tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

An ninh tài chính tiền tệ ở Việt Nam trước các biến động của thị trường tài chính thế giới

  • Cập nhật : 25/09/2015

(Tin Kinh Te)

Sự lao dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc những ngày vừa qua đã kéo theo sự bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thì những bất ổn của thị trường tài chính thế giới đều ảnh hưởng trực tiếp đến việc điều hành tỷ giá, lãi suất, nợ quốc gia, đến dòng vốn vào/ra cũng như các những rủi ro của các định chế tài chính Việt Nam trên thị trường tài chính.

su lao doc cua thi truong chung khoan trung quoc nhung ngay vua qua da keo theo su bat on cua thi truong tai chinh toan cau. nguon: internet

Sự lao dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc những ngày vừa qua đã kéo theo sự bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu. Nguồn: internet


Những biến động khó lường

Sau thời gian tăng trưởng nóng, “bong bóng” chứng khoán ở Trung Quốc trở nên rõ rệt khi giá cổ phiếu liên tục tăng cao nhưng không dựa trên nền tảng của tăng trưởng kinh tế, giao dịch của các nhà đầu tư rất mạnh, dòng tiền đầu tư vào cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (TTCK) chủ yếu dựa vào vốn vay của các định chế tài chính. Kết quả là chỉ trong 1 thời gian ngắn, từ giữa tháng 6/2015 đến giữa tháng 7/2015, TTCK của nước này đã mất khoảng 3,9 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa.

Sự lao dốc của TTCK Trung Quốc những ngày vừa qua là điều không tránh khỏi. Để hạn chế tình trạng bán tháo, dòng vốn chạy sang nước khác, Chính phủ Trung Quốc đã sử dụng các biện pháp hành chính và kinh tế như: hạ lãi suất, hạn chế nguồn cung chứng khoán, cho phép hàng ngàn doanh nghiệp tạm ngừng giao dịch, bơm một lượng lớn tiền (khoảng gần 1000 tỷ nhân dân tệ (150 tỷ USD) vào thị trường… nhưng thị trường tài chính vẫn bất ổn; dòng vốn vẫn tiếp tục ra khỏi quốc gia; dự trữ ngoại hối giảm mạnh từ 3.950 tỷ USD xuống còn 3.650 tỷ USD chỉ trong vài ngày.

Sự sụt giảm của thị trường tiếp tục tăng lên khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc liên tiếp phá giá nhân dân tệ (NDT) vào các ngày 11/8, 12/8 và 13/8 với 4,6% để vừa chặn tình trạng rút vốn, linh hoạt tỷ giá để đẩy mạnh xuất khẩu, vừa hỗ trợ đắc lực cho tăng trưởng kinh tế đang bị giảm thấp. Khi TTCK lao dốc thì thị trường tín dụng cũng bất ổn theo, không ít ngân hàng thương mại (NHTM) của Trung Quốc đã gặp khó khăn về thanh khoản và chất lượng nợ. Do một lượng lớn dư nợ tín dụng nằm ở chứng khoán và bất động sản, khi cổ phiếu mất giá, bất động sản đóng băng, hàng trăm công trình trở thành “nhà ma”, khách hàng vay không có tiền trả ngân hàng, nợ xấu của các định chế tín dụng tăng mạnh. Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2015 nợ xấu tăng 38,7%, xấp xỉ khoảng 328 tỷ NDT, đưa nợ xấu của cả hệ thống lên mức 1.806 tỷ NDT (khoảng 286 tỷ USD).

Sự bất ổn của thị trường tài chính Trung Quốc kéo theo các thị trường tài chính châu Âu, châu Á, châu Mỹ đồng loạt lao dốc. Đơn cử là tại TTCK New York (Mỹ), cả 3 chỉ số chứng khoán đều bị mất điểm rất mạnh trong ngày giao dịch 24/8/2015: Dow Jones mất 588,4 điểm; Standar & Poor 500 mất 77,68 điểm và Nasdaq Composite mất 179 điểm. Một số TTCK lớn ở châu Âu cũng có tình trạng tương tự: chỉ số Euro Stoox 50 của khu vực Eurozone giảm 5,02 điểm, chỉ số Dax (Đức), CAC (Pháp) và FTSE (Anh) cũng lần lượt giảm 4,31%; 5,12% và 4,38%…

Thị trường tài chính châu Á cũng chịu tác động lớn. Đa số đồng tiền của các nước này là đồng tiền yếu (trừ Yên Nhật), có quan hệ qua lại trong hoạt động đầu tư, xuất nhập khẩu như Rupiah (Inddonessia), Ringgit (Malaysia), Bạt (Thái), Đôla (Singapore)… cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ thời kỳ khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1998 đến nay.

