Từ trước đến nay, các doanh nghiệp Ý đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất là lĩnh vực da giày.
Tác động của TPP nhìn từ chương Dệt may
- Cập nhật : 12/11/2015
(Kinh te)
Không phải ngẫu nhiên mà TPP dành riêng một chương quy định cho một mặt hàng cụ thể, hàng dệt may, trong số vô vàn chủng loại hàng hóa được sản xuất và trao đổi thương mại trong khu vực.
Và cũng không phải ngẫu nhiên mà chương này được xếp ngay sau những chương quan trọng bậc nhất trong thỏa thuận TPP như chương Hàng hóa và chương Xuất xứ.
Điều này là do bởi tầm quan trọng của hàng dệt may đối với nền kinh tế của một số nước thành viên. Với Mỹ, tuy là một thị trường nhập khẩu ròng hàng dệt may nhưng đồng thời ngành này cũng tạo ra nhiều trăm nghìn việc làm trong lòng nước Mỹ với giá trị sản lượng lên tới nhiều chục tỷ USD, và đóng góp hàng chục tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng năm.
Mỹ còn nhắm đến lợi ích mang lại từ những nước thành viên TPP như Việt Nam, công xưởng gia công chủ yếu hàng dệt may cho toàn khu vực, thông qua quy tắc xuất xứ “Từ sợi trở đi” để khuyến khích Việt Nam nếu muốn gia tăng xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ và các thị trường thành viên khác thì phải sử dụng các sản phẩm đầu vào cho ngành dệt may như bông, sợi, đặc biệt những mặt hàng có công nghệ cao (như vật liệu tổng hợp và sợi carbon), cũng như các sản phẩm công nghệ và dịch vụ trong ngành này... vốn là thế mạnh của Mỹ (nhất là sau khi tính thêm yếu tố thuế suất 0% so với mức thuế nhập khẩu cao đánh vào các sản phẩm đầu vào nhập khẩu ngoại khối).
Ngược lại, ngành này cũng là một mỏ vàng tiềm năng cho Việt Nam, và cũng là một trong những lý do chính để Việt Nam quyết tâm đàm phán và gia nhập TPP.
Chương Dệt may quy định việc xóa bỏ ngay lập tức thuế quan khi TPP có hiệu lực lên hàng dệt may nhập khẩu vào một nước thành viên từ các nước thành viên khác, trừ một số mặt hàng thuộc diện nhạy cảm cần có lộ trình xóa bỏ thuế theo thỏa thuận giữa các thành viên.
Điều kiện để được hưởng ưu đãi này là phải đáp ứng được quy tắc “Từ sợi trở đi”, yêu cầu hàng dệt may xuất khẩu trong khối phải sử dụng sợi và vải nội khối để được hưởng thuế suất ưu đãi TPP. Quy tắc này cũng là một bước cụ thể hóa quy tắc xuất xứ nói chung của TPP nhằm khuyến khích các nhà sản xuất thiết lập chuỗi cung ứng và sản xuất trong nội khối để tạo công ăn việc làm và thu nhập cho các chủ thể kinh tế liên quan trong các nước thành viên.
Có một số trường hợp loại trừ với quy tắc này khi nguồn cung cho một chủng loại sợi và vải nào đó từ nội khối không đủ cho nhu cầu sản xuất hàng may mặc trong nội khối. Khi đó, “Danh sách nguồn cung thiếu hụt” cho phép các nhà sản xuất sử dụng những sản phẩm tương ứng theo quy định có nguồn gốc từ bên ngoài khối mà vẫn được hưởng thuế suất ưu đãi TPP.
Với Việt Nam, có thể nói điều khoản về “Danh sách nguồn cung thiếu hụt” là một điều cứu rỗi lớn. Bởi, điểm yếu của ngành dệt may Việt Nam là ngành sản xuất sản phẩm thượng nguồn như sơ, tơ, sợi và vải rất kém phát triển so với ngành sản xuất hạ nguồn – may. Phần lớn sợi và vải cho ngành may mặc Việt Nam do đó được nhập khẩu, chủ yếu từ các nước phi thành viên TPP. Nếu cứ cứng nhắc áp dụng quy tắc “Từ sợi trở đi” thì dù thuế suất nhập khẩu đánh lên hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam là 0% thì Việt Nam cũng khó có thể tăng mạnh xuất khẩu sang các thị trường nội khối do hạn chế nguồn cung đầu vào sợi và vải có nguồn gốc nội khối.
