Nút thắt của cả vụ việc và dư luận được cởi bỏ cực nhanh đúng lúc cao trào nhất.
Sang Singapore khởi nghiệp: Thương hiệu Việt ở đâu?
- Cập nhật : 21/04/2016
(Kinh doanh)
Một khi môi trường kinh doanh Việt Nam không nuôi dưỡng, khuyến khích những tư tưởng sáng tạo, doanh nhân khởi nghiệp sẽ chọn một môi trường khác. Việc start up Việt phải sang Singapore thành lập DN là điều dễ hiểu.
Không kêu ca, phàn nàn
Khi nói về hành trình khởi nghiệp, rất ít khi start up phàn nàn về môi trường kinh doanh trong nước. Bởi theo họ, ở Việt Nam cũng có những DN từ nhỏ đi lên như FPT, Hòa Phát, Tôn Hoa sen. Họ xuất phát với nguồn lực không vượt trội nhưng bứt lên thành công ty đứng đầu trong ngành. Điều đó cho thấy môi trường vẫn vậy nhưng vẫn có DN vượt lên, có DN không thể tồn tại được.
CEO Nguyễn Minh Quý của Novaon cho rằng: “Không được đổ lỗi. Không ai ngồi nghe bạn kêu ca, phàn nàn vì khó khăn. Tôi không ủng hộ kêu ca phàn nàn. Những người thành công là tìm giải pháp”.
Ông Nguyễn Hữu Tuất, Tổng giám đốc Công ty CP mPos Việt Nam nhận định điều quan trọng nhất với một công ty là sản phẩm, thị trường, mục tiêu thế nào, không phải thủ tục thành lập. Nhiều bạn hay bảo do thủ tục nên mất nhà đầu tư nhưng không hoàn toàn như vây.
“Sản phẩm tốt, đội ngũ tốt, thị trường đem lại hiệu quả là quan trọng nhất”, ông Tuất nói.
Nói về các start up Việt khai sinh DN ở Singapore thay vì Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông không giấu nổi nỗi băn khoăn: “Đứng ở góc độ quốc gia, là cơ quan quản lý, chúng tôi thấy đấy là vấn đề cần phải xem xét. Bởi vì dần dần mình không cóthương hiệu Việt”.
“Chúng tôi đang xem xét lại cơ chế chính sách của mình, phải chăng các quy định pháp luật của mình có vấn đề khiến nào khiến người ta không đăng ký được ở Việt Nam mà phải sang Singapore”, ông Đặng Huy Đông nói.
Với góc độ người đang đồng hành trong nhiều chương trình khởi nghiệp quốc gia, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận: Start up Việt lập DN ở Singapore là quyền của người ta, nhưng ở góc độ cơ quan quản lý, chúng tôi thấy mình chưa làm được kỳ vọng DN.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương chia sẻ: Ở Việt Nam mọi thứ phải làm theo quy trình. Có những lĩnh vực để DN gia nhập thị trường rất khắt khe, không thể làm được.
“Môi trường ấy không nuôi dưỡng, không khuyến khích những tư tưởng sáng tạo. Khi ấy, đương nhiên họ phải sang Singapore để đăng ký thành lập DN”, TS Nguyễn Đình Cung nói.
Theo ông Cung : “Sản phẩm, dịch vụ phục vụ thị trường Việt Nam, nhưng lại áp dụng luật lệ Singapore. Đây là điều rất đáng suy nghĩ”.
Tự bơi nên khó sống
DN khởi nghiệp giống như hạt giống, thả xuống mà không có nước, không có đất tốt thì khó sống nổi. Nếu có đủ nước tưới, ánh sáng, hạt mầm ấy sẽ mọc lên và kết thành trái ngọt. Bản thân các start up Việt cũng mong muốn được Nhà nước nâng đỡ trong giai đoạn đầu chập chững vào nghiệp kinh doanh.
Phạm Quang Huy, Giám đốc Lozi Hà Nội cho rằng, việc hỗ trợ của Nhà nước là rất quan trọng. Giống như chơi trên sân nhà, khi có hỗ trợ, bản thân các start up sẽ có động lực để phát triển trong nước và ngoài nước.
Các DN đều tin rằng nếu có chính sách tốt, Việt Nam sẽ thúc đẩy được nhiều công ty có năng lực tiến ra toàn cầu. Tiếc rằng, đến nay start up Việt vẫn “tự bơi” là chính. Trong khi đó, nhìn ra các nước xung quanh, tiếp sức cho các doanh nhân khởi nghiệp đã trở thành chiến lược quốc gia.
Hiện nay, Bộ KHĐT đang xây dựng dự thảo cuối cùng quy định vềQuỹ đầu tư mạo hiểm và các hình thức huy động vốn cho start up. Thứ trưởng Đặng Huy Đông tin rằng với quy định ấy DN khởi nghiệp VN có điều kiện tiếp cận các quỹ đầu tư mạo hiểm, không riêng gì quỹ nước ngoài mà cả trong nước.
Bộ KHĐT cũng đang chủ trì soạn thảo luật hỗ trợ DNNVV. Dự kiến sẽ trình lên Chính phủ vào tháng 7 tới và tháng 10 trình ra Quốc hội. Trong dự thảo luật có những nội dung tạo ra một môi trường phát triển cho DNNVV có tính thực tiễn. Lúc ấy, các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần, hệ sinh thái cho khởi nghiệp sẽ là một chương trong đó.
Lãnh đạo Bộ KHĐT hứa hẹn sẽ tạo mọi điều kiện dễ dàng và thuận lợi nhất để DN có quyền tự hào về thương hiệu Việt, bởi đằng sau ấy còn là thương hiệu quốc gia.
“Khi đấy việc đăng ký ở VN sẽ không khác gì ở Singapore. DN sẽ vui vẻ đăng ký. Chúng tôi cũng biết là ở Singapore họ đăng ký rất đơn giản, không phải giải trình quá nhiều”, ông Đặng Huy Đông chia sẻ.
Lãnh đạo Bộ KHĐT kỳ vọng những thay đổi này sẽ góp phần cho một ngày nào đó trí tuệ Việt sẽ mang được thương hiệu Việt và hình ảnh Việt ra thế giới.
Dù rằng điều đó sẽ không thể đến trong ngày một, ngày hai, nhưng nếu chúng ta không bắt đầu từ bây giờ thì không bao giờ có được. Lãnh đạo Bộ KHĐT tin rằng theo thời gian các thương hiệu Việt Nam gắn với những DN khởi nghiệp thành công, với các ý tưởng đổi mới sáng tạo đặc biệt sẽ được ghi nhận. Và thương hiệu Việt có quyền tự hào rằng chúng ta đã đi ra được thế giới, có nhiều sản phẩm tầm cỡ thế giới.
“Đó là những sản phẩm giúp chúng ta bước vào hội nhập vững vàng, không thuần túy là bám vào chuỗi giá trị của các DN FDI” – ông Đông tự tin.
Những sản phẩm như thế đang bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, nhưng đâu đó còn thiếu chính sách để họ không bị “chết yểu”.