Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mang lại luồng gió mới cho Việt Nam, buộc chúng ta phải đổi mới, cải tổ mạnh mẽ từ thể chế, kinh tế, luật pháp đến hệ thống doanh nghiệp.
Việt Nam cam kết đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn Hiệp định TPP
- Cập nhật : 10/10/2015
(Thuong mai)
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định, trong quá trình chuẩn bị cho việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy nhanh quá trình chuẩn bị trong nước, tăng cường phổ biến kiến thức và nâng cao năng lực cho các địa phương, doanh nghiệp để thực hiện nghiêm túc cam kết cũng như tận dụng hiệu quả lợi ích của TPP.
Ngày 5/10/2015 (theo giờ Việt Nam), tại Atlanta Hoa Kỳ Hội nghị Bộ trưởng Thương mại các nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận cuối cùng, kết thúc đàm phán Hiệp định TPP của 12 nước thành viên.
TPP được đánh giá là một Hiệp định toàn diện, tiêu chuẩn cao và là thỏa thuận mang tính cân bằng. Hiệp định TPP bao gồm 30 Chương, cam kết mở cửa trên 20 lĩnh vực khác nhau với phạm vi và mức độ cam kết sâu rộng hơn so với các Hiệp định FTA thông thường mà Việt Nam đã ký kết. Ngoài cam kết về tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ như các FTAs khác, TPP yêu cầu các nước cam kết trên nhiều lĩnh vực mới như mua sắm chính phủ, lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước …
Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy nhanh quá trình chuẩn bị trong nước để chuẩn bị cho việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc kết thúc tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết: “Việt Nam vui mừng và đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực vượt bậc, cũng như sự linh hoạt, sáng tạo của các quốc gia thành viên trong việc hoàn tất TPP cân bằng, toàn diện, tiêu chuẩn cao".
Theo ông Lê Hải Bình, cùng với các cơ chế hợp tác, liên kết hiện có khác như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP)…, việc hoàn tất Hiệp định TPP là dấu mốc quan trọng, góp phần thúc đẩy xu thế liên kết đa tầng nấc cũng như duy trì môi trường hòa bình, ổn định và sự phát triển năng động của Châu Á – Thái Bình Dương.
"TPP sẽ giúp Việt Nam mở rộng tiềm năng hợp tác và làm sâu sắc quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác hàng đầu thế giới và khu vực, đồng thời góp phần đa dạng hóa thị trường, nguồn cung nguyên phụ liệu và giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng sản xuất khu vực, toàn cầu", ông Bình nói.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng khẳng định, trong quá trình chuẩn bị cho việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy nhanh quá trình chuẩn bị trong nước, tăng cường phổ biến kiến thức và nâng cao năng lực cho các địa phương, doanh nghiệp để thực hiện nghiêm túc cam kết cũng như tận dụng hiệu quả lợi ích của TPP.
Đánh giá về các tác động của TPP tới Việt Nam, Bộ Tài chính cũng vừa phát đi thông điệp khẳng định, đạt được Thỏa thuận TPP được coi là thành công của tất cả các nước thành viên và việc tham gia Hiệp định TPP có vai trò rất quan trọng với Việt Nam.
Bộ Tài chính dẫn số liệu năm 2014 cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước TPP vào khoảng 89 tỷ USD, trong đó xuất khẩu vào khoảng 57 tỷ USD, chiếm gần 40% tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Việt Nam hiện đang xuất siêu sang các nước TPP vào khoảng 25 tỷ USD, chủ yếu là thị trường Hoa Kỳ.
"TPP được kỳ vọng sẽ đem đến nhiều cơ hội cho Việt Nam trong việc gia tăng sản xuất, đầu tư và đẩy mạnh xuất khẩu trong các lĩnh vực Việt Nam có lợi thế như dệt may, giầy dép, thủy sản, điện tử và các sản phẩm nông sản nhiệt đới. Hoa Kỳ hiện đang áp dụng thuế suất cao đối với nhiều nhóm mặt hàng dệt may và giầy dép, như vậy việc Hoa Kỳ cam kết xóa bỏ 100% thuế nhập khẩu trong TPP theo lộ trình thì ngành dệt may và giày dép của Việt Nam được kỳ vọng được hưởng nhiều lợi ích. TPP cũng là cơ hội để Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất khu vực và toàn cầu", Bộ Tài chính khẳng định.
Theo cơ quan này, việc đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ, như quy tắc “từ sợi trở đi” đối với ngành dệt may của TPP, được xem là cơ hội để các ngành sản xuất của Việt Nam thu hút đầu tư trong việc phát triển công nghệ nguồn, chế biến sâu và chuỗi giá trị gia tăng, đáp ứng hàm lượng và tiêu chuẩn xuất xứ để đủ điều kiện được hưởng ưu đãi từ các cam kết mở cửa thị trường của các nước thành viên TPP.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà TPP đem lại, các ngành hàng trong nước cũng đối mặt với nhiều thách thức, cạnh tranh từ các nước thành viên TPP khi các sản phẩm cùng loại với chất lượng cao hơn, giá thành cạnh tranh hơn như: thịt gà, thịt lợn, thịt bò, ngô, đậu tương hoặc các ngành công nghiệp như ô tô, máy móc thiết bị…
Ngoài ra, TPP cũng đặt ra các yêu cầu về minh bạch hóa thông tin, về xây dựng khuôn khổ pháp lý theo các tiêu chuẩn cao hơn. Đây sẽ là thách thức, đồng thời là động lực để các nước thành viên hoàn thiện pháp luật trong nước để hội nhập sân chơi chung, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và thuận lợi, thu hút đầu tư.