Ngay đầu năm 2015, đã có nhiều dự báo giá dầu tiếp tục giảm nhưng mức độ giảm nhanh và sâu xuống dưới 40 USD/thùng (24/8/2015) thật khó lường. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến những nước nguồn thu chủ yếu từ dầu. Chỉ số hàng hóa thế giới thấp nhất trong 16 năm qua. Vàng cũng giảm giá mạnh và liên tục. Khi đồng nội tệ của một nước giảm giá, nước đó sẽ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, đồng thời đồng nội tệ giảm giá, thì nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp, của chính phủ sẽ tăng lên. Tuy nhiên, mức ảnh hưởng này lớn hay nhỏ, còn phụ thuộc vào mức độ giảm giá của đồng tiền so với chênh lệch lãi suất giữa đồng nội tệ và ngoại tệ, những ảnh hưởng về dòng tiền do chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện.

Mặc dù từ sau 2008, hệ thống ngân hàng của nhiều quốc gia đã thực hiện tái cấu trúc theo hướng lành mạnh hơn, nên đã hạn chế tối đa những tài sản rủi ro bị định giá sai lệch như giai đoạn trước năm 2008 nhưng những bất ổn về thanh khoản, về nợ xấu, sự “sáng tạo” trong lĩnh vực ngân hàng mà cơ quan quản lý không giám sát được, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, không nhiều dư địa để khủng hoảng tài chính tiền tệ nảy sinh nhưng các dấu hiệu bất ổn về an ninh tài chính tiền tệ của Trung Quốc, khu vực và thế giới là điều đã thấy rõ.

An ninh tài chính tiền tệ ở Việt Nam trước những biến động của thị trường tài chính thế giới

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thì những bất ổn của thị trường tài chính thế giới đều ảnh hưởng trực tiếp việc điều hành tỷ giá, lãi suất, nợ quốc gia, đến dòng vốn vào/ra cũng như các những rủi ro của các định chế tài chính Việt Nam trên thị trường tài chính. Hiện nay Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Hàng năm Việt Nam vẫn luôn nhập siêu từ Trung Quốc với khối lượng lớn, nhập khẩu thường gấp 3 lần xuất khẩu trong vài năm gần đây. Sự lệ thuộc của Việt Nam vào nền kinh tế Trung Quốc ngày càng lớn, vì thế Việt Nam cần có cách nhìn toàn diện và sâu sắc, trước hết là việc an ninh tài chính tiền tệ ở Việt Nam.

Thống kê cho thấy nhập siêu từ Trung Quốc chủ yếu là khu vực nhà nước, trong khi đó xuất siêu lại đến từ khu vực đầu tư nước ngoài (FDI). Khi đồng NDT giảm giá mạnh, hầu hết đồng tiền của các nước trong khu vực cũng giảm giá, nếu Việt Nam không điều chỉnh theo xu hướng chung, thì nhập siêu của Việt Nam sẽ ngày càng trầm trọng, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt bị hạn chế. Trước thực tế này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải điều chỉnh biên độ tỷ giá VND/USD từ 1% lên 2% (11/8), lên 3% (19/8) đồng thời điều chỉnh tỷ giá VND/USD+/- 1%. Với hai lần điều chỉnh trong vòng một tuần, tỷ giá giao dịch thực tế trên thị trường của đồng Việt Nam đã giảm 5% so với đầu năm 2015, như vậy cam kết của NHNN bị phá vỡ. Những ngày sau đó tỷ giá giao dịch trên thị trường luôn ở ngưỡng cao, nhu cầu mua ngoại tệ của các ngân hàng, doanh nghiệp, dân cư rất lớn. Các NHTM mua để duy trì trạng thái ngoại tệ theo quy định, doang nghiệp mua để chuẩn bị cho thanh toán, chi trả, ngược lại các doanh nghiệp có ngoại tệ găm giữ chưa bán ra, dân cư có biểu hiện chuyển từ VND sang cất giữ bằng USD…

Sau khi điều chỉnh tỷ giá vào ngày 19/8/2015, thị trường vẫn kỳ vọng vào việc tiếp tục nới biên độ tỷ giá khi Fed nâng lãi suất USD (dự kiến vào tháng 9 hoặc cuối quý IV/2015), vì thế tỷ giá luôn tăng sát trần, mặc cho NHNN đưa ra những cam kết về việc không điều chỉnh tỷ giá, cũng như việc bán lượng lớn ngoại tệ để can thiệp thị trường và yêu cầu 12 NHTM lớn phải bán USD thay vì hành vi mua gom, dẫn đến những tác động tâm lý. Sau đó, tỷ giá có điều chỉnh xuống chút ít, rồi lại lên theo kỳ vọng thị trường. Khi đồng nội tệ đã phá giá, cầu tín dụng tăng mạnh trong quý II và III (đến 25/8/2015, tăng trưởng tín dụng 9,54% gấp hơn 2 lần con số 4,33% cùng thời điểm năm 2014), cung tiền (M2) lại có xu hướng chậm lại so với năm 2014, vì vậy lãi suất cả huy động và cho vay đều không giảm, xu hướng những tháng qua lại tăng. Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, do chi phí vốn vay cao.

Khi phá giá đồng tiền trong nước, nợ của quốc gia đó sẽ bị ảnh hưởng. Hiện nay, ở Việt Nam tỷ lệ trả nợ trong tổng chi ngân sách nhà nước là khá cao (31%), chi trả lãi chiếm 7,2% chi ngân sách. Nợ gốc đến hạn chưa trả được, có thể đảo nợ, còn chi phí lãi thì phải trả. Khi chi phí trả nợ tăng lên và ăn vào dư địa tài khóa, sẽ giảm nguồn lực chi cho các mục tiêu phát triển khác. Tình trạng này tiếp tục kéo dài, sẽ ảnh hưởng lớn đến tính bền vững của nợ quốc gia.

Trong vài năm gần đây, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã được cải thiện, thường xuyên duy trì khoảng 12 tuần nhập khẩu nhưng so với một số nước trong khu vực, thì dự trữ ngoại hối vẫn ở mức khiêm tốn: Singapore 251,9 tỷ USD; Thái Lan 161,1 tỷ USD; Indonesia 110,9 tỷ USD; Malaysia 105,8 tỷ USD... Khi tỷ biến động mạnh, sức mua của của tiền đồng giảm xuống, thì việc can thiệp của NHNN cũng chỉ dừng ở mức độ nhất định.

Trong bối cảnh hội nhập, tài khoản vốn từng bước tự do hóa, việc gia tăng thu hút vốn đầu tư nước ngoài là cần thiết nhưng nếu không kiểm soát được dòng vốn này, đặc biệt là nguồn vốn ngắn hạn sẽ làm tăng nguy cơ bất ổn hệ thống tài chính. Khi thực hiện cơ chế linh hoạt tỷ giá, rủi ro tỷ giá sẽ chuyển từ khu vực công (NHNN) sang khu vực tư (NHTM và doanh nghiệp). Những khoản nợ bằng ngoại tệ của doanh nghiệp có thể là khoản nợ xấu lớn của các ngân hàng cho vay và làm tăng sự đột biến về nhu cầu ngoại tệ, tỷ giá có cơ hội biến động mạnh. Cho dù các ngân hàng Việt Nam đều khẳng định tài sản và nghĩa vụ trả nợ bằng ngoại tệ được cân đối nhưng việc dùng nguồn ngoại tệ ngắn hạn để cho vay/đầu tư dài hạn đối với khách hàng lại không phòng ngừa rủi ro vẫn có thể dẫn đến rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản. Ở Việt Nam, các doanh nghiệp rất khó tránh được rủi ro tỷ giá, khi các tài sản của doanh nghiệp nhạy cảm với việc thay đổi tỷ giá. Đôi khi, do biến động tỷ giá mà doanh nghiệp mất số tiền không nhỏ, hoặc làm gia tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp.

