Để tạo bước ngoặt cho cuộc cải cách kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu "gập ghềnh phục hồi", Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng; khắc phục “bẫy thu nhập trung bình”...
Nợ công đang tăng nhanh về cả quy mô và tốc độ
- Cập nhật : 25/09/2015
(Tin Kinh Te)
Báo cáo thẩm tra Đoàn thư ký kỳ họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra rằng, nợ công đang có xu hướng tăng cả về quy mô và tốc độ. Tốc độ tăng nợ công nhanh hơn tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước trong khi tốc độ tăng GDP thấp ảnh hướng tới tính bền vững.
Tốc độ tăng nợ công nhanh hơn tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước trong khi tốc độ tăng GDP thấp ảnh hướng tới tính bền vững.
Báo cáo Chính phủ về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội cho hay, về kiểm soát nợ công, Chính phủ khẳng định việc điều hành vay và trả nợ đã thực hiện đúng theo Nghị quyết của Quốc hội.
Theo Chính phủ, việc huy động và sử dụng nợ công chủ yếu tập trung cho đầu tư phát triển với trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng, phần còn lại được đưa vào ngân sách nhà nước chi cho đầu tư phát triển (1,5%) và một phần chi sự nghiệp trong các dự án vay ODA theo cam kết (0,4%). Nhiều công trình quan trọng, thiết yếu về giao thông, điện, viễn thông, nước, thủy lợi, y tế, giáo dục... đã hoàn thành, phát huy hiệu quả.
Các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ được quản lý chặt chẽ hơn, tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát đối với hình thức cho vay lại. Chính phủ đã tăng cường quản lý để bảo đảm các chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép, tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2014 khoảng 13,8%, năm 2015 dự kiến khoảng 16,1% (quy định không quá 25%).
Ngoài ra, trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định hơn, Chính phủ sử dụng một phần vay mới với kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn để đảo nợ, góp phần làm giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và giảm chi phí vay vốn; việc đảo nợ không làm tăng tổng số nợ công, phù hợp với Luật Quản lý nợ công cũng như thông lệ quốc tế.
Tại Báo cáo thẩm tra, Đoàn thư ký kỳ họp nhận định, cơ cấu nợ Chính phủ tiếp tục thay đổi theo hướng tăng dần tỷ trọng vay nợ trong nước với lãi suất huy động có xu hướng giảm dần. Từ năm 2014, Chính phủ đã chủ động kéo dài kỳ hạn phát hành nhằm giảm dần áp lực trả nợ ngắn hạn và giảm dần đảo nợ. Việc phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế góp phần cơ cấu lại danh mục nợ gốc trái phiếu quốc tế của Chính phủ.
Chính phủ cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí trả nợ đầy đủ, đúng hạn, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Việc huy động và sử dụng nợ công chủ yếu tập trung cho đầu tư phát triển.
Tính đến cuối năm 2014, nợ công của Việt Nam, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia vẫn bảo đảm các chỉ tiêu nợ trong giới hạn cho phép. Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức phát hành chủ yếu là trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Tính đến ngày 31/12/2014, dư nợ công bằng 59,4% GDP, dư nợ Chính phủ bằng 47,1%GDP, dư nợ ngoài nước bằng 40,3%GDP.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra, nợ công đang có xu hướng tăng cả về quy mô và tốc độ. Tốc độ tăng nợ công nhanh hơn tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước trong khi tốc độ tăng GDP thấp ảnh hướng tới tính bền vững; cơ cấu nợ công chưa hợp lý; việc quản lý, sử dụng vốn vay cũng chưa thật sự đạt hiệu quả cao.
Chính vì vậy, Chính phủ cần thực hiện các giải pháp quyết liệt hơn nữa để quản lý chặt chẽ bội chi, nợ công, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia; tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về nợ công, lưu ý chất lượng và độ an toàn của nợ công do nợ công đang có xu hướng tăng nhanh cả về quy mô và tốc độ, ngày một tiệm cận đến giới hạn Quốc hội cho phép; sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý nợ công cho phù hợp với một số nội dung của Luật Ngân sách nhà nước vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9.
Trước đó, báo cáo tại Hội thảo đánh giá Luật Quản lý nợ công sau 5 năm triển khai thực hiện, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, chỉ tiêu về nợ công của Việt Nam hiện vẫn nằm trong giới hạn quy định. Cụ thể, nợ công cuối năm 2014 ở mức 2.347 nghìn tỷ đồng, bằng 59,6% GDP năm 2014 và dự kiến cuối năm 2015 khoảng 62,3% GDP. Mức nợ công này vẫn nằm trong giới hạn được Quốc hội cho phép không quá 65% GDP.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Long cũng chỉ ra một số vấn đề đang và sẽ đặt ra: phạm vi nợ công chưa hài hòa với thông lệ quốc tế; chồng chéo giữa các khoản nợ; về phạm vi nợ công; mục tiêu, trần nợ công; nghiệp vụ quản lý nợ chủ động; quan hệ giữa quản lý nợ công và chính sách tài khóa…
Phương Dung
Theo Dân Trí