tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Trật tự mới cho quản lý doanh nghiệp nhà nước: Nỗi ám ảnh “bộ chủ quản”

  • Cập nhật : 23/07/2016

Không phải ngẫu nhiên mà sự e ngại dồn tích quyền lực lại đè nặng lên mô hình Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp. Hình ảnh bộ chủ quản một tay điều tiết chính sách, một tay điều hành doanh nghiệp nhà nước đang hằn sâu vào ý thức của cả một thế hệ.

Chia bôi quyền lực

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) tiếp tục đốt nóng dư luận với bài phân tích gần 3.000 chữ chẻ nhỏ vi phạm trong bổ nhiệm các chức danh chủ chốt, xây dựng chiến lược kinh doanh tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc Bộ Công thương.

Tạm không bàn tới các cá nhân cụ thể trong vụ việc được VAFI nhắm tới, loại trừ ra những chuyện sau hậu trường, nhưng hàng loạt câu hỏi mà VAFI đặt ra thực sự không thể làm ngơ khi đứng ở góc độ chủ sở hữu DNNN.

Đó là, chẳng lẽ Tổng công ty cổ phần Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) không còn ai có thể đảm đương vị trí tổng giám đốc, đến mức phải bổ nhiệm 1 người không có kinh nghiệm quản trị làm.

..

Tại sao DNNN của Bộ Công thương như Tổng công ty Thép Việt Nam, Tâp đoàn Hóa Chất Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam ở vị thế tài chính rất yếu so với 10 năm trước kia? Mang tiếng là công ty mẹ, nhưng mẹ không có khả năng cứu được con mà phải trông chờ Nhà nước hỗ trợ hay bơm vốn, như đang diễn ra tại Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên…?

Tại sao Sabeco, Habeco, Vinatex, Petrolimex và nhiều đơn vị thành viên trực thuộc đã cổ phần hóa nhưng không chịu niêm yết theo Quyết định 51/2014/QĐ-TTg (quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DNNN)?

Tại sao Sabeco, Habeco không được chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn (SCIC) theo như quy định...?

VAFI đã tự tìm câu trả lời, đó là sự níu kéo quyền lực của bộ chủ quản với các DN trực thuộc. Bởi, cũng ở các đầu việc này, DN tư nhân, hoặc ngay cả DN có vốn nhà nước chiếm tỷ lớn nhưng đã niêm yết như Vinamilk hay cả SCIC không hành xử như vậy.

“Trong khâu bổ nhiệm nhân sự chủ chốt như chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc thì SCIC không dám… làm liều như Bộ Công thương. Những chức danh này thường được SCIC tuyển chọn từ chính doanh nghiệp”, VAFI so sánh.

Nhưng sâu xa hơn, câu chuyện này có thể coi là sự thất bại điển hình của mô hình bộ chủ quản trong vai trò đại diện chủ sở hữu nhà nước, khi mà ông chủ Nhà nước biết đến tình trạng tài sản của mình cũng là lúc mọi việc đã vào giai đoạn cuối...

Thực ra, mô hình bộ chủ quản hiện tại không phải quá cũ - mới bắt đầu từ năm 2012 với Nghị định 99/2012/NĐ-CP về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào DN. Trước đó, chức năng chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN đã qua nhiều mô hình, như “bộ chủ quản, cơ quan hành chính chủ quản” (trước khi có Luật DNNN 1995); mô hình “song trùng” đại diện chủ hữu của bộ quản lý ngành và Bộ Tài chính (giai đoạn 1995-2000 khi lập Tổng cục Quản lý vốn và tài sản nhà nước tại các DN); mô hình “phân tán có giới hạn” đối với loại DNNN do bộ, UBND cấp tỉnh quyết định thành lập (giai đoạn 2000-2003 sau khi giải thể Tổng cục Quản lý vốn và tài sản nhà nước tại các DN) và mô hình “phân tán” đại diện chủ hữu đối với các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước (từ năm 2004 đến nay theo Luật DNNN năm 2003 và Luật DN năm 2005).

Cho dù có điều chỉnh hoặc thay đổi, nhưng cốt lõi của những mô hình này vẫn là không có sự phân tách giữa chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước và chức năng quản lý nhà nước đối với DNNN. Hệ quả là, Bộ Công thương vừa là cơ quan hoạch định chính sách năng lượng, trong đó có điện lực, vừa là cơ quan điều tiết điện lực, đồng thời là đại diện chủ sở hữu đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tương tự với nhiều ngành, bộ quản lý ngành khác.

Trao đổi vấn đề này, ông Trần Tiến Cường, nguyên Trưởng ban Đổi mới DN (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), đặt câu hỏi: Cách quản lý này có công bằng không với DN thuộc thành phần kinh tế khác? Câu trả lời là không.