Việc phá giá tiền đồng ít nhiều cũng ảnh hưởng đến các nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư ngoại nói riêng. Khối ngoại liên tục bán ròng trong nhiều phiên giao dịch vừa qua, cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả cũng như kinh doanh thua lỗ đều bị rơi vào vòng xoáy giảm giá…

Nguyên nhân đến từ nhiều phía nhưng trên TTCK Việt Nam yếu tố tâm lý không hề nhỏ. Giá cổ phiếu giảm sâu không chỉ có cổ phiếu của các doanh nghiệp nhập khẩu, mà còn có cả nhóm cổ phiếu ngân hàng ở top đầu. Vì thế, cần có cách đánh giá đầy đủ về những bất ổn về tài chính, tiền tệ của khu vực và trên thế giới thời gian qua.

Một số khuyến nghị chính sách

Thứ nhất, nâng cao năng lực hoạt động của các định chế tài chính.

Thực tế chứng minh, hệ thống các định chế tài chính phát triển, ổn định không tạo điều kiện cho việc luân chuyển các nguồn vốn trong nền kinh tế một cách hợp lý và hiệu quả, tạo cơ sở cho tăng trưởng kinh tế bền vững, mà còn là nhân tố quan trọng đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ trước những cú sốc từ dòng vốn đầu tư nước ngoài. Trước thực trạng các định chế tài chính hiện nay, song song với việc đẩy nhanh tái cơ cấu cần thực hiện một số giải pháp sau:

- Nhanh chóng khắc phục những thách thức, bất ổn của thị trường tiền tệ và thị trường vốn (như tính liên thông giữa các thị trường trong nước kém, kỷ luật tài chính luôn vi pham, kênh truyền dẫn tác động yếu, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình hạn chế, thiếu các nhà môi giới, nhà kinh doanh giỏi trong khi an ninh tài chính chưa đảm bảo…) để thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia có hiệu quả vào thị trường; mua/bán vốn được cạnh tranh theo nguyên tắc thương mại và thị trường, khi đó các kênh dẫn vốn sẽ có điều kiện phát triển, vốn sẽ đến nơi sử dụng hiệu quả nhất. Để thu hút nguồn vốn nước ngoài hiệu quả hơn (ODA, FDI, FII, Kiều hối…) một mặt nhanh chóng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đảm bảo tính đồng bộ giữa các Luật chuyên ngành (Luật Đất đai, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán; Luật Phá sản…); tăng cường hoạt động quản lý rủi ro; đa dạng hàng hóa giao dịch trong mỗi thị trường và bảo vệ các nhà đầu tư trên thị trường. Phát triển thị trường TTCK, thiết kế các chính sách để khuyến khích doanh nghiệp huy động vốn từ thị trường này, thay vì dựa quá nhiều vào kênh huy động từ ngân hàng. Xây dựng thị trường phái sinh hàng hóa, chứng khoán, tiền tệ và ngoại hối.

- Thu hút các nguồn lực để nâng cao khả năng cạnh tranh của các tổ chức tín dụng (TCTD). Huy động mọi nguồn lực hợp pháp bằng nhiều cách, từ lợi nhuận để lại, xử lý các tài sản không sinh lời, phát hành cổ phiếu để thu hút thêm cổ đông trong và ngoài nước hoặc phát hành trái phiếu chuyển đổi nhằm nâng cao năng lực tài chính, trước hết để bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn thực theo chuẩn Basel 2, đảm bảo thanh khoản, không để xảy ra tình trạng đột biến rút tiền, tránh đổ vỡ hệ thống.

Để nhà đầu tư rót tiền vào TCTD thay vì đầu cơ vào bất động sản, vàng, thậm chí tham gia “thị trường tín dụng ngầm” thì việc cải tổ căn bản quản trị nội bộ và minh bạch thông tin là một trong những việc làm cấp bách. Do các ngân hàng là các công ty đại chúng, hoạt động có độ nhạy cảm cao nên cần thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc quản trị công ty từ việc công khai thông tin, phân loại nợ, hạch toán kế toán; đến việc tách bạch văn hóa doanh nghiệp với quy tắc đạo đức nghề nghiệp khi hành nghề ngân hàng. Chỉ khi nào kinh doanh song hành với quản trị rủi ro một cách hiệu quả, thì an ninh ngân hàng mới được đảm bảo.

