tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

“Ngân sách không phải là chiếc bánh”

  • Cập nhật : 11/04/2016

(Tin kinh te)

Đó là nhắc nhở của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từ năm 2003, khi ông còn ở cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính. Lúc ấy chưa ai có thể dự báo, nợ Chính phủ có thể vượt 50% GDP.

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Cụm từ “chiếc bánh” ngân sách được giới truyền thông sử dụng phổ biến đầu những năm 2000, mỗi khi Quốc hội bàn về thu chi ngân sách hàng năm.
Và giờ, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIII, tình hình nợ của Chính phủ có thể tóm tắt chỉ ở một câu: Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Ai vay, người đó trả
Nợ Chính phủ hiện đã ở mức 50,3% GDP, vượt giới hạn so với quy định là không quá 50%. Nợ Chính phủ chiếm phần lớn nợ công, do đó, có nguy cơ nợ công sẽ vượt ngưỡng an toàn.
Không những thế, một trong những vấn đề lớn của Chính phủ trong vay mượn là nguồn vốn được vay ưu đãi đang giảm dần và sẽ chấm dứt. Năm 2010, Ngân hàng Thế giới (WB) đã tuyên bố Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình.
Chính vì thế từ năm 2011, nguồn vốn lãi suất thấp mà các tổ chức quốc tế cho Việt Nam vay đã dần thu hẹp. Bộ Tài chính cho biết, từ tháng 7/2017, WB sẽ chấm dứt cho vay ODA với Việt Nam.
Sau WB, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các tổ chức khác cũng sẽ tăng điều kiện cho vay đối với Việt Nam và áp dụng mức lãi suất thương mại chứ không còn ưu đãi. Thời hạn cho vay cũng được rút ngắn, chỉ còn 20 – 25 năm, thậm chí 15 năm. Như vậy sẽ không có chuyện đời nay vay, con cháu phải trả.
Nợ công tăng và điều kiện vay vốn quốc tế khắt khe hơn, nhưng do nhu cầu đầu tư của Việt Nam rất lớn (theo tính toán của Bộ Tài chính số vốn cần cho đầu tư phát triển giai đoạn 2016 – 2020 vào khoảng 2,1 triệu tỷ đồng) nên Chính phủ sẽ tiếp tục vay mượn.
Tại buổi họp báo hôm 22/3, Bộ Tài chính tiếp tục khẳng định siết chặt kỷ luật ngân sách. Riêng vốn ODA, Bộ này dự kiến chia các địa phương thành các nhóm với tỷ lệ phải vay lại vốn ODA từ Chính phủ (phần còn lại vẫn được cấp phát) ở các mức: 10%; 20 – 30%; 50%; và 80% (áp dụng cho Hà Nội và TP.HCM).
Điều này có nghĩa, từ nay ngân sách thực sự không phải là “chiếc bánh” để các địa phương mang ra chia nữa.
Nhân đây cũng xin nhắc lại, từ năm 2011 chúng ta đã triển khai việc tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng với ba trụ cột: tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng.
Xem ra, giờ đã là lúc trụ cột tái cơ cấu đầu tư công phải “tăng tốc”, nếu không trong tương lai không xa, chúng ta sẽ phải học hỏi kinh nghiệm của chính phủ Hy Lạp, Đức, Áo, Tây Ban Nha… khi lâm vào cảnh vỡ nợ!

Áp lực ngay từ 2016
Vấn đề thu – chi ngân sách vốn đã trở nên nghiêm trọng, được các chuyên gia cảnh báo từ lâu. Song đến giờ, khi những con số được chính thức công khai mới làm cho người ta hốt hoảng và những lo ngại không còn là hình dung mà cụ thể đến từng đồng.
Theo tính toán vừa được Bộ Tài chính đưa ra hôm 22/3, ngay trong năm 2016, Chính phủ sẽ phải trả khoảng 150.000 tỷ đồng nợ công, bao gồm cả nợ gốc và lãi. Nếu cộng cả 95.000 tỷ đồng đảo nợ, tổng số tiền phải trả lên đến khoảng 245.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 24% tổng thu ngân sách.
Thắt chặt chi tiêu là biện pháp đầu tiên của Chính phủ. Thế nhưng, năm nay chúng ta đang đối mặt với hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng gần 100 năm qua. Vì thế, sẽ có khoản chi không nhỏ cho việc khắc phục hậu quả thiên tai.
Cùng với đó là tiếp tục chi cho các dự án, công trình trọng điểm cần hoàn thành. Thiên tai cũng sẽ dẫn đến mất mùa kéo dài, cộng với áp lực giá hàng hóa thế giới tăng do bất ổn quân sự, chính trị ở nhiều quốc gia, khiến cho giá hàng hóa trong nước tăng cao.
Áp lực lạm phát ngay trong năm nay rất lớn. HSBC dự báo lạm phát sẽ tăng nhanh lên mức 5,2% vào cuối năm nay, chạm mức trần mục tiêu.
Chính sách tài khóa thắt chặt, hẳn nhiên chính sách tiền tệ không thể đi ngược, huống gì vấn đề kiểm soát lạm phát luôn luôn là nhiệm vụ hàng đầu của ngành ngân hàng. Vì thế, tín dụng sẽ được kiểm soát gắt gao.
Hiện chưa thể khẳng định sẽ có chương trình tín dụng hỗ trợ khắc phục thiên tai.
Nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có chỉ thị yêu cầu các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xem xét thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay theo thẩm quyền và khả năng tài chính của tổ chức tín dụng.
Một số trường hợp sẽ được khoanh nợ, xóa nợ… NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động tiếp cận, tham gia đầu tư vào các dự án, chương trình đầu tư các công trình phòng, chống, hạn chế hạn hán, xâm nhập mặn, công trình nước sạch…
Ngân hàng Nhà nước đã chốt mức tăng trưởng tín dụng năm nay là 8-20%.
Để khắc phục thiên tai, tín dụng chính sách và tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân tăng thì vốn cho các lĩnh vực khác phải giảm.
Do đó, tín dụng cho bất động sản, chứng khoán sẽ là hai lĩnh vực đầu tiên bị thu hẹp với dự báo lãi suất cho vay sẽ tăng ngay từ quý II/2016.
Thiên tai cũng sẽ góp phần khiến tỷ lệ nợ xấu tăng. Đây là mối lo ngại lớn của ngành ngân hàng.
Tuy nhiên, tín hiệu mừng là Chính phủ vừa ban hành Nghị định 18/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Quy định mới giúp công ty này đảm bảo nguồn thu nhất định từ những khoản nợ xấu đã mua.
Điều này sẽ thúc đẩy VAMC xử lý nợ xấu tốt hơn, giải quyết lượng vốn tồn đọng không nhỏ trong nợ xấu.
 

Theo enternews.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục