Phân tích về việc gia tăng số DN ngừng hoạt động trong thời gian qua, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN nước ta hiện nay còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Từ công nghệ cho đến máy móc thiết bị, thậm chí đến đầu ra sản phẩm của các DN cũng bị phụ thuộc rất lớn vào điều này.
Làm gì để tránh tận thu, vắt kiệt sức dân?
- Cập nhật : 02/04/2016
(Tin kinh te)
Hiện nay chúng ta thu nhiều quá, vắt kiệt sức doanh nghiệp, sức dân.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh: Nếu một dự án đầu tư sai, kém hiệu quả, lãng phí thì phải có người chịu trách nhiệm.
Nhân tố chủ yếu gây ra nợ
. Phóng viên: Ngân sách quốc gia đang rơi vào tình cảnh khó khăn, đến mức Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phải thốt lên“mấy năm nay, điều hành ngân sách như kiểu đi trên dây. Năm 2016 tiếp tục đi trên dây. Cứ tình hình này kéo sang năm 2017, dây mà đứt thì chúng ta chết”. Trong khi đó, nợ công đã vượt quá con số quy định. Ông có bình luận gì về điều này?
+ TS Nguyễn Minh Phong: Nợ công của chúng ta tăng nhanh hơn dự báo. Điều nguy hiểm hơn nữa là chúng ta tính chưa đúng, chưa đủ nợ, nhất là nợ công. Nếu tính đúng, tính đủ thì số nợ có thể sẽ gây choáng. Tiếp nữa là các nguồn gây nợ không được kiểm soát và doanh nghiệp nhà nước vẫn là những đầu mối, nhân tố chủ yếu gây ra nợ.
. Bội chi ngân sách, nợ nước ngoài tăng trong khi chi thường xuyên cho khối hành chính rất cao. Vậy có phải bộ máy nhà nước quá cồng kềnh là một trong nguyên nhân chính đã làm cho chi ngân sách và nợ công tăng cao?
+ Việc chi cho bộ máy nhà nước cũng là nguyên nhân gây ra mất cân đối ngân sách. Chi đúng theo nhiệm vụ của Nhà nước cũng đã là một khoản chi lớn rồi.
Chẳng hạn, đối với dự án xuyên hầm Đèo Cả, vốn chỉ đứng sau dự án hầm Hải Vân. Dự án này được duyệt với 21.000 tỉ đồng nhưng vào một ngày đẹp trời, chủ đầu tư dự án “vẽ” lại do có những bất hợp lý. Lập tức dự án giảm được 1 km đường hầm, 2 km đường dẫn và dự án giảm được hơn 5.000 tỉ đồng.
Việt Nam có hàng ngàn dự án kiểu như vậy, do quy hoạch, do thiết kế chất lượng thấp gây ra lãng phí. Đấy là chưa kể trong quá trình triển khai, dự án còn bị rút ruột, đội giá, tăng đầu tư, tăng bảo trì. Không thâm hụt ngân sách mới là lạ.
. Nhiều ý kiến lo ngại hiện nay đang có xu hướng chỉ chăm chăm vào tăng thuế từ người dân và doanh nghiệp để bù đắp thiếu hụt ngân sách. Ví dụ đề xuất tăng thuế môn bài lên 2-3 lần thuế hay thuế phí hiện đã chiếm đến khoảng 57% trong giá mỗi lít xăng dầu… Điều này sẽ khiến dân và doanh nghiệp bị vắt kiệt sức?
Hiện nay thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu… vẫn đang giảm. Nhưng đúng là chúng ta đang tăng thuế bảo vệ môi trường, hay gần đây là việc dự định tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số ngành, hàng như thuốc lá, rượu, bia… Đương nhiên, điều đó sẽ làm cho các doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng này giảm thu nhưng ngân sách sẽ tăng.
Đánh thuế quá cao sẽ triệt tiêu động lực phát triển. Trong ảnh: Thuế, phí hiện chiếm rất cao trong cơ cấu xăng dầu. Đồ họa: T.HOAN
Phải có người chịu trách nhiệm
. Theo ông, làm sao để tránh tình trạng tận thu của người dân và doanh nghiệp?
+ Trong khả năng của Việt Nam, những việc có thể làm được ngay là cải cách thể chế, cải cách cơ chế quản lý đầu tư. Bộ máy chính quyền phải được thiết lập ở mức độ tối giản, bao gồm các đối tượng được chi và mức độ chi; bộ máy nào được chi và bộ máy nào cần được xã hội hóa. Chúng ta phải giảm dần việc chi cho các tổ chức chính trị - xã hội khác.
