Chiếm 20% tổng chi ngân sách mỗi năm (tương đương 200 ngàn tỷ đồng), các khoản chi mua ô tô, trang thiết bị cho cơ quan nhà nước đang trở thành bài toán đau đầu với Bộ Tài chính. Nếu tổ chức mua sắm tập trung sẽ “gọt” bớt được khoảng 30 nghìn tỷ đồng/năm.
Thủ tướng: Đừng để lạm phát thấp quá!
- Cập nhật : 04/09/2015
(Tin kinh te)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, lạm phát đừng để thấp quá mà cần chủ động kiểm soát theo mục tiêu để tạo thuận lợi cho nền kinh tế phát triển...
Trong hai ngày 31/8 và 1/9/2015, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2015.
Tại phiên họp, Chính phủ nghe, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2015, dự báo cả năm 2015 và định hướng năm 2016; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách Nhà nước 2016; báo cáo kết quả tái cơ cấu DNNN 8 tháng năm 2015...
Theo đó, Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực trong bối cảnh diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới (giá dầu giảm, sự phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc và các đồng tiền khác, diễn biến bất thường của các thị trường chứng khoán trên thế giới...).
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định tích cực, lạm phát thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 giảm 0,07%. Tín dụng đối với nền kinh tế đến ngày 20/8 tăng 9,3%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng ước đạt gần 106 tỉ USD, tăng 9%. Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 67% dự toán năm, tăng 7% so với cùng kỳ. Tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 13 tỉ USD, tăng hơn 30%; vốn thực hiện ước đạt 8,5 tỉ USD, tăng 7,6%.
Các ngành kinh tế tiếp tục phát triển tích cực; khu vực công nghiệp tăng mạnh, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng tăng 9,9%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng tăng hơn 10%, cho thấy sức mua tiếp tục phục hồi tích cực.
Bên cạnh kết quả đạt được, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối diện một số khó khăn, thách thức như giá dầu thô thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, trong tháng 8/2015, có lúc đã xuống dưới 40 USD/thùng, ảnh hưởng đến thu ngân sách, cán cân thương mại; việc thực hiện tái cơ cấu còn chậm; sản xuất và tiêu thụ nông sản vẫn còn nhiều khó khăn.; giá nông sản trên thị trường thế giới tiếp tục xu hướng giảm…
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt kết quả khá toàn diện mặc dù nền kinh tế đối diện nhiều khó khăn, thách thức, bị ảnh hưởng bởi những biến động gần đây của kinh tế thế giới.
“Kết quả này tạo tiền đề thuận lợi để những tháng cuối năm, nếu không có gì đột biến, thì chúng ta có khả năng hoàn thành 14 chỉ tiêu năm 2015 như đã báo cáo Quốc hội”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý những biến động khó lường của kinh tế thế giới thời gian qua tác động không nhỏ tới Việt Nam trên cả 2 mặt đan xen, cả thuận lợi, cơ hội cũng như khó khăn, thách thức.
“Bước đầu chúng ta đã ứng phó hiệu quả nhưng không được chủ quan. Phải bám sát tình hình, phản ứng chính xác, nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả; chủ động đưa ra những giải pháp chính sách nhằm hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực, khai thác tốt nhất các mặt thuận lợi. Phải làm sao biến thách thức thành cơ hội. Tinh thần là bám sát các mục tiêu đã đề ra, nỗ lực đạt kết quả cao nhất” - Thủ tướng nêu rõ.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
"Lạm phát đừng để thấp quá mà cần chủ động kiểm soát theo mục tiêu để tạo thuận lợi cho nền kinh tế phát triển”, Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng yêu cầu theo dõi sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước, nhất là các động thái của các quốc gia có tác động lớn đến Việt Nam để phối hợp thực hiện đồng bộ, kịp thời các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác nhằm thực hiện mục tiêu đã đề ra từ đầu năm.
Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát và tình hình kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, kiểm soát tỷ giá, thị trường ngoại hối.
Bộ Tài chính tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước. Theo dõi sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới để chủ động có những giải pháp ứng phó kịp thời.
Các ngành, các cấp tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân tất cả các nguồn vốn, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, công trình thủy lợi cấp bách, qua đó làm tăng tổng cầu và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.