Đây là nhận định của Giáo sư, tiến sĩ kinh tế địa lý Javier Revilla Diez, thuộc Viện nghiên cứu Institute of Geography Global South Studies Center (ĐH Cologne, Đức). Ông cho rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò là cỗ máy tăng trưởng chính của nền kinh tế.
Cơ hội cho chất lượng tăng trưởng nhỏ bé
- Cập nhật : 22/04/2016
(Tin kinh te)
Cơ hội cho chất lượng tăng trưởng thì còn khá nhỏ bé và thách thức cho tăng trưởng cả về số lượng lẫn chất lượng rất cao.
Những động năng cho tăng trưởng kinh tế về mặt số lượng là rất lớn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng dần từ năm 2012 đến nay trong khi chỉ số lạm phát lại trái chiều giảm mạnh cho thấy nền kinh tế đang ngày một ổn định với tốc độ tăng trưởng cao hơn. Cùng với đó là những kỳ vọng sẽ có dòng đầu tư lớn hơn, thương mại mở rộng và nguồn lực phân bổ hiệu quả từ hiệu ứng việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới.
Tuy nhiên, cơ hội cho chất lượng tăng trưởng thì còn khá nhỏ bé và thách thức cho tăng trưởng cả về số lượng lẫn chất lượng rất cao. “Điều này bắt nguồn từ những yếu kém tồn đọng trong nền kinh tế và sự chuẩn bị về mặt nền tảng cho quá trình hội nhập còn nhiều vấn đề”, đó là kết quả mà Vietnam Report cùng các cộng sự như GS. TSKH Nguyễn Quang Thái và TS.Phạm Sỹ An – Viện Kinh tế Việt Nam đã chỉ ra trong Báo cáo tăng trưởng và triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2016.
Triển vọng thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế là cơ sở tăng thêm niềm tin và kỳ vọng của DN Việt
Mặc dù, đã nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô trong những năm qua, một số vấn đề tồn đọng chưa được giải quyết tạo nên những thách thức cho tăng trưởng không chỉ trong năm 2016.
Thách thức đầu tiên cho tăng trưởng đó chính là từ những rủi ro tiềm ẩn trong ổn định nền kinh tế. Nợ công đang có xu hướng tăng trong những năm gần đây từ 51,7% năm 2010 đã tăng lên 60,3 GDP và đạt khoảng 64% GDP năm 2015. Nợ xấu dù đã giảm tuy nhiên vẫn treo lơ lửng trên hệ thống ngân hàng và trở thành vật cản cho dòng tín dụng chảy mạnh hơn.
Cùng với các mất cân đối vĩ mô lớn như thâm hụt ngân sách, thâm hụt cán cân thương mại sẽ là những rủi ro tiềm ẩn cho nền kinh tế và là thách thức cho tăng trưởng 2016.
Bởi, thâm hụt ngân sách sẽ làm hạn chế khả năng của ngân hàng đầu tư phát triển và hỗ trợ nền kinh tế phục hồi bền vững hơn. Bù đắp thâm hụt ngân sách bằng phát hành trái phiếu Chính phủ cũng làm cho lãi suất khó giảm, làm giảm khả năng tiếp cận tín dụng từ phía DNNVV.
Thâm hụt cán cân thương mại đã kéo dài nhiều năm và chỉ thặng dư trong 3 năm (2012-2014) do tốc độ tăng trưởng ở mức độ thấp, nên khi tăng trưởng kinh tế tăng, cán cân thương mại sẽ thâm hụt trở lại, điều này có thể tạo rủi ro cho công tác điều hành tỷ giá, trong khi tỷ giá có tác động lớn đến dòng thương mại, nợ nước ngoài và hoạt động của nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước.
