Bất cập của nền kinh tế thị trường, hệ thống tài chính, những nút thắt thể chế, nguồn nhân lực kỹ năng thấp, chi phí vận tải đắt đỏ, tiếp cận tín dụng, năng lượng và đất đai khó khăn… đang là những rào cản cho hội nhập.
Người chắp bút dự thảo "siêu Ủy ban": "Nếu cứ bán cổ phần, tài sản thì 5 năm nữa sẽ không còn DNNN"
- Cập nhật : 27/07/2016
Quản lý 30 tập đoàn, Tổng công ty lớn nhất với tổng tài sản lên tới 5 triệu tỷ đồng, siêu ủy ban ra đời được kỳ vọng giúp Chính phủ quản lý, giám sát toàn bộ vốn và tài sản Nhà nước tại các DNNN. Người chắp bút dự thảo này nói gì?
Nếu không giám sát, quản lý vốn, 5 năm nữa mất khu vực DNNN
Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa chính thức công bố dự thảo Nghị định quy định thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý doanh nghiệp nhà nước với quy mô vốn và tài sản lên tới 5 triệu tỷ đồng.
Là người trực tiếp soạn thảo Nghị định, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)tự tin khẳng định “hai năm nữa “siêu Ủy ban” có thể ra đời.
Dự thảo đã công bố danh sách dự kiến 30 doanh nghiệp và vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ chuyển giao cho Ủy ban này quản lý. Trong danh sách này, chiếm chủ đạo là các doanh nghiệp của Bộ Công thương với 6 tập đoàn và 6 tổng công ty.
Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ KH-ĐT cho rằng “hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu”.
Hiện Nhà nước đang đầu tư một khối lượng rất lớn vốn và tài sản sở hữu toàn dân vào sản xuất kinh doanh tại các DN.
Theo số liệu của 781 DN 100% sở hữu nhà nước năm 2014 có tổng tài sản 3.105.453 tỷ đồng, tương đương 147 tỷ USD. Trong đó, các Tập đoàn, Tổng công ty và công ty mẹ - con chiếm 90%. Vốn chủ sở hữu 1.233.723 tỷ đồng, tương đương 58 tỷ USD.
Nếu tính toàn bộ các doanh nghiệp có 100% và trên 50% sở hữu nhà nước thì tổng nguồn vốn kinh doanh hay tổng tài sản lên đến 5,4 triệu tỷ đồng, tương đương 257 tỷ USD.
Từ khi có dự thảo Nghị định, rất nhiều chuyên gia hoài nghi về tính khả thi của “siêu dự án”.
Trao đổi với báo chí, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung khẳng định ở Việt Nam chưa có mô hình nào đúng nghĩa cả. SCIC thu hẹp vấn đề nhỏ nhưng chưa làm được nhiều. Chúng ta phải học tập kinh nghiệm của các mô hình quản lý DNNN như Sasac (Trung Quốc), Temasek (Singapore) và Bộ Quản lý DNNN (Indonesia). Nói chung, Việt Nam có rất nhiều mô hình, có rất nhiều bài học nhưng chúng ta có thực hiện được hay không, áp dụng cho Việt Nam hay không là chuyện khác.
Siêu ủy ban có thể thành hoặc bại đều do việc xây dựng cơ chế hoạt động, quản lý, giám sát nhưng chúng ta phải dũng cảm làm. Còn nếu cứ để như hiện nay, DNNN sẽ thất bại. Nếu chúng ta cứ bán cổ phần, tài sản của DNNN để bỏ vào ngân sách dùng để chi thường xuyên thì chỉ 5 năm nữa sẽ mất khu vực DNNN.
Tin tưởng vào sự ra đời của "siêu Ủy ban"
Bên lề hội thảo do CIEM tổ chức ngày 26/7, PV đã có cuộc trao đổi nhanh với TS Nguyễn Đình Cung, người chắp bút cho dự thảo thành lập ủy ban nói trên.
