tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Nếu “siêu bộ” ra đời

  • Cập nhật : 28/07/2016

Giải pháp thành lập ủy ban này là kết quả đúc kết từ quá trình cải cách quản trị tài sản Nhà nước và quản trị DNNN trong hàng chục năm qua trên thế giới với những lợi ích đã được thừa nhận và kiểm chứng, tuy nhiên, đang có những mối lo ngại về tính khả thi của ủy ban này.

Dự thảo Nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước vừa được đưa ra lấy ý kiến với việc thành lập một ủy ban chuyên trách thuộc Chính phủ thực hiện việc quản lý vốn và tài sản Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Việc thành lập cơ quan này tuy đã nhận được tỷ lệ ý kiến ủng hộ cao nhưng mô hình nào, cơ chế hoạt động ra sao thì lại đang là những ý kiến e ngại, nghi ngờ.

Đặc biệt là những khó khăn và thách thức trong việc thành lập cơ quan này là một nội dung quan trọng của Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý II vừa được Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương CIEM công bố hôm 26/7/2016. Đây cũng là vấn đề đang thu hút nhiều bình luận.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Trước những ý kiến e ngại, nghi ngờ và cả phản đối mô hình ủy ban, TS.Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM bày tỏ: Tôi tin là chỉ trong 2 năm thôi, ủy ban này sẽ đi vào hoạt động bởi Nghị quyết của Đảng đã nêu rồi, luật đã có rồi, Chính phủ cũng đã đưa vào chương trình hành động rồi. Việc thành lập ủy ban không chỉ là tách chức năng quản lý Nhà nước với chức năng quản lý đầu tư vốn, mà còn là để chuyên trách và chuyên nghiệp chức năng đầu tư và chủ sở hữu tại DN, phải có người chịu trách nhiệm cuối cùng về hiệu quả kinh doanh vốn Nhà nước.

Theo nhiều chuyên gia, ở Việt Nam, giá trị vốn, tài sản Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh là rất lớn. Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2015 cho thấy, tính riêng 781 DNNN đã có tổng giá trị tài sản là 3.105 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu Nhà nước là 1.233 nghìn tỷ đồng.

“Với ước tính đơn giản, nếu như cải thiện được hiệu quả thêm một điểm phần trăm, thì khối tài sản này tạo giá trị tăng thêm khoảng 2,5 tỷ USD và có tác dụng rất lớn khác đối với cân đối vĩ mô khác”, theo tính toán của CIEM.

Mặc dù, giải pháp thành lập ủy ban này là kết quả đúc kết từ quá trình cải cách quản trị tài sản Nhà nước và quản trị DNNN trong hàng chục năm qua trên thế giới với những lợi ích đã được thừa nhận và kiểm chứng, tuy nhiên, đang có những mối lo ngại về tính khả thi của ủy ban này.

Phát biểu trước một số phóng viên chiều ngày 25/7/2016, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính cho biết: Về bộ máy, đó vẫn là một cơ quan hành chính Nhà nước. Với một khối lượng 30 tập đoàn, tổng công ty, bình quân mỗi tập đoàn, tổng công ty này có 10 DN thành viên thì ủy ban này quản lý tới 300 DN, tức là quản lý không dễ. Nếu ít nhất mỗi một DN cần hai người đứng đầu giỏi tức là cần có 600 chuyên gia giỏi. Vậy cơ chế tài chính nào để thuê người giỏi?

Rồi khi chuyển giao toàn bộ các tập đoàn, tổng công ty lớn về ủy ban thì ủy ban sẽ là một trung tâm quyền lực quá mạnh, khó có thể kiểm soát được, dẫn đến nguy cơ lạm quyền. Và việc chuyển giao này sẽ ảnh hưởng đến tiến trình tái cơ cấu, CPH DNNN mà các bộ hiện đang thực hiện. Hơn nữa, CPH làm số lượng DNNN ngày càng giảm mạnh thì không cần thiết phải chuyển DNNN hiện nay về cơ quan chuyên trách. Và lập ủy ban là tăng biên chế… Bên cạnh đó là sự hoài nghi về năng lực quản lý, giám sát của ủy ban, hiện nhiều bộ quản lý còn chưa tốt, liệu một ủy ban “có làm nổi hay không”?

Dù với động cơ nào, những mối hoài nghi đó cũng đặt ra yêu cầu phải thiết kế được một mô hình thực sự hiệu quả, hoạt động theo cơ chế thị trường đầy đủ, nhờ đó, đạt mục tiêu cuối cùng là tăng cơ hội cải thiện hiệu quả vốn và tài sản Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Và để đạt được hiệu quả hoạt động, lãnh đạo và nhân viên của ủy ban này phải là những người có kiến thức và kinh nghiệm về đầu tư, kinh doanh quốc tế. Để có những người giỏi như thế, theo ông Cung: cần cơ chế tuyển chọn đặc biệt đi kèm chế độ lương không dựa trên lương công chức Nhà nước làm thước đo, mà phải được trả theo thị trường đi cùng cơ chế miễn nhiệm và sa thải gắn với việc có hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ hay không… Đây sẽ là điều kiện để ủy ban có đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu.

TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thì chốt lại “Cần phải có ủy ban này. Việc có sớm thành lập ủy ban này hay không là thách thức của Chính phủ mới”. Quản lý, giám sát ủy ban đã có Quốc hội, các cơ quan chức năng khác và trên hết đó là nhân dân - ông Hồ phát biểu.


Tri Nhân
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục