẽ đem đến nhiều lợi ích cho các nhà đầu tư. Việc mở cửa thị trường tài chính tạo cơ hội cho sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư vào thị trường trong nước, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, Việt Nam có thể thu hút đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực dịch vụ tài chính, gia tăng đầu tư gián tiếp nước ngoài thông qua thị trường vốn, chứng khoán. Cơ chế minh bạch hóa trong TPP cũng giúp xây dựng một môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, công khai, ổn định và dễ dự đoán. Từ đó giúp các DN nước ngoài thuận lợi trong việc tiếp cận thông tin, yên tâm đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

Không thể phủ nhận cơ hội rất lớn từ TPP, nhưng phần lớn DN đều nhận thức rằng, nắm bắt, tranh thủ những cơ hội này không hề dễ dàng.

Đại diện một DN dệt may cho biết, DN muốn được hưởng thuế suất ưu đãi không hề đơn giản. Theo quy định, bắt buộc các sản phẩm dệt may phải đáp ứng về quy tắc xuất xứ.

Chẳng hạn, quy tắc xuất xứ hàng dệt may trong TPP dựa trên nền tảng "từ sợi trở đi" (các khâu sản xuất sợi, vải và may đều phải nằm trong các nước TPP, sản phẩm may mặc cuối cùng mới được hưởng ưu đãi thuế quan).

Nếu không chủ động được nguồn vải - sợi tại Việt Nam hoặc trong nội khối TPP, chẳng những DN khó tận dụng cơ hội mà còn phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức như khách hàng có thể chuyển dịch đơn hàng sang những DN có thế mạnh, chủ động được nguồn hàng; bị ép giảm giá gia công,... khiến cho DN bị giảm lãi, thậm chí bị lỗ.

Do vậy, bên cạnh thuận lợi như có nhiều đơn hàng, đối tác tiềm năng hơn nhưng DN lại phải đối mặt thách thức khi lợi nhuận giảm, áp lực cạnh tranh cao, nhất là cạnh tranh về tiền lương, người lao động,... Ngành da - giày cũng trong tình trạng tương tự.

Chủ tịch Hiệp hội da - giày Bình Dương kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nam Bình Nguyễn Quang Vũ khẳng định, TPP nói riêng và các hiệp định kinh tế nói chung đặt ra thách thức đối với DN trong nước rất lớn. Ngành giày dép trong nước hiện phần lớn vẫn dừng ở giai đoạn gia công, "bán sức lao động" là chính. Khi gia nhập TPP, nếu muốn hưởng lợi thế, tất cả những nguyên, phụ liệu sản xuất phải ở trong nước hoặc trong khối.

Từ thực tế này, nhiều DN nước ngoài có tiềm lực mạnh mẽ trong ngành giày dép sẽ đầu tư nhà máy lớn để hưởng lợi thế TPP và bao trùm từ khâu sản xuất đến cung cấp nguyên, phụ liệu. Do đó, tham gia TPP, thách thức sẽ nhiều hơn với DN giày da trong nước vì nguyên, phụ liệu và công nghiệp hỗ trợ cho ngành này quá thiếu và lệ thuộc lớn vào Hàn Quốc, Trung Quốc,...

Hành động ngay từ bây giờ

Rõ ràng, cơ hội từ TPP rất lớn nhưng theo đó là những thách thức không hề nhỏ, DN phải chủ động "xắn tay hành động" ngay từ bây giờ để đón đầu các cơ hội cũng như vượt qua những thách thức này.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, để tận dụng những cơ hội thuế quan của các FTA, trong đó có TPP, vấn đề không chỉ là tiếp cận các khách hàng, mở rộng/thay đổi thị trường để hướng vào các đối tác TPP có ưu đãi thuế quan, mà còn phải tổ chức lại sản xuất, từ nguồn thu mua nguyên liệu cho đến phương thức sản xuất, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất xứ để hưởng lợi ích thuế quan và bảo đảm các yêu cầu về chất lượng, phát triển bền vững thị trường.