PV: Đến thời điểm này, ông có cảm nhận gì về việc thành lập siêu ủy ban quản lý, giám sát toàn bộ vốn và tài sản Nhà nước tại các DNNN, ông đã lường trước được những khó khăn, nhưng ông có tin tưởng sẽ thành lập được không?
Tôi hoàn toàn tin tưởng. Phải thành lập Ủy ban giám sát vốn. Tôi không tin tôi làm thế nào được.
PV: Cơ sở nào khiến ông tin tưởng như vậy?
Nghị quyết có rồi, Luật lệ có rồi, Chính phủ đưa ra trong chương trình hành động rồi, hơn nữa tôi cảm thấy không khí đang khác hẳn so với trước.
PV: Liệu thời gian nào có thể tiến hành được siêu ủy ban này, thưa ông?
Tôi tin rằng trong vòng 2 năm nữa ủy ban giám sát, quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại các DNNN sẽ ra đời. Tức phải năm sau, có thể cuối năm 2017. Hiện tại đang làm.
PV: Hai năm sau có muộn không thưa ông?
Cuộc đời này không có gì không muộn cả, và thời gian hai năm với ủy ban nói trên không muộn
PV: Khi chắp bút, ông đã hình dung bộ máy, vậy ông có nhìn thấy gương mặt người đứng đầu chưa?
Về bộ máy, tôi đã hình dung cụ thể, nhưng về người đứng đầu, không nên hình dung như thế. Nên để thị trường chọn, tôi ra tiêu chí đó, để thị trường chọn người đứng đầu.
PV: Cơ chế nào cho việc lựa chọn này, thưa ông?
Đấy là vấn đề cần sự thảo luận trao đổi, rất cần sự đóng góp của các chuyên gia, những người từ bên ngoài nói. Chuyên gia không phải cứ nói nghi ngờ này nọ mà cần có sáng kiến. Người ta đang làm không bàn lùi. Chúng tôi đang thảo luận ở cấp cao nhất để ra cơ chế.
PV: Như vậy, theo ông, câu chuyện dự thảo này còn đang vướng không phải ở các Bộ mà còn ở các chuyên gia?
Tôi không nói thế, tôi chỉ mong các chuyên gia đóng góp ý kiến, sáng kiến nhiều hơn. Tôi không phải chắp bút thì tôi bảo vệ vì tôi không có lợi ích gì ở Ủy ban này cả. Tôi chỉ có lợi ích là làm cho tốt nhất việc này. Vì vậy, tôi đang đi thu thập ý kiến, nhận thấy ý kiến nào hợp lý để tiếp thu. Nếu chuyên gia nào phản đối phải đưa ra giải pháp, còn phản đối mà không đưa ra giải pháp thì để làm gì.
PV: Ông có nghĩ khi Ủy ban được thành lập, ông sẽ được mời về làm Chủ nhiệm Ủy ban không?
Tôi không nghĩ thế.
Điểm mặt các Tổng công ty, Tập đoàn có tên trong "siêu Ủy ban"
Bộ Công Thương có 12 Tập đoàn, Tổng công ty là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).
Và các Tổng công ty là Tổng CTCP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng CTCP Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapago), Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL).
Bộ Giao thông vận tải với 5 Tổng công ty là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Arilines), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (SBIC).
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn với 5 Tập đoàn, Tổng công ty là Tập đoàn Công Nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor).
Bộ Xây dựng với 3 Tổng công ty: Tổng công ty Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp (Idico), Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD).
Bộ Tài chínhvới Tập đoàn Bảo Việt (Baoviet Holdings). Đáng chú ý là Ủy ban mới này cũng sẽ quản lý cả Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) – doanh nghiệp được thành lập với chức năng tương tự như của Ủy ban.
Bộ Thông tin truyền thông với 2 Tập đoàn, Tổng công ty là Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC).
Bộ Y tế chỉ có một Tổng công ty là Tổng công ty Dược Việt Nam.
Hải Minh
(Theo Người Đồng Hành)