Ngành công nghiệp VN không phát triển được, thậm chí tụt hậu là do có những chủ trương được bàn luận quá lâu.
Tác động của TPP đến doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hội nhập
- Cập nhật : 09/04/2016
(Tin kinh te)
Ngoài các nội dung như mở cửa thị trường hàng hóa, tự do hóa lĩnh vực đầu tư, dịch vụ, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) còn đề cập tới nhiều vấn đề mới như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước... Hiệp định TPP được dự báo sẽ tác động mạnh đến toàn bộ thể chế kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam.
Tác động của TPP đến các doanh nghiệp Việt Nam
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được khởi động từ năm 2005 và đến nay có 12 nước tham gia. TPP không phải là hiệp định thương mại tự do đầu tiên mà Việt Nam tham gia. Tuy nhiên, với thị trường hơn 800 triệu dân, chiếm 40% GDP thế giới, lưu lượng giao dịch hàng hóa chiếm 30% thương mại toàn cầu… TPP sẽ có tác động lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trong nước trong tương lai gần.
Công cụ lớn nhất mà TPP sử dụng để thúc đẩy trao đổi hàng hóa là những ưu đãi miễn giảm thuế mà các nước cam kết sẽ dành cho nhau. Bằng cách dỡ bỏ hoặc cắt giảm 18.000 hàng rào thuế quan đối với các sản phẩm công nghiệp cũng như nông nghiệp, TPP sẽ giúp các DN Việt Nam tiếp cận rộng hơn với các thị trường lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản, từ đó, sẽ đẩy mạnh xuất khẩu một số nhóm sản phẩm lớn mà DN Việt Nam có lợi thế so sánh như dệt may và may mặc, thủy hải sản, nông sản và lâm sản.
Để được hưởng ưu đãi thuế quan trong TPP, hàng hóa sản xuất phải đáp ứng các quy tắc về xuất xứ. Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho các DN phải thiết lập được nguồn cung nguyên liệu mới, điều chỉnh dây chuyền sản xuất để đáp ứng yêu cầu quy tắc cũng như tìm kiếm khách hàng tại hiệp định TPP.
Ngành dệt may được đánh giá là ngành hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia vào TPP. Hiệp định được ký kết sẽ có thị trường rộng hơn và mức độ giảm thuế về 0% nhanh hơn. Đây là cơ hội lớn để ngành dệt may đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, năng lực tự sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu còn hạn chế, ngành xuất khẩu hàng may mặc và da giầy của DN Việt Nam đang phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc (nước không tham gia TPP). Vì thế, Việt Nam khó có thể đáp ứng được yêu cầu quy tắc xuất xứ hàng hóa trong TPP. Năm 2014, nhập khẩu nguyên liệu cho ngành may mặc và da giầy của Việt Nam là 4,69 tỷ USD, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc 32,9%; Hàn Quốc 16,97%; EU 5,8%.
Trong khi các đối tác trong TPP (Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc) chỉ chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn, tương ứng là 4,76%; 5,59% và 0,87%. Nếu vượt qua và đáp ứng được quy tắc, các DN Việt Nam sẽ sớm thoát khỏi thực trạng là DN gia công đơn giản, đồng thời thúc đẩy các DN của ngành công nghiệp phụ trợ phát triển. Vì vậy, các DN cần tự chủ về nguồn nguyên liệu, phụ liệu nhằm tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ đầu vào.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm đang là vấn đề được các DN quan tâm, khi Việt Nam tham gia TPP sẽ tạo điều kiện để các DN mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa. Trong quan hệ thương mại với các nước TPP, Việt Nam ở vị thế xuất siêu khá lớn, xuất siêu tới 7/11 thị trường của TPP. Năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam vào các thành viên TPP đạt 58,41 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong đó, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu của đất nước này.
Điều quan trọng nhất là, thuế nhập khẩu nhiều loại hàng hóa sẽ được giảm xuống 0%, là cú huých mạnh cho xuất khẩu, tác động tích cực đến thu nhập của người dân, cải thiện sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, nâng cao kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, mặc dù xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhưng cơ cấu hàng xuất khẩu chưa mang tính hiệu quả, chủ yếu xuất khẩu hàng có công nghệ thấp, sử dụng lao động nhiều như hàng may mặc, giày dép, đồ nội thất... Ngoài ra, xuất khẩu chủ yếu nguyên liệu thô, chưa qua sơ chế hoặc gia công đã khiến việc cạnh tranh về giá cả, chất lượng, giá trị tăng thêm của hàng hóa… trở nên yếu.
Nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ mở cửa thị trường và sức ép của hàng nhập khẩu, các DN Việt Nam, trước tiên cần chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan về hiệp định thông qua việc tích cực tham gia hơn nữa vào quá trình tham vấn với Đoàn đàm phán thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các nhà đàm phán, các học giả để có thể nắm bắt thông tin về Hiệp định, về các cam kết cụ thể trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của mình, từ đó có những biện pháp tận dụng các cơ hội do Hiệp định TPP mang lại.
Bên cạnh đó, các DN cần củng cố, đào tạo, nâng cao trình độ và tay nghề đội ngũ nhân lực, đề ra các mục tiêu và phương thức hướng hoạt động của DN phù hợp với các đòi hỏi của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, các DN cũng cần tận dụng cơ hội hợp tác với các DN nước ngoài nhằm tranh thủ lợi thế về vốn, nhân lực và kỹ thuật của các đối tác.
Báo cáo tác động của TPP do Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR) công bố mới đây đánh giá rằng khi tham gia và TPP, đầu tư nước ngoài được dự đoán sẽ tăng khoảng 13 tỷ USD, mức tăng gần bằng thu hút FDI vào Nhật Bản, gấp đôi mức tăng FDI vào Australia, Malaysia…
Tính đến nay, đầu tư trực tiếp của các nước TPP vào Việt Nam đạt hơn 100 tỷ USD vốn đăng ký của những dự án còn hiệu lực, chiếm gần 40% tổng lượng vốn FDI của Việt Nam. Mức tăng đầu tư sẽ giúp thúc đẩy sự hình thành vốn cố định và tạo cơ hội cho DN Việt Nam khai thác các lợi thế tiềm năng về nông nghiệp. Gia nhập TPP sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư, hợp tác với các nước nhằm giúp DN hiện đại hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu. TPP quy định các hàng hóa Việt Nam phải sử dụng nguyên liệu tự sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các thành viên TPP. Điều này thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như mở rộng quy mô sản xuất của các DN Việt Nam.
Các giải pháp đề xuất
Các DN Việt Nam cũng sẽ gặp phải thách thức cạnh tranh, có thể dẫn tới phá sản và tình trạng thất nghiệp ở các DN có năng lực cạnh tranh yếu, không được chuẩn bị kỹ cho hội nhập. Hơn nữa, việc giảm thuế quan có thể khiến luồng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam gia tăng, với giá cả cạnh tranh hơn. Thị phần hàng hóa liên quan tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Sản phẩm nông nghiệp, DN và nông dân Việt Nam đứng trước sự cạnh tranh gay gắt, nhất là các hàng nông sản và nông dân là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong hội nhập. Vì vậy, yêu cầu trong xu thế mới đó là phải chuyên nghiệp trong công tác quản trị DN, quay lại những yếu tố kinh doanh cốt lõi, những mặt hàng có thế mạnh thực sự, cũng cố yếu tố nền tảng…
TPP là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao trên cơ sở cân bằng lợi ích và lưu ý tới trình độ phát triển khác nhau giữa các nước tham gia Hiệp định, đồng thời kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại tất cả các nước TPP; tạo việc làm, giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân, thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh, thúc đẩy minh bạch hàng hóa, quản trị tốt, đồng thời củng cố các tiêu chuẩn về lao động và môi trường. Để hội nhập TPP phải nắm vững thông tin, yêu cầu từ hiệp định, từ đó phân tích những tác động đối với DN nhằm đưa ra giải pháp phát triển hợp lý. Thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách thể chế, giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh.
Các hiệp hội DN cần có các chương trình hỗ trợ cho khu vực DN nhỏ và vừa trong quá trình hội nhập. DN cần tập trung vào những thị trường có ưu đãi thuế quan tại vì những thị trường đó chúng ta có lợi nhất, đồng thời là phải tìm được đối tác bạn hàng từ những thị trường đó hướng đến thị trường có ưu đãi thuế quan, tổ chức lại sản xuất kinh doanh vì điều kiện thâm nhập vào các thị trường bao giờ cũng kèm theo những điều kiện về xuất xứ và có những rào cản về thu nhập vượt qua được các rào cản. Vì vậy, quá trình tổ chức sản xuất phải được tổ chức lại để đáp ứng yêu cầu này.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Công Thương, 2015;
2. Website: http://finance.vietstock.vn/du-lieu-vi-mo/48/xuat-khau.htm;
3. Tổng cục Thống kê, 2012 và 2015.
THS. TRẦN THỊ TUYẾT NGA - CAO ĐẲNG KINH TẾ - KẾ HOẠCH ĐÀ NẴNG
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 3/2016
Nguồn:tapchitaichinh.vn