Đối với các DN, sự chuẩn bị về tinh thần, về thái độ chủ động, sẵn sàng và dũng cảm cho một cuộc cạnh tranh sòng phẳng là điều quyết định nhất cho hành trang tham gia TPP sắp tới và việc này phải được bắt đầu ngay, DN không thể chờ cho đến khi TPP có hiệu lực mới bắt đầu.

Chủ tịch Hiệp hội da - giày Bình Dương Nguyễn Quang Vũ chia sẻ, DN cần nhìn nhận thấu đáo và có giải pháp chuẩn bị, có thể nhiều DN sẽ liên kết, hợp tác để trở thành DN lớn hoặc vừa, nếu riêng lẻ sẽ gặp khó trong cuộc cạnh tranh này. Đồng thời, DN cần có chiến lược xây dựng thương hiệu riêng cho mình và phát triển tốt thị trường nội địa trước làn sóng đầu tư sản xuất và phân phối sản phẩm tại thị trường Việt Nam của các "ông lớn" đa quốc gia.

Với ngành giày dép của Việt Nam, việc xuất khẩu, đơn hàng nhiều, cho nên DN không phải lo lắng vấn đề đầu ra. Song, riêng thị trường nội địa, với hơn 90 triệu dân và bình quân mỗi năm người dân sử dụng hai đôi giày và dép, đây là thị trường rất hấp dẫn.

Tuy nhiên, điểm yếu của DN trong nước hiện nay ở khâu phân phối, phần lớn DN chủ yếu phân phối theo lối truyền thống, chỉ có cửa hàng nhỏ lẻ, chưa đầu tư cửa hàng phân phối chuyên biệt, trừ một số thương hiệu lớn. Trong khi đó, nạn hàng giả, hàng nhái diễn biến phức tạp, đe dọa sản xuất trong nước.

Đáng lo hơn, trong khâu sản xuất, công nghiệp hỗ trợ nói chung và nguyên phụ liệu cho ngành giày dép của DN trong nước là vấn đề nan giải. Do đó, để có thể cạnh tranh, DN cần phải đẩy mạnh đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, nâng cao năng lực quản trị, nguồn nhân lực, mở rộng hoạt động sản xuất,... Có như vậy, mới nâng cao được năng lực cạnh tranh và đón nhận những cơ hội khi tham gia TPP trong thời gian tới.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, DN đang rất mong chờ sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan trong việc cung cấp thông tin về TPP, lưu ý quá trình chuẩn bị trước khi thực thi. Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế, nâng cao năng lực của bộ máy nhà nước là một thách thức và đòi hỏi cấp bách hiện nay để đáp ứng yêu cầu phát triển và thực thi các FTA mới, trong đó có TPP.

Việc thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cần được đẩy mạnh để DN và nền kinh tế có thể tận dụng tốt các cơ hội của hội nhập quốc tế. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận: "TPP là cơ hội lớn.

Nhưng cơ hội đó không đồng nghĩa cứ ngồi chờ nó tự khắc đến. TPP hay FTA bản chất đều là tự do hóa thị trường. Chúng ta phải có một luật chơi, một cách chơi hoàn toàn thị trường, vì thế phải chủ động cải cách thể chế, không đợi bên ngoài bắt mình cải cách, như vậy là thất bại".

DN nhà nước phải là DN đầu tiên tiến hành cải cách, bộ máy nhà nước, chức năng quản lý nhà nước, công cụ quản lý nhà nước, năng lực quản lý nhà nước cũng đều phải thay đổi theo hướng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN để cùng đi một hướng, cạnh tranh sòng phẳng đối với bên ngoài. Điều cần làm hiện nay là chủ động cải cách bên trong để tận dụng cơ hội, đem lại lợi ích cho quốc gia và DN Việt Nam.

(Theo Tạp chí Tài Chính)

Trở về

Bài cùng chuyên mục