Trong mức độ hiện nay, có thể làm ngay được việc giảm các chức năng đầu tư của Nhà nước, tăng xã hội hóa. Tóm lại, Nhà nước phải giảm bớt tư cách đầu tư, chỉ còn lại là Nhà nước thiết kế, kiểm soát, chi phối, điều phối, hỗ trợ đầu tư. Đây là biện pháp rất quan trọng. Nếu Nhà nước vẫn còn là nhà nước đầu tư, thì Nhà nước sẽ tiếp tục thu ngân sách để đầu tư, sẽ vẫn còn thất thoát, kém hiệu quả.
Tiếp nữa là phải có cơ chế trách nhiệm rất rõ. Nếu một dự án đầu tư sai, kém hiệu quả, lãng phí thì phải có người chịu trách nhiệm. Nếu tập thể chịu trách nhiệm thì không ổn.
Cuối cùng, việc lập dự án và tìm vốn đầu tư phải đi đôi với nhau. Cấp nào lập dự án, cấp đó phải đi tìm vốn đầu tư. Đây là một quan điểm rất mới. Nếu không chúng ta sẽ tiếp tục bị thâm hụt ngân sách. Bởi việc lập dự án có thể chỉ là để khoe thành tích hoặc kỳ vọng vào dự án đó, rồi nâng cấp thành dự án quốc gia, rồi “bắt” Bộ Tài chính đi tìm tiền thì lấy đâu ra tiền.
. Nhưng trên thực tế, hiện vẫn còn những dự án ngàn tỉ nằm “đắp chiếu”, hay tình trạng đầu tư theo kiểu “vung tay quá trán”. Do vậy, nhiều ý kiến đề nghị cần phải đình chỉ ngay những công trình xây dựng cơ bản đã được phê duyệt gần đây, nếu những công trình ấy không cần thiết?
+ Tôi đồng ý với quan điểm này. Chẳng hạn về sân bay, cần phải quy hoạch xem Việt Nam cần bao nhiêu sân bay, rồi sẽ phân bổ sân bay ở đâu và phải do trung ương làm. Chứ không phải các địa phương nói cần phải có sân bay rồi vận động trung ương ủng hộ, lập thành dự án quốc gia.
Theo một tính toán của Viện Kinh tế Việt Nam cách đây vài năm, nếu tính các dự án đã được phê duyệt thì tổng vốn cần có đã lên tới trên 2.000 tỉ USD. Chúng ta phải mất hàng trăm năm nữa chỉ để thu ngân sách và chi thì may ra mới đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư.
Chúng ta thu nhiều quá
TS Võ Đại Lược, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, cho rằng Việt Nam là nước nghèo, quy mô nền kinh tế còn nhỏ. Để tăng ngân sách, chúng ta phải có nhiều nguồn thu. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta thu nhiều quá, vắt kiệt sức doanh nghiệp, sức dân. Nói đơn giản như giá xăng, như báo chí thông tin, riêng thuế, phí đã chiếm tới khoảng 57%. Đáng lo hơn gần đây cơ quan chức năng còn có một số động thái như đề xuất việc tăng thu thuế môn bài, tăng các loại phí thiết yếu khác... Điều này sẽ làm giảm đi động lực và nguồn lực phát triển trong dân và trong doanh nghiệp.
Đồng tình, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng cho rằng nếu chúng ta biết cân đối ngân sách một cách hợp lý, chi tiêu thỏa đáng thì có lẽ việc điều hành ngân sách đã không “như đi trên dây” mà bộ trưởng Bộ Tài chính vừa trần tình trước Quốc hội.
Thu không đủ chi, đó là một thực tế trong nhiều năm gần đây mà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đã đề cập. Lẽ ra cần phải cắt giảm chi thường xuyên, chi đầu tư vào những công trình xây dựng chưa thật cần thiết hoặc chưa bố trí chắc được nguồn vốn, kiên quyết chống lãng phí, tham nhũng. Nhưng chúng ta lại tìm mọi cách để tăng nguồn thu, tăng mức thu.
“Điều này không tốt cho việc quản trị, điều hành kinh tế, không phù hợp với việc giảm bớt tỉ lệ thu ngân sách trên GDP, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế dân doanh phát triển như định hướng phát triển mà Đảng và Nhà nước đã xác định. Nó cũng không phù hợp với triết lý “khoan sức dân” của cha ông ta khi muốn chấn hưng đất nước.
CHÂN LUẬN
Theo Plo.vn