Trong bối cảnh bất ổn đang đe dọa thị trường tài chính toàn cầu hiện nay, nếu xét về giá trị, thì giá cả trái phiếu hiện tại đang phản ánh đặc tính của cung và cầu đối với tài sản an toàn hơn là những dự báo theo chiều hướng xấu của tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu của giới đầu tư.
Ám ảnh doanh nghiệp Việt luôn đấu với người khổng lồ
- Cập nhật : 11/07/2016
"Tôi luôn ám ảnh doanh nghiệp Việt Nam đấu với người khổng lồ", đó là chia sẻ của TS Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Theo bà Hằng, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn.Việc ban hành luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển.
Năm 2006, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng kế hoạch đầu tiên phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng gặp khó khăn không có tiền triển khai kế hoạch. Nếu ko có luật thì hỗ trợ không thể dễ dàng thực hiện.
Bà Hằng nêu vấn đề năm 2001 có Nghị định 90, năm 2009 có Nghị định 56 về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng đến nay đã đủ giải quyết vấn đề của doanh nghiệp hay chưa và tại sao? Vấn đề đặt ra với luật tạo ra sự đột phá với doanh nghiệp vừa và nhỏ không, cần tập trung vào giải pháp nào?
Luật hỗ trợ cần nhấn mạnh vào điều mà các luât khác không giải quyết được khi hỗ trợ doanh nghiệp. Đây là quan điểm bà Hằng nêu ra tại hội thảo về DN nhỏ và vừa do VCCI tổ chức
Theo Tổng thư ký VCCI, chúng ta có luật tạo điều kiện cho doanh nghiệp thành lập rồi nhưng thành lập ra thì phát triển khó khăn, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động nên luật hỗ trợ này phải tạo được hỗ trợ căn bản, giúp tỷ lệ sống sót của doanh nghiệp cao hơn hiện nay.
"Cơ chế trợ giá bóp méo thị trường, chi phí để hỗ trợ thì phải đưa theo luật quy định, nhiều thủ tục nhiêu khê, không linh hoạt trong tiếp cận nguồn lực của doanh nghiệp", bà Hằng cho hay.
Theo đó, Luật hỗ trợ cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn lực, nguồn tài chính, sản xuất, công nghệ, thị trường, nhân lực
Hỗ trợ tiếp cận nguồn tài chính, nguồn vốn doanh nghiệp có thể qua tín dụng, quỹ, thuê mua tài chính… nhiều hình thức khác nhau. Cần bổ sung giải pháp tăng tỷ lệ dư nợ tín dụng cho doanh nghiệp, đa dạng hoá loại quỹ, quỹ đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm, thúc đẩy cho vay bằng tín chấp...
Sử dụng công cụ, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như tiếp cận về công nghệ, ưu đãi về thuế...
Bà Hằng cũng nhấn mạnh về tính rõ ràng minh bạch trong Luật. Chương trình hỗ trợ phải đặt tên rõ ràng, có mục tiêu cụ thể để làm rõ tính hệ thống và tính nhất quán của chương trình.
Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần đi sát với khó khăn của doanh nghiệp hơn nữa
Bài học từ Nhật Bản
Ông Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty Economica chia sẻ: "Nhật Bản là một đất nước có nền kinh tế phụ thuộc vào doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng đến nay Nhật Bản có nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Đây là đất nước chúng ta có thể học hỏi, tham khảo trong quá trình xây dựng Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của chúng ta".
Để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành Luật cơ bản về doanh nghiệp vừa và nhỏ từ năm 1963 trong đó đưa ra các quy định khung về phát triển khối doanh nghiệp này. Tiếp đó có Luật khuyến khích hiện đại hoá các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm cải thiện nâng cao năng suất; Luật Đầu tư vào các Công ty TNHH Quy mô nhỏ...
Đến năm 1999, Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản nhấn mạnh đến việc khuyến khích sự phát triển đa dạng, mạnh mẽ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và rút ngắn khoảng cách giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ với doanh nghiệp lớn.
Khuyến khích khởi nghiệp, thúc đẩy sáng tạo, nâng cao trình độ quản lý của doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thích nghi với mọi thay đổi là những nội dung được Chính phủ đất nước mặt trời mọc chú trọng giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ nhanh chóng lớn mạnh.
Đó là bí quyết để Nhật Bản có được những doanh nghiệp khổng lồ như hiện nay.
Nhìn về bức tranh doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, giai đoạn 2005-2013, Việt Nam có khoảng 600.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập. Mục tiêu Chính phủ đưa ra đến năm 2020 Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp.
Hiện nay, số lượng doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam gấp 112 lần doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI nhưng năng suất lao động chỉ bằng 1/2 và 1/5. Tuy nhiên, lợi nhuận mà khối doanh nghiệp nhỏ và vừa mang lại chỉ bằng một nửa.
Theo vị Giám đốc Economica, khối doanh nghiệp tư nhân chỉ có 2,32% doanh nghiệp lớn; 1,36% doanh nghiệp vừa; 38,80% doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm đến 57,50%.
Ngược lại, ở khối doanh nghiệp FDI, có đến 28,86% doanh nghiệp lớn; 8,71% doanh nghiệp vừa; 54,58% doanh nghiệp nhỏ và chỉ có 7,85% doanh nghiệp siêu nhỏ.
Hiện, mục tiêu của Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ đã xác định rõ trách nhiệm vai trò và trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan Trung ương và địa phương, các tổ chức xã hội và khu vực tư nhân trong hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Để doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn nhanh, cần cụ thể hóa hơn nữa các Luật hỗ trợ doanh nghiệp.
Hải Minh
(Theo Người Đồng Hành)