Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ tạo ra một 'bầu trời cơ hội' mới nhưng thách thức đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng vô cùng lớn.
Dồn lực chống nợ thuế
- Cập nhật : 25/09/2015
(Tin kinh te)
Từ hình thức “mềm dẻo” như thông báo bằng văn bản, cán bộ Thuế trực tiếp thuyết phục cho đến hành động cưỡng chế, tạm dừng hóa đơn, công khai DN nợ thuế… Đó là các biện pháp mà cơ quan Thuế đang thực hiện để chống thất thu ngân sách năm 2015.
Bó tay?
Ngay từ đầu năm 2015, Bộ Tài chính yêu cầu ngành Thuế phải mạnh tay thu nợ và cưỡng chế nợ thuế để đảm bảo đến ngày 31-12-2015, số nợ thuế không vượt quá 5% tổng thu ngân sách. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế rốt ráo xây dựng và giao chỉ tiêu thu nợ thuế đến từng đơn vị, chỉ đạo các đơn vị tăng cường áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định, quy trình quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế.
Tuy nhiên, nhìn vào kết quả thu nợ trong những tháng đầu năm 2015, số địa phương có tỷ lệ thu nợ cao nhất đạt 65% nhưng có nhiều địa phương thực hiện thu tiền thuế nợ năm trước chuyển sang đạt tỷ lệ thấp, dưới 15%.
Tổng số nợ thuế của toàn ngành Thuế tính đến thời điểm tháng 7-2015 vượt mốc 74 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với thời điểm 31-12-2014, trong đó riêng các khoản phạt và tiền chậm nộp chiếm 20,7% tổng số tiền thuế nợ; các khoản nợ khó thu (chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; liên quan đến trách nhiệm hình sự; đã giải thể, lâm vào tình trạng phá sản...) đều tăng trên 2%.
Và chỉ nhìn vào con số 600 DN nợ thuế lớn trên cả nước đã được Tổng cục Thuế công khai (trong đó chỉ riêng 400 DN đang hoạt động tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh) đã có số tiền nợ thuế lên tới 8 nghìn tỷ đồng. Con số này cho thấy việc “kìm hãm” nợ thuế tại các thành phố lớn là khó khả thi.
Nguyên nhân được chỉ ra là do một bộ phận DN kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài lâm vào tình trạng phá sản nhưng không làm thủ tục phá sản và không có khả năng trả nợ thuế… Mặt khác, số lượng DN chết, bỏ trốn, mất tích còn nợ thuế tăng theo từng năm dẫn đến nợ khó thu tăng cao.
Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Hà Minh Hải thẳng thắn đưa ra những khó khăn khi thực hiện cưỡng chế nợ thuế. Đó là theo quy định hiện tại, khi thực hiện biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản của người nợ thuế, phía ngành Thuế sẽ lấy thông tin cần thiết gửi cho ngân hàng. Quyết định cưỡng chế trên sẽ có hiệu lực ngay từ ngày ký.
Tuy nhiên, thực tế thời điểm thực hiện quyết định trên có thể được giãn thêm 5 ngày kể từ ngày ký quyết định, trong đó có thời gian gửi giấy tờ, công văn, dẫn tới tình trạng có khi dòng tiền của đơn vị cần cưỡng chế nợ có thể xuất hiện trong ngân hàng nhưng lại chưa có quyết định gửi tới.
Mặt khác, biện pháp để phong toả tài khoản DN là không dễ vì DN mở nhiều tài khoản ở ngân hàng nên cơ quan Thuế phải phối hợp với hệ thống ngân hàng ở các tỉnh, thành phố để siết nợ. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng chưa cung cấp thông tin kịp thời, cơ quan Thuế chỉ nắm được tài khoản không có số dư hoặc số dư nhỏ không đủ số thuế nợ để cưỡng chế.
Tương tự, đối với biện pháp cưỡng chế về tài sản, hiện chưa có quy chế phối hợp giữa các ngành, các cấp, các cơ quan chức năng và người nợ thuế cũng không còn tài sản hoặc tài sản đã thế chấp tại các tổ chức tín dụng nên cơ quan Thuế không thể cưỡng chế. Ngoài ra, biện pháp kê biên tài sản cũng không đạt hiệu quả cao do phải chờ thẩm định giá và chi phí thường cao. Các vụ án liên quan đến nghĩa vụ thuế chậm được xét xử cũng gây khó khăn trong công tác thu hồi nợ.
