Ông Friedrich Weiss, Tổng giám đốc Home Credit lý giải vì sao lãi suất tiêu dùng cao hơn ngân hàng.
Thị trường tài chính Việt sau 10 năm gia nhập WTO: Được và mất?
- Cập nhật : 22/09/2015
(Tin kinh te)
Bộ ba thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ và thị trường bảo hiểm đã bị tác động như thế nào sau gần 10 năm gia nhập WTO?
Câu trả lời phần nào được giải đáp trong báo cáo giám sát “Kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO)” của Ủy ban Kinh tế Quốc hội.
Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, sau khi gia nhập WTO, thị trường tiền tệ đứng trước những thách thức không nhỏ, tín dụng tăng trưởng nóng.
Quy mô dư nợ tín dụng không ngừng tăng lên, từ mức trung bình gần 400 nghìn tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2001-2006 đã lên mức trung bình 3.332 nghìn tỷ đồng/năm giai đoạn 2007 đến nay, cao gấp 8,3 lần giai đoạn trước.
Tín dụng tăng trưởng nóng, lãi suất lên 21%
“Trong giai đoạn 2001-2006, tín dụng tăng trưởng trung bình 28,46%/năm thì chỉ riêng năm 2007, tín dụng đã tăng 53,89% so với năm 2006, tính trung bình giai đoạn 2007-2010, tín dụng tăng trưởng đạt 37,83%, cao hơn hẳn giai đoạn trước. Tuy nhiên, từ 2011 đến 2014, tăng trưởng tín dụng chậm lại, chỉ đạt 12,41%/năm để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô”, Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận định.
Từ năm 2007 đến nay, chính sách tiền tệ được điều hành theo hướng thận trọng. Theo đó, lãi suất sau khi tăng mạnh 21% vào năm 2011 đã có xu hướng giảm dần, xuống khoảng 16% (năm 2012), 11-13% (năm 2013) và 7% đối với lãi suất ngắn hạn và 11% đối với lãi suất trung hạn vào cuối năm 2014. Tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt, ổn định; dự trữ ngoại hối tăng.
Để bảo đảm sự ổn định của hệ thống ngân hàng, Việt Nam đã được nhiều tổ chức tài chính quốc tế như WB, IMF... hỗ trợ thực hiện nhiều cải cách, trong đó có việc từng áp dụng các chuẩn mực an toàn vốn của Basel, tỷ lệ đủ vốn tối thiểu CAR năm 2012 của cả hệ thống đạt 13,7% cao hơn quy định mới vào tháng 10/2010 (9%).
Tuy nhiên, giai đoạn từ năm 2007 đến nay cho thấy sự quan ngại về chất lượng tín dụng khi nợ xấu ngân hàng có xu hướng tăng lên từ năm 2007.
“Việc xử lý nợ xấu thông qua mô hình VAMC mới đạt kết quả trong việc mua nợ xấu từ các TCTD, còn nhiều vướng mắc trong việc xử lý các khoản nợ xấu đã mua được, sở hữu chéo trong các TCTD chưa được xử lý triệt để”, báo cáo nhận định.
Dịch vụ thẻ thanh toán bắt đầu phát triển từ năm 1996 sau khi Mỹ bỏ cấm vận kinh tế đối với Việt Nam, nhưng phải đến thời điểm năm 2006-2007 khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO dịch vụ này mới bắt đầu phát triển sôi động cùng với chủ trương triển khai Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006-2011 (Quyết định số 291/2006/ TTg).
Nếu như năm 2007, toàn thị trường mới có khoảng gần 9,34 triệu thẻ thì đến cuối năm 2014, số lượng thẻ phát hành đạt trên 76 triệu thẻ, với 52 tổ chức phát hành và khoảng 490 thương hiệu thẻ. Năm 2014, có hơn 159.000 POS (đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ) gấp 14,5 lần so với thời điểm năm 2007.
Tính đến tháng 4/2015, có 47 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 05 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 53 văn phòng đại diện và 04 ngân hàng liên doanh (khối ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh có 61 chi nhánh/sở giao dịch) hoạt động tại Việt Nam. Khối ngân hàng nước ngoài có ưu thế vượt trội hơn so với các NHTM trong nước về chất lượng dịch vụ.
