tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Dư nợ vay nước ngoài tăng đột biến: Sợ nhất là...

  • Cập nhật : 05/07/2018

Theo chuyên gia, cơ quan chức năng Việt Nam khó kiểm soát được việc doanh nghiệp vay nợ ngắn hạn nước ngoài, do đó, phía Việt Nam dễ bị thiệt thòi.

Trong báo cáo về sử dụng vốn vay và quản lý nợ công năm 2017 và kế hoạch 2018, Chính phủ cho biết, dư nợ vay nước ngoài ngắn hạn của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay tự trả tăng đột biến, cuối năm 2017 ở mức 21,9 tỷ USD, tăng 73% so với năm 2016.

Trong khi đó, theo Quyết định số 544/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt chương trình quản lý nợ trung hạn 2016-2018, hạn mức tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn hàng năm tối đa 10%/năm.

Lý giải dư nợ vay nước ngoài ngắn hạn của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay tự trả tăng đột biến, TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc này xuất phát từ 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, kinh tế trong nước đang có chuyển biến tích cực, nhu cầu vốn tăng lên rất nhanh, đặc biệt là vốn ngắn hạn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. Trong khi đó, việc vay tín dụng trong nước bị thắt chặt, thị trường vốn trong nước, thị trường chứng khoán cũng đang đi xuống. Do đó, nhu cầu vay vốn nước ngoài ngắn hạn của doanh nghiệp theo hình thức tự vay tự trả tăng lên.

Thứ hai, do biến động của kinh tế thế giới đang tăng lên, đặc biệt là căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đe dọa tạo nên một cuộc chiến thương mại, ảnh hưởng đến toàn cầu. Các nước phát triển đang đầu tư ra nước ngoài, kể cả chứng khoán, đầu tư tín dụng đều rút vốn về phục vụ cho nước họ. Vì thế, vốn ở Việt Nam giảm đi rất nhanh, các doanh nghiệp phải tìm cách vay vốn nước ngoài.

Thứ ba, tình hình lạm phát ở Việt Nam đang có xu hướng quay trở lại, trong khi thị trường chứng khoán cũng đang giảm điểm rất nhanh. Do đó, việc huy động vốn trong nước bị bế tắc. Rút kinh nghiệm từ các năm trước, các ngân hàng rút quản lý việc cho vay vốn rất chặt, đặc biệt là các khoản vay tín dụng ngắn hạn, tín dụng cho tư nhân, tín dụng cho tiêu dùng, cho bất động sản vì đây là các lĩnh vực gây nhiều rủi ro.

du no vay nuoc ngoai ngan han cua cac doanh nghiep va to chuc tin dung theo hinh thuc tu vay tu tra tang dot bien vao nam 2017

Dư nợ vay nước ngoài ngắn hạn của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay tự trả tăng đột biến vào năm 2017

TS Cao Sĩ Kiêm khẳng định, việc doanh nghiệp vay nợ nước ngoài theo hình thức tự vay tự trả là điều hết sức bình thường vì trong nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp được quyền tự do lựa chọn. Tuy nhiên, việc vay nợ phải đảm bảo đúng luật pháp, đúng nguyên tắc quản lý.

"Nếu việc vay nợ được quản lý chặt chẽ, tính toán, thẩm định rõ ràng, doanh nghiệp vay được nguồn vốn tốt, phát huy được hiệu quả thì nó sẽ thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là trường hợp doanh nghiệp bí vốn quá, không tiếp cận được nguồn vốn trong nước mà vay nước ngoài bừa bãi, không có thẩm tra, thẩm định rõ ràng. Bên cạnh đó, vai trò quản lý của các cơ quan chức năng nhà nước không được chặt chẽ, thiếu đồng bộ, có thể gây ra sơ hở để doanh nghiệp lợi dụng thì sẽ nguy hiểm, nợ quá hạn, nợ xấu tăng lên, gây tổn hại cho nền kinh tế trong nước. 

Chính vì thế, việc vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp theo hình thức tự vay tự trả là bình thường nhưng phải trong điều kiện Nhà nước quản lý được và phải đúng thông lệ quốc tế", ông Kiêm chỉ rõ.

Ông cũng cho biết, doanh nghiệp Việt vay nợ nước ngoài phải đối mặt với rủi ro về tỷ giá. Tỷ giá thấp có lợi cho việc trả nợ và vay với lãi suất thấp, nhưng khi ngoại tệ tăng giá, chênh lệch cao thì doanh nghiệp phải trả thêm chi phí.

Theo kinh nghiệm của ông Kiêm, tỷ giá thế giới luôn biến động, và phần nhiều là tăng lên, kể cả đồng USD, vì thế, nếu doanh nghiệp đã vay ngoại tệ thì dứt khoát chi phí sẽ tăng lên.