- Điểm yếu tài chính lớn của các TCTD Việt Nam hiện nay là nợ xấu. Để đẩy nhanh hơn quá trình xử lý nợ xấu tại mỗi ngân hàng hay nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) cần có những quy định chi tiết hơn về trách nhiệm pháp lý của các bên trong việc định giá tài sản bảo đảm ở giai đoạn cho vay và giai đoạn phát mại tài sản để thu hồi nợ. Đây là điểm vướng mắc nhất hiện nay. Các TCTD cần xây dựng lộ trình trong ngắn và trung hạn để giảm sở hữu vốn giữa TCTD với các công ty con/cháu và giữa TCTD với nhau và với doanh nghiệp. Việc xử lý thông qua sáp nhập (M&A) xu hướng phổ biến hiện nay, hay mua và nhận nợ thay (P&A) đều có những ưu điểm và một số hạn chế. Cần phải đánh giá đầy đủ những hạn chế này để tránh níu kéo sự bất ổn của cả hệ thống tài chính ẩn dưới các hình thức tinh vi hơn.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả kiểm soát của NHNN đối với hoạt động của các định chế tài chính nói chung và dòng vốn vào/ra nói riêng.

Thông qua các công cụ của thị trường để kiểm soát, ngăn chặn rủi ro hệ thống trong hoạt động của các định chế tài chính. Mở rộng các đối tượng chịu sự giám sát đối với các định chế có hoạt động ngân hàng như: Ngân hàng Chính sách - xã hội Việt Nam; Ngân hàng Phát triển Việt Nam; các Quỹ đầu tư… Hoàn thiện các quy định về an toàn trong hoạt động của các định chế. Xây dựng quy trình giám sát vĩ mô và vi mô để có khả năng cảnh báo sớm đối với các định chế tài chính có vấn đề để tránh đổ vỡ lan truyền.

Hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động kinh doanh ngoại tệ của các TCTD để hạn chế những rủi ro trong kinh doanh ngoại tệ. Giám sát có hiệu quả các TCTD được phép hoạt động ngoại hối, nhất là việc chấp hành trạng thái ngoại tệ, tránh các TCTD lợi dụng trạng thái ngoại tệ để kinh doanh kiếm lời trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng như thời gian vừa qua.

Linh hoạt hóa cơ chế tỷ giá để các TCTD và doanh nghiệp phải chủ động nâng cao khả năng phòng ngừa rủi ro tỷ giá, chủ động lập phương án sản xuất kinh doanh không phụ thuộc vào NHNN. Đây chính là yếu tố quan trọng để phát triển thị trường ngoại hối một cách hiệu quả.

Thứ ba, phối hợp có hiệu quả chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, thực hiện nghiêm kỷ luật tài khóa.

Để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia trong bối cảnh hiện nay, giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế khác cần thống nhất mục tiêu ngắn, trung hạn để có các biện pháp phải đạt được trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, tránh chồng chéo, mâu thuẫn. Mặt khác, trong điều kiện thâm hụt NSNN hàng năm còn cao, chưa có dấu hiệu giảm bớt, cần thực hiện nghiêm kỷ luật tài khóa, gắn với kiểm soát chặt bội chi NSNN, phối hợp có hiệu quả giữa NHNN và các Bộ/ngành trong việc kiểm soát dòng vốn vào/ra trên thị trường, tránh rủi ro nợ công xảy ra.

Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả việc phân bổ, sử dụng nguồn lực đầu tư công, rà soát công tác quy hoạch đầu tư, khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác quy hoạch, dẫn đến lãng phí, tham nhũng; Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu đầu tư công theo hướng nâng cao tỷ trọng vay trung và dài hạn thông qua phát hành trái phiếu…

Tài liệu tham khảo:

1. “An ninh tài chính, tiền tệ Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa”, NXB Đại học kinh tế quốc dân, năm 2015.

2. TS. Nguyễn Thị Kim Thanh: “Ổn định khu vực tài chính trong điều kiện tự do hóa giao dịch vốn”, NXB Văn hóa-Thông tin, 2013.

3. Các trang tin điện tử: http://worlbank.org; http://reuteurs.org; http://sbv.gov.vn và một số trang tin http://vnexpress.vn; http://cafef.vn; …


Tác giả: PGS.,TS. NGUYỄN THỊ MÙI
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ I tháng 9
Theo Tạp chí Tài chính online

Trở về

Bài cùng chuyên mục