“Hiện tại, ngành Giao thông Vận tải đã làm được hơn 700km đường cao tốc. Từ nay đến năm 2020, ngành tiếp tục đầu tư xây dựng các dự án đường cao tốc nhằm mục tiêu có trên 2.000km đường cao tốc. Nếu trông chờ ngân sách thì không có cây số cao tốc nào đâu,” Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Doanh nghiệp và nhà quản lý như ở "hai đầu chiến tuyến”
- Cập nhật : 25/09/2015
(Doanh nghiep)
Nhiều lúc doanh nghiệp (DN) nói, cơ quan quản lý không tiếp thu, ngược lại cơ quan quản lý nói, DN lại không hiểu. Trong môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện nay, có thực tế đáng buồn là doanh nghiệp và cơ quan quản lý đang ở hai chiến tuyến khác nhau, họ như đang nói hai thứ ngôn ngữ mà không bên nào hiểu cả…
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh tại Hội thảo đánh giá việc thực hiện 6 tháng Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia diễn ra sáng nay 24/9.
Theo ông Cung, qua khảo sát của CIEM và Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID GIG) về mức độ hài lòng của DN đối với cách thức điều hành, quản lý của cơ quan Nhà nước theo các tiêu chuẩn của Nghị quyết 19 đưa ra, các DN ghi nhận có sự cải cách và thay đổi song nhiều thủ tục, cơ chế vẫn còn tồn tại và vướng mắc.
Báo cáo thực hiện 6 tháng Nghị quyết 19 của Chính phủ của Viện CIEM cho hay, các chỉ số về Giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại và phá sản doanh nghiệp, Cấp phép xây dựng và đăng lý quyền sở hữu tài sản, thủ tục xuất nhập khẩu và thuế và bảo hiểm xã hội… đã bước đầu có sự chuyển biến nhưng cần phải nỗ lực hơn để đạt được các mục tiêu của Nghị quyết đề ra. Các chỉ số như giảm thời gian nộp thuế, thủ tục hải quan và bảo hiểm xã hội đã cơ bản được cải thiện và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Tuy nhiên, các chỉ số tiếp cận đất đai, điện năng, thủ tục hoàn thuế, phá sản, quản lý chuyên ngành xuất nhập khẩu… vẫn còn chồng chất khó khăn và điểm nghẽn rất lớn.
Đáng chú ý, Viện CIEM khẳng định, dù cải cách cơ chế, cách thức điều hành được ghi nhận nhưng các DN vẫn đánh giá những chuyển biến này rất chậm và cần có sự nỗ lực hơn nữa của cơ quan quản lý.
Ông Cung nhấn mạnh: “Trong các chỉ số cải cách, chúng tôi khảo sát chỉ có lĩnh vực thuế, bảo hiểm là thay đổi nhanh còn lại các lĩnh vực cung ứng dịch vụ công, liên kết bộ ngành trong giải quyết thủ tục cho các doanh nghiệp vẫn bị đánh giá rất chậm chạp, thậm chí không chuyển biến. Có những chỗ cần phản biện, tôi thấy giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước như đứng ở hai chiến tuyến khác nhau, nói 2 ngôn ngữ khác nhau. Cơ quan nhà nước nói DN không hiểu gì, còn doanh nghiệp nói có vẻ cơ quan nhà nước cũng không hiểu. Có những cuộc họp ngồi với nhau, phát biểu cả chục ý kiến, nhưng rồi chẳng giải quyết được gì và các bên không ai hiểu ai…”.
Theo Viện trưởng Viện CIEM, trong quá trình rà soát các thủ tục, đơn vị này thống kê thấy có khoảng 3.300 giấy phép con về điều kiện kinh doanh ban hành trái thẩm quyền và kiến nghị cần được xóa bỏ ngay. Đây là những giấy phép con, thông tư, hướng dẫn nằm ở các bộ, ngành có sự chồng chéo giữa các bộ ngành với nhau gây phiền hà, nhức nhối cho DN.
Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng vào sự thay đổi, bứt phá của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới được ban hành trong năm 2014, nhưng thực tế chưa đạt kỳ vọng, khiến giảm lòng tin của DN với chính sách, luật pháp, chính sách của Nhà nước.
Ông Cung đưa ví dụ điển hình về chậm sửa đổi và tiếp thu ý kiến cộng đồng doanh nghiệp của Bộ Công Thương tại Thông tư 32/TT-BCT ban hành tháng 11/2009 về quy định kiểm tra, ngăn chặn và hạn chế hàm lượng formaldehyt - chất gây ung thư có trong các sản phẩm dệt may, may mặc… Thời điểm 2009, đây là thông tư ban hành tạm thời để chờ một thông tư chính thức thay thế. Tuy nhiên, hơn 6 năm tồn tại, “Thông tư tạm” này đã ngốn của DN rất nhiều tiền của và phát sinh tồn tại, hạn chế. Có doanh nghiệp cho biết, họ phải bỏ ra 3 tỷ đồng/năm chỉ để đưa mẫu sản phẩm đi khai báo, kiểm tra và nhận giấy chứng nhận… không vi phạm Thông tư 32/TT-BCT.
Ông Cung nhấn mạnh: trong Nghị quyết 19 của Chính phủ có nêu rõ từ năm 2014 phải sửa Thông tư 32, chuyển mạnh việc quản lý, giám sát hàm lượng formaldehyt sang hậu kiểm. Nhưng đến nay, kết quả vẫn chưa được, thậm chí không được. Nếu Thông tư 32 được sửa đổi thì các doanh nghiệp dệt may còn chịu thiệt hại nữa.
Theo TS, luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trung tâm Trọng tài thương mại, thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp việt Nam (VCCI): Trước kia, khi tổ chức nước ngoài có đánh giá tiêu cực về môi trường kinh doanh Việt Nam thì cơ quan Việt Nam yêu cầu họ giải trình, báo cáo. Nhưng khi Nghị quyết 19 của Chính phủ ban hành với rất nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn được lấy theo tiêu chí của các tổ chức thế giới như WB, IMF… thì chúng ta đã chấp nhận đặt mình vào cuộc chơi toàn cầu. Điều đó có nghĩa là ta đã bước vào cuộc chơi và cải cách toàn diện. Tuy nhiên, qua khảo sát và thực tế của các doanh nghiệp, tính liên kết, kết hợp giữa các bộ, ban hành vẫn rất yếu kém.
Ông Huỳnh nói: “Muốn cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh phải bắt buộc cải cách thể chế, thay đổi cách thức quản lý, con người, cơ chế điều hành đi. Nếu doanh nghiệp nói mãi, cơ quan quản lý không nghe, không sửa thì họ sẽ không góp ý nữa đâu. Trước khi có Nghị quyết 19 của Chính phủ, vì muốn các Bộ ngành có chung tiếng nói, chung tay cải cách, chúng ta nhấn mạnh cụm từ “phối hợp” giữa bộ ngành nhưng không thấy hiệu quả. Gần đây, chúng ta có thêm cụm từ “phối kết hợp” được đưa vào văn bản, song cũng không ăn thua. Mỗi nơi, mỗi bộ vẫn một kiểu khiến thiệt thòi đổ hết cho doanh nghiệp”.