(Tin kinh te)
Việc các tổ chức và các quốc gia bạn cắt giảm nguồn vốn ODA cho Việt Nam không phải là điều thuận lợi nhưng lại giúp chúng ta tăng cường kỷ luật tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia cao cấp tài chính ngân hàng.
Trao đổi với BizLIVE, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho biết việc Việt Nam bị cắt giảm nguồn vốn ODA trong thời gian tới mặc dù không phải là điều thuận lợi nhưng lại giúp chúng ta tăng cường kỷ luật tài chính.
Giai đoạn 2016 - 2020, một loạt các tổ chức quốc tế lớn và nhiều quốc gia sẽ giảm và không tiếp tục tài trợ vốn ODA cho Việt Nam. Theo ông, điều này sẽ ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam?
Với sức tăng trưởng kinh tế trong những năm qua Việt Nam không còn thuộc nhóm các nước nghèo và vì thế những nguồn tài trợ từ các tổ chức thế giới như WB và ADB càng ngày càng giảm.
Đây là điều hợp lý nhưng lại gây những khó khăn tài chính cho Việt Nam, khi những món vay ưu đãi với thời hạn dài và lãi suất rất thấp càng ngày càng giảm. Tình hình nợ công vẫn không có sự cải thiện đáng kể và nhất là nợ nước ngoài và các tổ chức quốc tế ngày càng tăng.
Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã phải dùng đến biện pháp đảo nợ để thực hiện nghĩa vụ trả nợ nước ngoài bằng cách vay nợ mới để trả nợ cũ.
Dĩ nhiên trong nhiều trường hợp việc đảo nợ là hợp lý nếu các món nợ mới có lãi suất thấp và thời gian trả nợ được kéo dài để thay thế các món nợ cũ có lãi suất cao và thời hạn trả nợ ngắn.
Nhưng nói chung đảo nợ chỉ là những biện pháp đối phó. Một kế hoạch trả nợ để giảm nợ là cách giải quyết chung kết, còn nếu không đảo nợ sẽ dẫn đến nợ chồng nợ và rủi ro nợ sẽ xuất hiện.
Việc các tổ chức và các quốc gia bạn cắt giảm nguồn vốn ODA cho Việt Nam không phải là điều thuận lợi nhưng lại giúp chúng ta tăng cường kỷ luật tài chính.
Khi Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có thu nhập thấp đã giúp Việt Nam vay vốn dễ dàng với những điều kiện và lãi suất ưu đãi, nhưng cũng chính vì điều này đã tạo nên sự ỷ lại vào ngoại viện và làm tăng nợ nước ngoài nhanh chóng.
Hậu quả là nợ công Việt Nam đang tiến dần đến ngưỡng cho phép là 65% GDP. Việc giảm lệ thuộc vào nguồn tài trợ nước ngoài giúp chúng ta siết chặt lại kỷ luật tài khóa (fiscal discipline).
Một điều nữa cũng đáng quan tâm là điểm tín nhiệm quốc gia của Việt Nam còn thấp. Với ba công ty xếp hạng tín nhiêm quốc gia Standard & Poor’s, Moody’s và Fitch Ratings, Việt Nam được xếp hạng không khuyến khích đầu tư - mang tính đầu cơ (non-investment grad - speculative), những trái phiếu do Chính phủ Việt Nam phát hành sẽ phải trả lãi suất cao vì độ rủi ro cao, theo xếp hạng tín nhiệm của các công ty trên.
Việc thắt chặt kỷ luật tài khóa giúp chúng ta giảm lệ thuộc vào việc vay vốn trên thị trường tài chính thế giới và tránh phải trả lãi suất cao.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016 - 2020, với nhiều kế hoạch đã được công bố, Việt Nam có rất nhiều kế hoạch đầu tư lớn cho hạ tầng, giao thông, nền kinh tế... Tổng mức đầu tư dự kiến lên tới nhiều tỷ USD. Với việc cắt giảm nguồn vốn ODA lớn như vậy, theo ông Việt Nam liệu có thiếu vốn đầu tư?
Điều này có thể xảy ra nếu chúng ta dựa phần lớn vào nguồn vốn vay từ các chính phủ và các tổ chức quốc tế để triển khai những kế hoạch đầu tư lớn.
Để đối phó với rủi ro này chúng ta cần xây dựng thị trường vốn để đón nhận những nguồn đầu tư từ các quỹ đầu tư, các nguồn vốn tư nhân.
Hiện nay thị trường tiền tệ của Việt Nam phát triển mạnh nhưng thị trường vốn còn rất giới hạn. Bộ tài chính và Ủy ban Chứng khoán cần triển khai kế hoạch phát triển thị trường vốn trong vòng 3-5 năm tới.
Đặc biệt, trong bối cảnh TPP sẽ có thể được ký kết trong vòng 2 năm tới, thị trường vốn của Việt Nam nên chuẩn bị đón nhận những dòng vốn đầu tư nước ngoài khi những nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư vào Việt Nam để tận dung lợi thế của Việt Nam là một thành viên của TPP.
Tuy nhiên, như đã trình bày ở phần trên, Việt Nam cần nâng hạng tín nhiệm quốc gia lên cấp khuyến khích đầu tư (investment grade) trong vòng 3 năm tới.
Với việc không có nhiều vốn ODA nữa, theo ông, Việt Nam cần làm gì để thu hút được vốn đầu tư cho phát triển?
Như đã trình bày ở trên, Việt Nam cần xây dựng và phát triển thị trường vốn để đón nhận dòng vốn đầu tư trung và dài hạn từ các tổ chức tài chính tư nhân nước ngoài, các quỹ đầu tư, các tổ chức tài chính phi chính phủ để thay thế dòng vốn vay ODA đang cạn dần.
Thị trường vốn cũng cần có những công cụ tài chính đa dạng và tiên tiến để thu hút nguồn vốn đầu tư từ cá nhân và các tổ chức kinh tế trong nước.
Tuy nhiên, tại thời điểm này việc thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài không phải là điều dễ dàng vì hiện nay đang có dấu hiệu của một sự chuyển dịch vốn từ các thị trường mới nổi với nhiều rủi ro trong đó có Trung Quốc sang các thị trường truyền thống với ít rủi ro hơn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
VŨ MINH
Theo Bizlive