Chiều 31/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Nguyễn Văn Nên chủ trì buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 7 để thông tin về những vấn đề mà báo chí và nhân dân quan tâm; trả lời các câu hỏi liên quan.
Thách thức sau tăng trưởng cao của du lịch
- Cập nhật : 15/07/2016
Đối tượng khách doanh nhân nên là một trong những thị phần cần được quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới.
Thách thức sau những thành công
Tiếp nối thành công thu hút 7,9 triệu lượt khách quốc tế vào năm ngoái, trong 6 tháng đầu năm 2016, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 4,7 triệu lượt, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, ngành du lịch còn phục vụ khoảng 32,4 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch nửa đầu năm nay ước đạt 200.339 tỷ đồng, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2015. Du lịch cũng trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam.
Theo một nghiên cứu về ngành du lịch của Savills, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Sự tăng trưởng này được tạo nên do một lượng lớn các khách sạn quốc tế gia nhập thị trường, các chuyến bay trực tiếp gia tăng nhanh chóng, kèm theo chính sách cởi mở về thị thực nhập cảnh và mức đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng…
Chẳng hạn như về dịch vụ lưu trú, cùng với sự gia tăng nguồn cầu, các nhà đầu tư cũng hướng sự chú ý đến thị trường khách sạn ngày càng nhiều hơn. Trong những năm gần đây liên tục xuất hiện nhiều dự án khách sạn, resort đẳng cấp quốc tế, có sự tham gia của các kiến trúc sư nổi tiếng toàn cầu, toạ lạc ở những vị trí ven biển đắc địa.
Ngoài ra, chúng ta đã xây dựng nhiều sân golf chất lượng, khu vui chơi giải trí hiện đại... Những điểm đến nổi bật tại Việt Nam cũng được dự đoán sẽ tiếp tục chuyển mình phát triển mạnh mẽ trong năm 2016 và những năm kế tiếp.
Tuy nhiên, giá phòng trung bình ở Việt Nam còn cao so với nhiều nước trong khu vực. Kết quả khảo sát ngành dịch vụ khách sạn Việt Nam 2015 do Grant Thorton công bố mới đây cho thấy, doanh thu ngành dịch vụ khách sạn Việt Nam cán mức 338.000 tỷ đồng (tương đương 15 tỷ USD), tăng gần 5 tỷ USD so với năm 2014.
Trong khi đó, một khó khăn “đặc thù” của du lịch Việt là nguồn nhân lực ngành dịch vụ khách sạn khá mỏng. Toàn thị trường cần 40.000 lao động, nhưng hiện chỉ mới có 15.000 người tốt nghiệp ngành này.
Một điểm “đi xuống” đáng chú ý khác, ngay trong xu hướng tăng trưởng của du lịch Việt, cũng được chỉ ra. Mặc dù Việt Nam luôn là điểm đến đầu tư của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, EU… nhưng đại diện Grant Thorton tỏ ra lo ngại khi lượng khách doanh nhân đến Việt Nam đang giảm.
Khuyến nghị đối với Việt Nam, Grant Thorton cho rằng đối tượng khách doanh nhân nên là một trong những thị phần cần được quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới.
Thêm sức hút cho du lịch Việt
Năm 2015, Hàn Quốc vươn lên vị trí thứ hai trên thế giới về tổ chức các hội nghị, hội thảo toàn cầu, chỉ đứng sau Mỹ, tổ chức đến 7,5% tổng số hội nghị trên toàn thế giới. Có được kết quả này không chỉ nhờ sự hỗ trợ từ Chính phủ trong hoạch định chính sách, chiến lược, mà còn nhờ phát triển cơ sở hạ tầng toàn quốc.
Đây là các yếu tố quan trọng thúc đẩy năng lực cạnh tranh MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác).
Trong vòng mấy năm trở lại đây, Hàn Quốc đẩy nhanh việc cải thiện cơ sở vật chất để hướng tới đăng cai tổ chức Olympic Mùa đông 2018 tại Pyeongchang (tỉnh Gangwon), tiếp tục mở rộng để tổ chức Hội chợ Du lịch MICE Hàn Quốc tại Songdo ConvensiA (quận kinh doanh quốc tế Incheon).
Cơ sở vật chất mới xây dựng phục vụ tổ chức hội nghị gồm có Trung tâm Văn hóa châu Á ở phía Đông Nam thành phố Gwangju và Trung tâm Hội nghị quốc tế Hwabaek ở phía Tây Nam Gyeongju...
Đặc biệt, trong hồ sơ tổ chức hội nghị thường niên của Hàn Quốc thường gồm những hội nghị quy mô quốc tế, kèm theo là nhiều chương trình hỗ trợ đặc biệt, từ ăn uống cho đến các hội nghị quy mô lớn do Cục Du lịch MICE Hàn Quốc (thuộc Tổng cục Du lịch Hàn Quốc) tổ chức. Trong đó bao gồm thêm cả các tour du lịch quanh thành phố cho các đại biểu, khẩu hiệu chào mừng tại sân bay, băng-rôn sự kiện, đồ lưu niệm, gian hàng trưng bày và nhiều hoạt động bổ trợ khác.
Mô hình thúc đẩy phát triển du lịch từ hai phía của Hàn Quốc nêu trên, gồm “cởi trói” chính sách từ Chính phủ và huy động đầu tư xã hội, cũng đang được Việt Nam thực hiện. Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành quyết định gia hạn miễn thị thực thêm 1 năm cho công dân 5 nước gồm Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha bắt đầu từ 1/7.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang miễn visa đơn phương cho 13 nước và miễn visa song phương với 9 nước ASEAN. Từ đầu năm 2017, visa điện tử và visa cấp tại cửa khẩu sẽ được áp dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách quốc tế dễ dàng xin visa đến Việt Nam.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng lượng khách của 5 nước Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha đã tăng hơn 62.000 lượt so với cùng kỳ năm 2015, thời điểm chưa áp dụng chính sách miễn thị thực.
Làm một phép tính đơn giản, với 62.000 lượt khách tăng thêm có mức chi tiêu trung bình tại Việt Nam khoảng 1.316 USD/lượt người, ước tính lợi ích kinh tế đem lại cho du lịch Việt Nam từ nhóm đối tượng khách này lên tới hơn 170 triệu USD (trực tiếp, gián tiếp và lan tỏa).
Đồng thời, đây cũng là những quốc gia mà Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư, nên việc đơn giản hóa thủ tục và “nới” thời hạn thị thực như trên cũng được kỳ vọng sẽ góp phần thu hút đối tượng du khách doanh nhân từ các quốc gia này đến Việt Nam.
Còn về dịch vụ lưu trú cao cấp và sảnh hội thảo… theo báo cáo của Savills, từ quý III/2016 trở đi, 33 dự án khách sạn dự kiến sẽ gia nhập thị trường Hà Nội, với 15 dự án trong số đó dự kiến cung cấp khoảng 4.700 phòng còn lại hiện chưa có quy mô chính thức.
Tại TP. Hồ Chí Minh, một khách sạn 4 sao và bốn khách sạn 3 sao gia nhập thị trường. Từ quý III/2016 đến 2018, hơn 3.100 phòng khách sạn khác từ 14 dự án dự kiến sẽ gia nhập thị trường. Đây là cơ sở để dịch vụ MICE có thêm cơ hội phát triển tại Việt Nam.
Trần Hà
(Thời báo Ngân hàng)