“Trước đây không có hành vi cưỡng chế thì không làm gì được. Hiện nay Nghị định 108 đã bước vào giai đoạn hoàn thiện, khi có được cơ chế cưỡng chế thì UBCKNN sẽ có xử phạt và thực hiện theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật”, ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN nói về phương án xử lý đối với các doanh nghiệp Nhà nước chây ỳ niêm yết sau khi đã cổ phần hóa như Sabeco.
Thủ tướng: “Không hướng vào đất nước trên 90 triệu dân là sai lầm”
- Cập nhật : 13/07/2016
Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2016 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành Công Thương diễn ra vào chiều 12-7.
Hội nhập sâu nhưng chuẩn bị chưa tốt
Biểu dương những nỗ lực của ngành công thương trong việc duy trì tăng trưởng tốc độ sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất khẩu, đảm bảo cung- cầu hàng hóa trong nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Mặc dù mức tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm nay chưa đạt như kỳ vọng nhưng qua đó đã cho thấy ngành công thương có nỗ lực rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu thô giảm, xuất khẩu toàn cầu gặp khó khăn”.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, thời gian qua, hoạt động của ngành công thương đã bộc lộ nhiều hạn chế như: Thị trường xuất khẩu dệt may, da giày bị thu hẹp, một số chuỗi bán lẻ bị nhà đầu tư nước ngoài chi phối, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, hoạt động đa cấp biến tướng và tình trạng phân bón giả gây lộn xộn, bức xúc cho xã hội. Thủ tướng cũng phê bình công tác sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước còn chậm, chưa hiệu quả, thoái vốn còn chậm. Công tác cán bộ thời gian qua còn nhiều bất cập, ảnh hưởng uy tín của ngành; Thành tích hội nhập cần thiết nhưng công tác hội nhập chưa khai thác tốt việc thực thi và vượt qua thách thức mà hội nhập mang lại. Việc thông tin truyền thông và nhận thức của một bộ phận cán bộ công chức chưa đầy đủ, chưa nhận thức cơ hội nhất là tổ chức thị trường trong nước còn bất cập.
Thủ tướng đánh giá: Hội nhập quốc tế của Việt Nam sâu rộng nhưng chuẩn bị của Việt Nam chưa tốt. Kết quả khảo sát trong 10 nước ASEAN, nhiều doanh nghiệp được tham vấn trả lời và cho rằng họ không có sự chuẩn bị gì. Sau WTO chúng ta coi như xong, nhưng tổ chức bên trong để phát huy thế mạnh WTO thì chưa làm tốt. Chúng ta còn ít khai thác thông tin phong phú về hội nhập, cơ chế chính sách còn chậm chưa hiệu quả, chưa có ưu đãi chính sách.
Ví dụ như việc một số tập đoàn bán lẻ của chúng ta rơi vào tay nước ngoài, đó là vấn đề trăn trở. “Phân phối là khâu quan trọng nên phải tổ chức lại khâu phân phối thị trường trong nước. Không hướng vào đất nước trên 90 triệu dân là sai lầm!”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thủ tướng còn chỉ ra những yếu kém của ngành Công Thương trong việc xây dựng chiến lược cho các ngành công nghiệ; Một số ngành công nghiệp như ô tô, cơ khí, thép còn bất cập; Sự liên kết của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI còn yếu gây khó khăn cho việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển nền kinh tế. Doanh nghiệp FDI nắm bắt mọi khâu, thậm chí cả cái ốc vít, trong khi doanh nghiệp trong nước không tận dụng được điều này.
Xuất khẩu phải đạt 10%
Cho rằng những vấn đề nêu trên không thể giải quyết ngay trong 6 tháng cuối năm Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phải kế hoạch dài hơi để triển khai, đổi mới. Ngành Công Thương phải xây dựng cơ chế chính sách trong thời gian tới, đặc biệt trong tổ chức thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
“Ngành Công Thương cùng cả nước thực hiện quyết liệt, tập trung tái cơ cấu, nỗ lực phấn đấu cao nhất, bằng hoặc cao hơn mục tiêu GDP là 6,7%. Xuất khẩu năm nay phải đạt bằng hoặc cao hơn 10% so với 2015”, Thủ tướng yêu cầu.
Để đạt được mục tiêu này, ngành Công Thương cần làm việc với tinh thần khởi nghiệp, phục vụ doanh nghiệp, cái gì làm tốt hơn thì nên đề xuất. Cơ chế hỗ trợ của nhà nước cũng phải thay đổi, cần chấm dứt cơ chế xin cho, không bao cấp và hỗ trợ cho sự yếu kém. Mọi doanh nghiệp phải đi bằng đôi chân của mình. Cần có chính sách khuyến khích ưu đãi, thúc đẩy thị trường, tạo động lực và động cơ mạnh mẽ tái cơ cấu kinh tế, đạt mục tiêu; đẩy mạnh thị trường trong nước và nội địa nhưng phải hướng ra thị trường quốc tế.
Thủ tướng cũng gợi ý các giải pháp cho Bộ Công Thương như: Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp dịch vụ, công nghiệp khai khoáng, công nghiệp dịch vụ thương mại, công nghiệp hỗ trợ; có phương án phù hợp tăng xuất khẩu dầu khí; đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thị trường trong nước, tăng cường phá triển mạng lưới bán lẻ hiện đại, thúc đẩy cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam để phát triển thị trường trong nước.
Ngoài ra, từ nay đến cuối năm, tất cả các ngành hàng, tập đoàn, tổng công ty phải tập trung vào sản xuất, coi đó là giải pháp quan trọng nhất để góp phần tăng trưởng, đi liền với đó là giải pháp giảm vấn đề trì trệ, thua lỗ kéo dài.
Phan Thu
(Theo Báo Hải Quan)