Một thách thức khác cho tăng trưởng chính là ba mũi đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội là phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đổi mới thể chế chưa thực sự đột phá nếu so với các nước trong khu vực. So với chính chúng ta thì có những cải thiện đáng kể, nhất là ở hai mũi phát triển cơ sở hạ tầng và đổi mới thể chế. Điều này sẽ dẫn tới cạnh tranh của các DN và người lao động sẽ càng khó khăn và cam go hơn.
Đổi mới tư duy tăng trưởng được báo cáo thêm một lần nhấn mạnh là rào cản của chất lượng tăng trưởng. Tư duy phát triển ở nơi này, nơi khác còn gò bó, tự khuôn mình vào các câu chữ có phần “khô” của các nghị quyết, cấp dưới “sao chép” lại các nghị quyết chung mà không chịu suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo với những giải pháp cụ thể, vừa căn cơ phù hợp với hoàn cảnh của địa phương mình, ngành mình và cả nước. Cơ chế lựa chọn cán bộ, nhân viên thiếu linh hoạt, chưa nhắm vào kết quả cuối cùng, còn nặng về bằng cấp nên khó tuyển được lớp người trẻ, tài năng.
“Đây không phải là định mệnh”, báo cáo nhìn nhận và dẫn dụ những chuyển đổi cơ chế của Bộ Tài chính và Bộ KHCN trong khoán chi đề tài khoa học rất đáng hoan nghênh. “Đổi mới tư duy phát triển để vừa đi theo con đường chung của nhân loại, lại có những đột phá sáng tạo gắn với hoàn cảnh cụ thể của đất nước trong bối cảnh quốc tế đòi hỏi lòng dũng cảm của các nhà lãnh đạo các cấp”, báo cáo viết.
Từ góc độ nhìn nhận của cộng đồng các DN Việt Nam qua khảo sát trong báo cáo của Vietnam Report cho thấy, các vấn đề xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường, các vấn đề liên quan đến quy định, văn bản chính sách của Chính phủ, thuế phí và hải quan… cho thấy cải cách thể chế là một trong những yếu tố giúp thay đổi chất lượng trong nền kinh tế.
Khảo sát các DN cho thấy mặc dù quy định của Thông tư 78/2014/TT-BTC đã giảm thuế suất TNDN xuống còn mức 20%, tuy nhiên các DN vẫn bày tỏ mong muốn cần tiếp tục điều chỉnh giảm thuế suất thuế TNDN nhằm hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động sản xuất và triển vọng tăng trưởng của DN với tỷ lệ lựa chọn của phương án này lên đến 80%.
Một vấn đề mà gần như trong bất kỳ cuộc điều tra nghiên cứu nào khi được hỏi các DN cũng đều thể hiện mong muốn của mình đó là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính. Đây là điều băn khoăn đối với gần 75% DN. Trong khi đó cải cách hành chính không phải là một vấn đề mới trong điều hành kinh tế - xã hội tại Việt Nam và cũng đã được coi là một trong những mục tiêu hàng đầu trong việc cải cách thể chế, môi trường kinh doanh của Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả đến nay vẫn chưa làm hài lòng các DN.
Trong năm 2016, các DN chọn chiến lược tăng trưởng mạo hiểm trong bối cảnh hội nhập TPP. Những kết quả kinh doanh khởi sắc đã đạt được trong cả một chặng đường dài từ năm 2011 đến năm 2015 kết hợp với các dự báo kinh tế khả quan trong năm 2016, và đặc biệt là triển vọng thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế TPP và AEC, là cơ sở đáng tin cậy làm tăng thêm niềm tin và kỳ vọng tăng trưởng kinh doanh của DN Việt.
Hơn 76% số DN tham gia khảo sát dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh nhằm tận dụng tối đa những cơ hội tăng trưởng mới, 22,1% số DN sẽ tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh như năm trước, trong khi chỉ 1,6% DN có ý định thu hẹp quy mô kinh doanh. Đây là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh nền kinh tế đang bắt đầu một giai đoạn tăng trưởng mới.
Hoàng Hoa
(Thời báo Ngân hàng)