Một điểm trong báo cáo được nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lưu ý, đó là một trong những nguyên nhân chính khiến nợ nước ngoài của quốc gia tăng nhanh trong năm 2017 là nằm ở thương vụ bán vốn của Nhà nước trị giá 5 tỷ USD tại Sabeco diễn ra vào cuối năm 2017.

Theo đó, để có tiền mua cổ phần tại Sabeco, công ty Vietnam Beverage (do tập đoàn ThaiBev sở hữu gián tiếp 49%) đã đi vay tiền ở nước ngoài. Điều đó cho thấy, các khoản vay nước ngoài ngắn hạn nói trên phần lớn là doanh nghiệp FDI vay.

Theo TS Cao Sĩ Kiêm, lựa chọn vay nước ngoài của doanh nghiệp FDI có tác động tới Việt Nam dù muốn hay không.

"Thường thì các khoản vay nước ngoài như thế thông qua một đơn vị khác nên Việt Nam không kiểm soát được, nó không theo định hướng chính sách tiền tệ của Việt Nam  nên chắc chắn doanh nghiệp sẽ lợi dụng sơ hở.

Để khắc phục, Việt Nam phải tăng cường phối hợp hoặc kiểm soát chặt chẽ hơn. Nhưng đây lại là kiểm soát ngoài nước, mà ngoài nước chúng ta không có cơ sở kiểm soát đầy đủ, hợp pháp. Sợ nhất là có sự thông đồng giữa các bên với nhau, khi ấy rất phức tạp và khó phát hiện", ông Kiêm nhấn mạnh.  

Vị chuyên gia về tài chính-ngân hàng cũng chỉ ra lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp FDI khi tiếp cận nguồn vốn vay nước ngoài so với doanh nghiệp trong nước.

Cụ thể, doanh nghiệp FDI được vay với lãi suất thấp hơn so với lãi suất trong nước do đồng tiền ở các nước giá trị hơn, sức mua cao hơn, tỷ lệ lạm pháp thấp hơn Việt Nam. Họ lại có trình độ quản lý, công nghệ cao hơn nên khiến chi phí càng thấp hơn, sức cạnh tranh cao hơn, từ đó có nhiều lợi thế hơn doanh nghiệp trong nước.

Với ngân hàng Việt Nam, khi doanh nghiệp FDI vay vốn nước ngoài, ngân hàng không được hưởng lợi gì từ các doanh nghiệp này. Cái khó của ngân hàng Việt là trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát trong nước cao hơn ở nhiều nước trên thế giới, lãi suất huy động cao nên bắt buộc lãi suất cho vay phải cao. Nếu hạ thấp lãi suất cho vay xuống thì ngân hàng sẽ lỗ. Điểm yếu của thị trường Việt Nam là lãi suất cao hơn, chi phí cao hơn, sức cạnh tranh thấp hơn.

Ông Kiêm cho biết, thời gian qua Việt Nam đã có một số cơ chế kiểm soát dòng tiền tốt hơn nhưng chắc chắn vẫn còn nhiều sơ hở, trong khi trình độ quản lý của Việt Nam lại không bằng nước ngoài nên nếu doanh nghiệp ngoại dùng kỹ thuật để lợi dụng thì Việt Nam khó phát hiện, dẫn tới phía Việt Nam thường hay bị thua thiệt.

"Doanh nghiệp có nhiều chiêu để khiến phía Việt Nam thiệt thòi. Chẳng hạn, họ vay nhập vật tư kỹ thuật, công nghệ vào Việt Nam thì ăn lãi ở công nghệ, vật tư kỹ thuật tăng giá lên, mà Việt Nam không kiểm soát được giá và công nghệ nước ngoài được. Họ "ăn" được ở giá thành tư vấn, công nghệ, trình độ quản lý..., tất cả cộng vào buộc Việt Nam phải chịu. Ở trong nước, Việt Nam có thể kiểm soát, quản lý được, nhưng ở nước ngoài thì rất khó", TS Cao Sĩ Kiêm nói.

Khẳng định rằng, đầu tư của nước ngoài thường có trình độ, công nghệ cao hơn hoặc gần ngang bằng với nước họ giao dịch nên sức cạnh tranh tốt, ít bị thua thiệt, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Việt Nam chỉ  có cách nâng trình độ quản lý, nâng cao công nghệ, chất lượng hoạt động thị trường thì mới đáp ứng được. Còn như hiện nay, Việt Nam phải chấp nhận thua thiệt.

Thành Luân
Theo Baodatviet.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục