tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Xuất khẩu - Nỗ lực đạt mục tiêu

  • Cập nhật : 15/07/2016

Hết nửa năm, ngành Công Thương mới chỉ hoàn thành 46,2% kế hoạch xuất khẩu cả năm, đạt hơn 82 tỷ USD, chỉ tăng chưa đầy 6%. Với mức tăng này cộng với tình hình còn nhiều khó khăn, biến động của thị trường, việc hoàn thành chỉ tiêu XK tăng 10% so với năm 2015 không dễ đạt được.

xk 6 thang thap tao ap luc khong nho cho muc tieu xk ca nam 2016. anh: nguyen hue.

XK 6 tháng thấp tạo áp lực không nhỏ cho mục tiêu XK cả năm 2016. Ảnh: Nguyễn Huế.

Nhiều yếu tố gây thấp

Liên quan công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, ông Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ sẽ tập trung rà soát, gỡ bỏ ngay các quy định về thủ tục, điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, bảo đảm tháo gỡ khó khăn, khơi dậy năng lực sản xuất kinh doanh của các DN theo tinh thần đổi mới của Luật Đầu tư và Luật DN. Vừa qua Bộ đã chỉ đạo tiến hành tập trung rà soát hơn 20 văn bản quy phạm pháp luật có các quy định về cấp phép XNK, quản lý phân bón, hóa chất, khoáng sản, an toàn thực phẩm... thuộc chức năng, phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương và đã xác định gần 50 nội dung sửa đổi, đơn giản hóa, loại bỏ. Hiện tại, mặc dù Nghị định này đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành (Nghị định số 77/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016), nhưng quá trình rà soát để tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, xóa bỏ các điều kiện không cần thiết tại các văn bản khác có liên quan vẫn đang được Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện.

Lý giải về tăng trưởng xuất khẩu đạt thấp, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, nguyên nhân chủ yếu do giá XK giảm 6,3%, bao gồm cả giảm giá dầu thô và giá XK hàng công nghiệp chế biến. Nếu loại trừ yếu tố giá giảm, tốc độ tăng kim ngạch XK 6 tháng đạt 10,1%, mặc dù thấp hơn mức tăng 13,4% của năm trước nhưng cao hơn so với mục tiêu kế hoạch đề ra của năm 2016.

 

Tuy nhiên, trong bối cảnh cung trong nước và cầu nước ngoài giảm sút, giá XK lại duy trì ở mức thấp thì tốc độ này được Bộ Công Thương nhìn nhận là khá tích cực, đặc biệt là nếu so sánh với các nước trong khu vực đều có mức tăng trưởng âm. Ông Tuấn Anh dẫn chứng, 4 tháng đầu năm, kim ngạch XK của Trung Quốc giảm 7,6%, Ấn Độ giảm 8%, Brazil giảm 3,4%, Indonesia giảm 13,6%.

Sự tăng trưởng XK trong từng ngành được phân hóa rõ rệt. Nhóm hàng nông sản, thủy sản có kim ngạch XK tăng 6%, là mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ (cùng kỳ năm ngoái giảm 8,9%). Do giá XK giảm bởi tổng cầu NK nhóm hàng này trên thị trường thế giới vẫn ở mức thấp, trong khi nguồn cung từ các nước XK khác đang gia tăng và cạnh tranh với hàng XK của Việt Nam cả về lượng và giá… đã ảnh hưởng khá lớn đến tăng trưởng kim ngạch XK nhóm hàng này. Cụ thể, trong khi lượng XK tăng giúp tăng kim ngạch XK của cả nhóm hàng 623 triệu USD thì giá XK giảm đã kéo kim ngạch XK giảm 507 triệu USD. Bù trừ giữa tăng/giảm giá và lượng thì nhóm hàng này vẫn tăng 116 triệu USD. Mức tăng thêm 116 triệu USD so với cùng kỳ của nhóm này có ý nghĩa trong việc đóng góp vào tăng trưởng kim ngạch XK chung.

Theo ông Trần Tuấn Anh, nhóm hàng công nghiệp chế biến là nhóm hàng có độ nhạy cảm cao với tổng cầu và khi tổng cầu suy giảm sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn nhóm nông sản. Trong 6 tháng đầu năm, nhóm hàng công nghiệp chế biến dù tăng 8,2% nhưng là mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2015 (tăng tới 18%). “Đây là nhóm hàng chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng hóa XK của Việt Nam, song với mức tăng trưởng không cao đã không thể là cứu cánh để kéo kim ngạch XK chung của cả nước tăng lên”, ông Tuấn Anh nhận xét. Trong khi đó, kim ngạch XK của nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản giảm tới 38,7% tác động không nhỏ tới bức tranh XK của cả nước.