Tuy vậy, sự cứu rỗi này không phải là vĩnh viễn. “Danh sách nguồn cung thiếu hụt” này chỉ có giá trị trong vòng 5 năm kể từ ngày TPP có hiệu lực, và là thời gian bắt buộc Việt Nam phải phát triển được một chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm thượng nguồn ở quy mô lớn, thay thế phần lớn hàng nhập khẩu ngoại khối như tình trạng hiện tại, nếu muốn tối đa hóa lợi ích cho ngành này từ việc gia nhập TPP.
Trên thực tế, một phần đáng kể lợi ích tiềm năng từ việc gia tăng xuất khẩu vào thị trường TPP sẽ bị gặt hái bởi các doanh nghiệp FDI mà phần lớn đến từ những nước phi thành viên TPP như Trung Quốc, hiện đang tích cực đầu tư vào ngành sản xuất thượng nguồn ở Việt Nam. Nhưng về tổng thể, các nước thành viên TPP nhìn chung vẫn có lợi hơn so với khi chưa có TPP vì không chỉ người tiêu dùng của họ được dùng hàng dệt may với giá rẻ hơn (nhờ thuế suất nhập khẩu 0%) mà các doanh nghiệp dệt may của họ, trong đó có Việt Nam, vẫn giành thêm được một phần của chiếc bánh dệt may khi nguồn cung ngoại khối bị làm khó hơn bởi quy tắc “Từ sợi trở đi”.
Chương Dệt may cũng nhấn mạnh đến chuyện phối hợp hải quan giữa các nước thành viên và các nước thành viênđược thực thi những hành động thích ứng để phòng chống gian lận trong thương mại dệt may như buôn lậu, trốn thuế, hay gian lận về xuất xứ... nhằm hưởng lợi bất chính từ ưu đãi thuế quan TPP. Ngoài việc trao quyền cho hải quan của nước nhập khẩu làm việc với hải quan các nước thành viên đối tác, những hành động thích ứng có thể là yêu cầu nước thành viên đối tác cung cấp thông tin khi hải quan nước nhập khẩu có bằng chứng gian lận thương mại, và yêu cầu này phải được đáp ứng bởi nước đối tác, hoặc cũng có thể là cử nhân viên hải quan đến tận cơ sở của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất tại nước thành viên xuất khẩu để kiểm tra xem có đúng là hàng hóa đó là hàng hóa TPP để hưởng thuế suất ưu đãi hay không...
Cũng giống như với mọi hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, chương Dệt may cũng có những quy định về phòng vệ thương mại để một nước thành viên bảo vệ lợi ích quốc gia khi ngành dệt may của họ bị đe dọa nghiêm trọng bởi hàng nhập khẩu từ một nước thành viên khác. Trong những trường hợp như vậy thì nước thành viên bị thiệt hại có quyền khôi phục hoặc áp thuế suất nhập khẩu cao hơn để ngăn chặn hàng nhập khẩu. Hiển nhiên là điều khoản này có lợi nhất cho những nước thành viên nhập khẩu ròng lớn các sản phẩm dệt may, chủ yếu là các nước phát triển như Mỹ và Nhật, đồng thời là một mối đe dọa tiềm tàng cho những nước thành viên xuất khẩu ròng chủ chốt như Việt Nam.
Tóm lại, những điểm mới của chương Dệt may là có thêm quy định về “Danh sách nguồn cung thiếu hụt” tạo ra sự linh hoạt cần thiết trong việc đáp ứng quy tắc xuất xứ đồng thời vẫn thúc đẩy chuỗi sản xuất và cung ứng nội khối, và những quy định về phòng chống gian lận thương mạidựa trên những bài học rút ra từ các FTA khác, tạo điều kiện cho hải quan các nước ngăn chặn hữu hiệu các hành động trục lợi phi pháptrong ngành dệt may.