Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 19 phương án sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước, trong đó bổ sung 106 doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2015 và 109 DN cổ phần hóa giai đoạn 2016 - 2020.
Phát triển kinh tế vùng biên để củng cố an ninh quốc phòng
- Cập nhật : 24/09/2015
(Tin Kinh Te)
Các uỷ viên Thường vụ Quốc hội cho rằng cần phát triển kinh tế và đời sống người dân khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ để củng cố thế trận quốc phòng toàn dân.
Chiều 23/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe Đoàn giám sát báo cáo; Chính phủ báo cáo (bổ sung) về việc thực hiện chính sách pháp luật về kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược (trọng tâm là các địa bàn 3 Tây gồm Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ).
Trung tướng Bế Xuân Trường, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, thời gian qua, Bộ quốc phòng trực tiếp chỉ đạo đề án quốc phòng ở khu vực 3 Tây, cái được rất nhiều, nhưng vẫn có những điều trăn trở. Đó là cuộc sống của người dân ở đây còn nhiều khó khăn.
Theo Trung tướng, bài học từ quá trình dựng nước và giữ nước cho thấy việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân rất quan trọng, đặc biệt là ở vùng biên giới. Vì vậy, cần phải có các chính sách hỗ trợ nhân dân vùng biên phát triển kinh tế."Từ Nghị quyết của Bộ Chính trị, chương trình hành động của Chính phủ và các văn bản chính sách phải thúc đẩy kinh tế các địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ phát triển. Kinh tế của người dân khá lên thì mới có thế trận quốc phòng tốt hơn", ông Trường nói.
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì cho rằng, báo cáo cần nêu định hướng phát triển nâng cao đời sống của người dân biên giới, gắn kinh tế với quốc phòng. Ngoài vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thì cần thu hút công nghệ của xã hội, đặc biệt của các doanh nghiệp.
Theo ông Tuấn, địa bàn Tây Nguyên là nơi có tỷ lệ người dân di cư lớn, trọng tâm hiện nay cần đầu tư giao thông, hệ thống đường ngang gắn với đường Hồ Chí Minh và hạ tầng đảm bảo an ninh nguồn nước. Đó là hạ tầng thuỷ lợi, thuỷ đập vì hiện nay có rất nhiều vùng cứ trồng rồi chặt bởi không đảm bảo tưới tiêu. Tuy nhiên, theo quy hoạch đang trình Chính phủ thì đến 2020, Tây Nguyên cần số tiền 150.000 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp cũng cho hay, vấn đề cấp thiết cần giải quyết ở khu vực Tây Nguyên là đất ở, đất trồng trọt cho đồng bào, đồng thời gắn với chương trình sắp xếp đất nông nghiệp, tránh tình trạng giải quyết đất xong thì người dân lại bán nên luôn thiếu đất.
"Cần xác định cả 3 Tây gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng là xây dựng nông thôn mới. Riêng vùng Tây Nam Bộ cần tập trung phân giới cắm mốc và đường tuần tra biên giới, phát triển kinh tế thì mới an toàn vùng biên", ông Tuấn nhận định.
Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, không thể nói phát triển kinh tế gắn với quốc phòng an ninh mà không đề cập đến xã hội, đặc biệt là ở những địa bàn chiến lược quan trọng. Theo báo cáo giảm nghèo, những địa bàn này người dân có đời sống khó khăn, dân cư phân tán, tỷ lệ nghèo và cận nghèo cao, giáo dục y tế còn gặp nhiều khó khăn dù Nhà nước hỗ trợ nhiều.
Vì vậy, theo bà Mai, cần phải nâng cao đời sống dân cư, tập trung là đồng bào dân tộc thiểu số và dân cư địa bàn biên giới, địa bàn chiến lược. Nhà nước cần có giải pháp sinh kế phù hợp hơn, gắn với đời sống văn hoá.
"Cần tạo điều kiện để người dân tiếp cận tốt hơn về giáo dục và y tế. Cần dành sự nỗ lực lớn hơn đối với địa bàn chiến lược", Chủ nhiệm Uỷ ban về Các vấn đề xã hội nhấn mạnh.
Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách khẳng định trong những năm qua Đảng, Nhà nước rất quan tâm phát triển kinh tế 3 Tây, tạo nên những thay đổi căn bản về kinh tế xã hội những vùng này, riêng kinh tế phát triển gấp đôi so với 10 năm trước đây.
Tuy nhiên, ông Hiển cũng cho biết chính sách nhiều nhưng nguồn lực đi theo còn bất cập, miền núi có đến 180 loại cơ chế chính sách nhưng nguồn lực không đảm bảo, ảnh hưởng đến niềm tin của dân. Thậm chí một số địa phương phát triển kinh tế nhưng chưa chú trọng yếu tố về quốc phòng, an ninh nên để nhà đầu tư nước ngoài vào vị trí rất then chốt.
"Cái gì hứa với đồng bào phải bố trí nguồn lực cho đủ, không ban hành thêm chính sách nếu không có nguồn lực", ông Hiển nói.
Hoàng Thuỳ
Theo Vnexpress