Mức vốn hóa của thị trường chứng khoán tăng gấp 2,27 lần
Sau khi gia nhập WTO, thị trường chứng khoán (TTCK) đã thu hút được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Mức vốn hóa thị trường năm 2014 đạt 1.121 nghìn tỷ đồng, gấp 2,27 lần so với mức của năm 2007; mức vốn hóa bình quân năm giai đoạn 2007-2014 là 994 nghìn tỷ đồng, gấp 4,19 lần so với mức bình quân năm giai đoạn 2001-2006.
Các dịch vụ chứng khoán được cung cấp bởi các tổ chức kinh doanh chứng khoán ngày càng đa dạng. Nhờ đó, tự do hóa các dịch vụ chứng khoán được thúc đẩy, hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán lành mạnh hơn, nâng cao chất lượng dịch vụ trên thị trường, nghiệp vụ của các tổ chức kinh doanh dịch vụ tiếp cận dần với các chuẩn mực quốc tế. Các nhà đầu tư trong nước được sử dụng các dịch vụ chứng khoán tốt hơn, có chất lượng cao hơn.
Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, việc gia nhập WTO tạo cơ hội cho việc phát triển nhiều sản phẩm mới, các sản phẩm quỹ đầu tư được thay thế dần từ hệ thống các quỹ đóng bằng các quỹ mở, quỹ đại chúng hoạt động linh hoạt hơn.
Tính đến cuối năm 2014, có 24 quỹ đang hoạt động, trong đó 70% là quỹ đại chúng gồm 15 quỹ mở, 02 quỹ hoán đổi danh mục (ETF), 07 quỹ thành viên. Tổng số quỹ đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, từ 11 quỹ (năm 2008) lên 20 quỹ (năm 2014).
“Từ tháng 6/2015, Chính phủ đã cho phép tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam, điều này thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc tiếp tục mở cửa hơn nữa TTCK phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế”, Ủy ban Kinh tế Quốc hội bình luận.
Quy mô thị trường bảo hiểm còn nhỏ
Đến hết năm 2014, thị trường bảo hiểm nhân thọ duy trì tốc độ tăng trưởng cao (bình quân 21%/năm), huy động trên 85.000 tỷ đồng vốn trong nền kinh tế và đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 130.000 tỷ đồng (khoảng 70.000 tỷ đồng vào trái phiếu chính phủ). Khoảng 80% các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình kinh tế lớn của Nhà nước được bảo hiểm.
Tổng giá trị kinh tế tài sản được bảo hiểm của khu vực doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế lên tới gần 10 triệu tỷ đồng.
Hiện có 26 doanh nghiệp bảo hiểm có vốn FDI và nhiều nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp bảo hiểm trong nước. Tuy nhiên, quy mô thị trường bảo hiểm còn nhỏ so với các nước khác, số lượng sản phẩm bảo hiểm tuy nhiều song chưa đa dạng, kênh phân phối bảo hiểm chưa chuyên nghiệp...
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP hiện nay mới chỉ đạt mức 2%, thấp hơn so với mức trung bình của khối ASEAN (3.35%), châu Á (5.37%) và thế giới (6,3%).
Trong các loại hình bảo hiểm thì bảo hiểm nông nghiệp chưa phát triển, mới dừng ở mức thí điểm, số lượng hợp đồng chưa nhiều do đây là loại hình bảo hiểm mới, phức tạp, địa bàn triển khai rộng, hoạt động sản xuất nông nghiệp manh mún, nhiều rủi ro.
“Sau 3 năm (2011-2014), chương trình bảo hiểm nông nghiệp đã được thực hiện tại 20 tỉnh, thành phố (65 huyện, 748 xã) có 304.017 hộ dân tham gia bảo hiểm, giá trị bảo hiểm cây trồng, vật nuôi, thủy sản là 7.748 tỷ đồng, số tiền bồi thường là 713 tỷ đồng. Điều này làm giảm đi sự hỗ trợ đối với hoạt động nông nghiệp trong bối cảnh khu vực kinh tế này chịu nhiều tác động do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại”, Ủy ban Kinh tế Quốc hội bình luận.
TRẦN GIANG
Theo Bizlive.vn