Tại Báo cáo kinh tế Việt Nam Quý 2, Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) khẳng định hiện tượng cá chết hàng loạt tại bờ biển miền Trung đã gây một cú sốc bất lợi cho nền kinh tế nói chung và một tổn thất lớn cho khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp nói riêng.
Tín hiệu tích cực của nền kinh tế 6 tháng cuối năm 2016
- Cập nhật : 13/07/2016
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo có mức tăng trưởng khả quan, ngành bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng, đây là những tín hiệu tích cực cho tăng trưởng của những tháng cuối năm 2016, Bộ Công Thương cho biết.
Chế biến, chế tạo và bán lẻ duy trì tăng trưởng
Sơ kết 6 tháng đầu năm 2016, ngành Công Thương nhận định đã phải đối diện với nhiều khó khăn, phức tạp mới nảy sinh. Kinh tế toàn cầu 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy sự phục hồi chậm và chưa vững chắc, nhiều nền kinh tế chủ chốt trên thế giới tiếp tục gặp phải khó khăn.
Ở trong nước, mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ở mức 5,52%, là mức tăng chậm hơn cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2015.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,72%, cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2015 nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo có mức tăng trưởng khả quan 10,1%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước là 10%).
Tình hình tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục duy trì xu hướng tăng. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành chế biến chế tạo 5 tháng đầu năm tăng 8,8% (cùng kỳ năm 2015 tăng 12,7%). Tồn kho tiếp tục duy trì mức thấp hơn so với mức tăng của 2015.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng khá, đạt mức 9,5%.
Bộ Công Thương khẳng định đây là những tín hiệu tích cực cho tăng trưởng của những tháng cuối năm 2016.
Dầu khí khó khăn, điện vươn lên
Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP 6 tháng đầu năm tăng 7,5%, là mức tăng khá thấp so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 9,6%), chủ yếu do giảm ở nhóm ngành khai khoáng (giảm 2,2%).
Ngành khai khoáng là ngành duy nhất có chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ chủ yếu do sản lượng khai thác dầu thô giảm 6,6% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 11%). Trong 6 tháng đầu năm, giá dầu trên thế giới giảm sâu, có thời điểm xuống mức 27 USD/thùng, đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, đồng thời tác động tiêu cực đến các đơn vị dịch vụ dầu khí
Bộ Công Thương cho biết, trừ dầu khí, tất cả các ngành còn lại đều có mức tăng cao hơn cùng kỳ.
Về điện, EVN cho biết, sản lượng toàn hệ thống trong tháng 6/2016 đạt 16,13 tỷ kWh, lũy kế 6 tháng năm 2016 sản lượng toàn hệ thống đạt 88,51 tỷ kWh, tăng 12,51% so với cùng kỳ năm 2015.
Sản lượng điện sản xuất và mua của EVN trong tháng 6/2016 ước đạt 15,65 tỷ kWh. Lũy kế 6 tháng năm 2016 đạt 84,75 tỷ kWh, tăng 10,75% so với cùng kỳ.
Sản xuất phân phối điện tăng 11,7% (cùng kỳ tăng 11,4%); công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,1%, tương đương mức tăng của cùng kỳ năm trước (tăng 10%).
Đây là mức tăng khả quan nếu so sánh tương quan với tăng trưởng GDP (6 tháng đầu năm 2016 tăng trưởng 5,52% so với mức 6,32% của cùng kỳ năm 2015).
Bộ Công Thương nhận định từ nay đến cuối năm, kinh tế sẽ phát triển tăng trưởng ổn định. Ngành sản xuất chế biến thực phẩm và đồ uống, dệt may, hóa chất, cơ khí... có những tín hiệu tốt của tăng trưởng vào cuối năm.
Hải Minh
(Theo Người Đồng Hành)