"Giải quyết" từng ngành hàng

Những tháng cuối năm Bộ Công Thương đánh giá, kinh tế thế giới đang phục hồi nhưng chậm và còn nhiều rủi ro. Nhu cầu NK của các thị trường chủ lực vẫn ở mức thấp, sự sụt giảm giá của hàng hóa trên thị trường thế giới. Trong khi đó, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đã đến ngưỡng sản xuất, nhóm công nghiệp chưa xuất hiện năng lực sản xuất mới có quy mô lớn. Do vậy, mục tiêu XK tăng 10% so với năm 2015 là một nhiệm vụ khá khó khăn đối với ngành Công Thương. Tuy nhiên, ngành Công Thương vẫn phải nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ bởi Thủ tướng Chính phủ đã giao “chỉ tiêu” XK năm 2016 phải đạt bằng hoặc hơn 10% so với năm 2015.

Xác định đây là nhiệm vụ khó hoàn thành, người đứng đầu Bộ này đã đưa ra một loạt các giải pháp cụ thể đối với từng ngành hàng. Đối với mặt hàng thủy sản, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi, vận động Hạ viện Mỹ thông qua Nghị quyết hủy bỏ Chương trình giám sát cá da trơn; xử lý gỡ bỏ các rào cản kỹ thuật bất hợp lý mà một số nước đang áp dụng đối với thủy sản Việt Nam như lệnh cấm NK tôm đông lạnh của Ả rập Saudi, gỡ bỏ lệnh tạm ngừng NK của Trung Quốc, xử lý rào cản về mức giới hạn cho phép đối với kháng sinh Enrofloxacin của Nhật Bản…

Với ngành lúa gạo, Bộ này “hứa” tiếp tục thực hiện các hoạt động ngoại giao để ổn định XK gạo sang Trung Quốc, ký Bản ghi nhớ giữa 2 nước về thương mại gạo, đề nghị Trung Quốc thực hiện kiểm tra theo phương thức lấy mẫu ngẫu nhiên và sớm công bố chính thức các DN Việt Nam đủ điều kiện XK gạo vào Trung Quốc. Với các mặt hàng nông sản khác, Bộ Công Thương dự kiến tổ chức họp với các hiệp hội, doanh nghiệp XK chè, cà phê, mỳ ăn liền trong tháng 8 để tìm hiểu khả năng đẩy mạnh XK trên một số thị trường, trong đó có Nga, Belarus, Kazakhstan.

Đáng chú ý, ngành dệt may, da giày hiện đang được coi là ngành mũi nhọn, đóng góp khá lớn vào kim ngạch XK của Việt Nam cũng được Bộ Công Thương “quan tâm” bằng việc tổ chức họp với hiệp hội 2 ngành hàng này để nhận diện và xử lý dứt điểm các vướng mắc về thủ tục XNK, trong đó có  khó khăn khi thực hiện kiểm tra hàm lượng formaldehyde theo quy định của Thông tư 37/2015/TT-BCT. Không chỉ vậy, DN dệt may còn đang rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng, một số đơn hàng số lượng lớn, gia công đơn giản, yêu cầu chất lượng cao khách hàng chuyển sang một số nước như Bangladesh, Campuchia…

Kim ngạch NK 6 tháng đầu năm giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2015. Xuất siêu 6 tháng đầu năm ước khoảng 1,54 tỷ USD, bằng khoảng 1,9% kim ngạch XK. Giá NK của các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu giảm mạnh so với cùng kỳ khiến tổng kim ngạch NK giảm mặc dù lượng NK các mặt hàng hầu hết đều tăng, như sắt thép, xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu, cao su, giấy, xơ sợi dệt, kim loại... Trong 22 mặt hàng tính được về giá và lượng thì tác động do giá NK giảm đã làm giảm kim ngạch NK 4,95 tỷ USD, do lượng NK tăng góp phần tăng kim ngạch NK 4,46 tỷ USD. Tính chung bù trừ giữa tăng/giảm giá và lượng đã khiến cho kim ngạch NK cả nước tăng 490 triệu USD.

Cũng theo Bộ này, lượng NK của một số hàng hóa là đầu vào quan trọng cho sản xuất như: Sắt thép, xăng dầu, khí hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu, cao su, giấy, xơ sợi dệt, kim loại... vẫn tăng, phù hợp với mức tăng của công nghiệp chế biến chế tạo. Vì vậy, NK giảm 6 tháng đầu năm chưa hẳn thể hiện dấu hiệu tiêu cực.

 

Phan Thu
(Theo Báo Hải Quan) 
Trở về

Bài cùng chuyên mục