Trước thực trạng này, không còn con đường nào khác, bản thân nội tại cơ quan Thuế phải đổi mới mạnh công tác thu hồi nợ đọng thuế. Trong đó, kiên quyết công khai thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng các DN có các khoản tiền thuế nợ đã quá 121 ngày, cơ quan Thuế đã dùng nhiều biện pháp đôn đốc, nhắc nhở, phạt vi phạm hành chính, chậm nộp nhưng vẫn chưa thực hiện. Tổng cục Thuế đang nghiên cứu để tiến tới thực hiện ban hành các quyết định cưỡng chế nợ thuế tập trung bằng phương thức sử dụng chữ ký số thống nhất từ cấp Tổng cục đến Cục Thuế.
Tiếp tục tháo gỡ chính sách
Theo Cục Thuế Hà Nội, trong hoàn cảnh hiện nay, có nhiều DN muốn nộp tiền nợ thuế nhưng đành bất lực. Do vậy, trước khi công khai thông tin gần 300 DN và chủ dự án nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, cơ quan Thuế đã áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế. Để thu hồi nợ thuế, cơ quan thuế Hà Nội phải phân loại chính xác tình hình nợ thuế, phân tích rõ nguyên nhân nợ thuế của từng đối tượng để có giải pháp đôn đốc thu nợ hiệu quả như động viên, thuyết phục DN có kế hoạch phân chia nguồn tiền để đảm bảo vừa duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, vừa có tiền nộp nợ thuế.
Vì vậy, chỉ trong vòng 1 tháng sau khi Cục Thuế Hà Nội công bố danh sách đơn vị nợ thuế, đã có tới 175 DN nộp hơn 1.104 tỷ đồng tiền thuế. Trong đó, có 28/38 dự án sau công khai nợ tiền sử dụng đất đã nộp vàoNSNN 721,948 tỷ đồng. Đáng chú ý đã có 5 dự án thu xếp nguồn tài chính và nộp hết nợ tiền sử dụng đất vào NSNN.
Tuy nhiên, bài toán đặt ra là cần nuôi dưỡng nguồn thu, tháo gỡ cho DN hồi phục và ổn định sản xuất kinh doanh, Cục Thuế Hà Nội kiến nghị Bộ Tài chính cho phép DN được cam kết phân chia số nợ thuế để nộp dần theo tiến độ trong 12 tháng đối với các DN gặp khó khăn không có khả năng nộp hết một lần mà không cần bảo lãnh của bên ngân hàng, tổ chức tín dụng. Trường hợp DN không thực hiện nộp được theo đúng cam kết thì sẽ thực hiện cưỡng chế nợ ngay.
Bên cạnh đó, cơ quan Thuế gia tăng việc rà soát danh sách người nộp thuế cố tình trây ỳ, hoặc không còn hoạt động kinh doanh tại địa điểm đăng ký để phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý, thu hồi kịp thời tiền thuế nợ vào ngân sách. Đồng thời phối hợp chặt với Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, cơ quan Kế hoạch và Đầu tư... thực hiện đôn đốc thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN.
Theo luật sư Nguyễn Quang Nghiêm- Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, để công tác thu hồi nợ thuế mang tính hiệu quả lâu dài, Bộ Tài chính bổ sung quy trình quản lý nợ về một số nội dung có liên quan đến Luật Phá sản mới ban hành như: Quy định việc xác định DN, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; cơ quan Thuế với vai trò như một chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đến toà án...
Ngoài ra, đối với hồ sơ đề nghị xử lý hoàn thuế, cơ quan Thuế phải thực hiện bù trừ các khoản phải nộp NSNN nếu người nộp thuế còn nợ NSNN. Đối với khoản nợ đã hết thời gian gia hạn nộp thuế, người nộp thuế có hành vi bỏ trốn, tẩu tán tài sản thì cơ quan Thuế thực hiện ngay việc cưỡng chế nợ thuế để đảm bảo thu hồi nợ thuế kịp thời cho NSNN.