Với vị thế của mình, TP HCM nên khởi xướng và tiên phong trong liên kết vùng. Cách làm này cũng phát huy được sở trường của TP là khả năng tạo ra sự đột phá và triển khai những cái mới
Vụ trưởng Vụ chính sách thuế: Năm nay dự kiến thiếu 20.000 tỷ tiền hoàn thuế
- Cập nhật : 04/09/2015
(Tin kinh te)
Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính, dự thảo bổ sung, sửa đổi các Luật Thuế sẽ được trình lên và thông qua ngay tại Kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới.
Sáng nay (1/9/2015), Bộ Tài chính và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế.
Dự thảo Luật dự kiến sửa đổi 27 nội dung liên quan đến 6 Luật thuế hiện hành và Luật quản lý thuế, bao gồm: (i) Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) (ii) Luật thuế Thu nhập cá nhân, (iii) Luật thuế giá trị gia tăng, (iv) Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (v) Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, (vi) Luật thuế bảo vệ môi trường và (vii) Luật Quản lý thuế.
Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính, dự thảo này sẽ được trình lên và thông qua ngay tại Kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới, do đó các ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được Bộ tài chính lắng nghe và sửa đổi để hoàn chỉnh trong thời gian rất ngắn.
Các nội dung đáng chú ý trong dự thảo lần này được các doanh nghiệp và các Hiệp hội quan tâm gồm: Về sửa đổi bổ sung Luật thuế TNDN (9 nội dung) có sửa đổi, bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp được bù trừ lãi từ chuyển nhượng bất động sản với lỗ từ sản xuất kinh doanh (bù trừ 2 chiều); khống chế chi phí lãi tiền vay không được trừ vào chi phí đối với khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu (vốn mỏng).
Theo đó, khi Luật này có hiệu lực thì tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu là (5:1) đối với lĩnh vực sản xuất và (4:1) đối với lĩnh vực còn lại, đến năm 2019 sẽ là (4:1) với lĩnh vực sản xuất và (3:1) với lĩnh vực còn lại.
Nội dung này đã vấp phải sự phản đối của nhiều doanh nghiệp và Hiệp hội, đặc biệt là Hiệp hội Dệt may và Vật liệu xây dựng vì cho rằng ngành dệt may chủ yếu gia công nên vốn của chủ sở hữu không nhiều.
Về sửa đổi bổ sung Luật Thuế TNCN, điểm tranh cãi nhiều nhất là nâng mức doanh thu để xác định cá nhân kinh doanh không thuộc diện nộp thuế TNCN từ mức 100 triệu đồng/năm lên 150 triệu đồng/năm. Điểm này theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế Việt Nam, sẽ gây nên bất cập trong việc thu thuế.
Bởi nếu cá nhân có doanh thu 150 triệu đồng được miễn thuế, nhưng 151 triệu đồng/năm lại phải đóng thuế 10% (tức là 15 triệu đồng) thì không hợp lý. Nên chăng việc thu thuế từ 150 triệu đồng trở lên nên tính 10% với 1 triệu đồng thay vì tính 10% với 151 triệu đồng.
Đối với Luật quản lý thuế, dự thảo bổ sung quy định xóa nợ thuế cho doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thực hiện sắp xếp lại theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu có số nợ thuế lớn hơn hoặc bằng vốn chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp hoặc DNNN đã cổ phần hóa nhưng nợ thuế chưa được trừ vào vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khi chuyển đổi sở hữu.
Về tỷ lệ tính tiền chậm nộp, sửa đổi quy định về tỷ lệ tính tiền chậm nộp thuế tại Luật quản lý thuế theo hướng không quy định mức cụ thể tại Luật mà giao Chính phủ quy định phù hợp với từng thời kỳ (hiện hành là 0,05%/ngày trên số tiền nộp chậm). Bổ sung quy định không xử phạt người nộp thuế do lỗi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền vào Khoản 2 Điều 106 Luật quản lý thuế.
Trả lời về vấn đề này, ông Phạm Đình Thi cho biết không phải doanh nghiệp nào cũng được xóa nợ thuế, những doanh nghiệp có khó khăn khách quan nhưng đã nộp hết tiền nợ gốc thì được xóa nợ tiền nộp chậm. Các doanh nghiệp đã giải thế phá sản nhưng không theo luật thì những trường hợp này không xử lý được.
Ông Phạm Đình Thi cho biết dự thảo này liên quan đến rất nhiều nội dung, đặc biệt vấn đề vốn mỏng. Nhiều doanh nghiệp sử dụng trên 90% vốn vay và chi phí tài chính chiếm tỷ lệ lớn, nhiều dự án đầu tư hàng nghìn tỷ thậm chí lỗ triền miên. Thời gian qua Bộ Tài chính đã phải trình Chính phủ những dự án nào đang đầu tư sai, công nghệ chọn sai, trong đó có khoản chiếm tới hơn 90% là vốn vay nên Bộ Tài chính đưa ra nội dung khống chế tỷ lệ vay để bản thân DN nhận thức vấn đề này.
Vấn đề thuế GTGT và hoàn thuế, theo ông Phạm Đình Thi, năm nay dự kiến thiếu 20.000 tỷ tiền hoàn thuế nhưng không phải vì không quản được mà cấm. Nhưng từ thực tế, phải quy định thế nào để đảm bảo nguồn thu ngân sách và đảm bảo thuận lợi cho người nộp thuế, đảm bảo minh bạch, rõ ràng.
Bộ Tài chính đề xuất đối với nông, thủy sản xuất khẩu không phải kê khai tính thuế GTGT, thứ nhất người xuất khẩu không phải ứng vốn để trả thuế, thứ hai là chống gian lận trong việc kê khai hoàn thuế, trước đây có trường hợp cơ quan điều tra phát hiện ra có doanh nghiệp lợi dụng lên tới 1.000 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Đình Thi, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu ý kiến của các bên và các Bộ ngành trung ương để hoàn chỉnh dự thảo này.