“Bộ là người làm cơ chế chính sách, trong đó có cách chơi, luật chơi cho DN, rồi lại đóng luôn vai là người chơi. Căn cứ xây dựng dựng chính sách sẽ đứng ở vai nào? Xung đột lợi ích rất rõ giữa các chức năng của các bộ. Quyền lực cũng phát sinh từ đây!”, ông Cường phân tích.

Hệ lụy là, DNNN luôn có thế cạnh tranh không bình đẳng, không công bằng trên thị trường cũng như trong tiếp cận nguồn lực quốc gia. Điều này, đương nhiên sẽ làm hại đến sự phát triển của các DN khác, nhưng cũng đang là lý do của những khoản đầu tư lãng phí, thậm chí các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật ở nhiều DNNN quy mô lớn.

Không thể tiếp tục công chức “hai trong một”

Trong Cuộc đối thoại chính sách về mô hình cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu hồi cuối tháng 5/2016, vị đại diện bộ Công thương sau khi nghe các bản trình bày về những khó khăn và trở ngại trong thể chế hóa chủ trương thành lập cơ quan này chỉ đặt đúng một câu hỏi, là nếu việc này thực hiện thì cổ phần hóa có chậm lại được không?

“Bộ Công thương chuyển giao 1 công ty về SCIC mất ít nhất 6 tháng, đó là trong trường hợp tài sản minh bạch. Nếu hình thành ngay mô hình này thì tiến độ cổ phần hóa chắc phải chậm lại”, vị đại diện đến từ Bộ Công thương nói.

Chủ tọa Cuộc đối thoại hôm đó, là ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, không trả lời thẳng, mà chỉ đề nghị, đại diện các bộ, ngành có thêm ý kiến, bởi chính họ sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp nếu như đề xuất hình thành Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại các DN (Ủy ban) được Chính phủ chấp thuận. Ông Cung kỳ vọng nhận được các ý kiến trên góc độ “nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản nhà nước”, chứ không phải phân vân với trách nhiệm hoàn thành thời hạn các công việc hiện tại từ những người đang được giao quản lý khối tài sản khổng lồ.

Thẳng thắn mà nói, câu hỏi tưởng như không liên quan gì đến chủ đề chính trên, nhưng lại thể hiện khá rõ hệ lụy của cách dùng công cụ hành chính, công chức nhà nước để làm nhiệm vụ kinh doanh.

Theo logic tự nhiên, tư duy của công chức luôn hướng tới sự an toàn, thận trọng. Do đó, khi được giao quản lý DN hay đại diện phần vốn nhà nước trong DN, họ sẽ chú trọng đến yêu cầu bảo toàn vốn, trước khi nghĩ đến việc phát triển vốn nhà nước.

Nói cách khác, mức độ chấp nhận rủi ro trong kinh doanh của các công chức quản lý DN sẽ rất thấp, nếu không muốn nói là bằng 0. Đối với họ, DN do họ được giao quản lý làm tốt thì đồng lương cũng chẳng hơn, trong khi nếu DN thua lỗ thì nguy cơ rơi vào vòng lao lý là rất lớn.

Thực tế đã và đang diễn ra trong suốt một thời gian dài, ăn sâu vào tư duy quản lý của những công chức được trao thêm trọng trách quản lý DN. Và tư duy này còn kéo dài cho đến chừng nào Nhà nước vẫn còn trực tiếp quản lý DN thông quan bộ chủ quản.

Cũng có quan điểm cho rằng, vấn đề trên chỉ có thể được giải quyết dứt điểm khi chuyển từ mô hình quản lý vốn nhà nước thông qua cơ quan hành chính nhà nước sang mô hình đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước thông qua một DN hay mô hình hoạt động như doanh nghiệp.

Theo đó, lợi ích kinh tế của DN và người lao động trong DN quản lý vốn sẽ gắn chặt với hiệu quả đầu tư và kinh doanh của các DN chịu sự quản lý.

Nghĩa là, người được giao quản lý DN, đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước trong DN sẽ phải đứng về lợi ích kinh tế của DN, chứ không phải theo kiểu “cánh tay nối dài” của quản lý nhà nước trong DN như đang áp dụng.

“Việc sử dụng bộ  máy con người, công cụ quản lý hành chính nhà nước cho kinh doanh là không phù hợp. Chúng tôi quan sát, đa số việc đưa nhân sự dù rất giỏi trong quản lý nhà nước tới DN đều không thành công”, ông Cường phân tích.

Đây là bài toán phải được giải trong mô hình Ủy ban, nếu như các nhà hoạch định chính sách thực sự muốn tạo nên sự thay đổi về chất trong cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu nhà nước, muốn trả lời được các câu hỏi mà VAFI đang liên tục đặt ra.

 

Bảo Duy
(Theo Báo Đầu Tư)
Trở về

Bài cùng chuyên mục