Việc “giải cứu” tìm đầu ra cho nông sản ế chỉ là giải pháp trước mắt, cần có những giải pháp lâu dài, bền vững ổn định thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản.
Thâm hụt tài khóa sẽ còn căng thẳng trong trung hạn
- Cập nhật : 12/04/2016
(Tin kinh te)
Nhà kinh tế trưởng Sandeep Mahajan của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết tình trạng thâm hụt tài khóa của Việt Nam dự báo sẽ còn tiếp tục căng thẳng trong trung hạn.
Nợ tăng cao, chính sách tài khóa mở rộng hiện nay có còn cần thiết?
Báo cáo “Cập nhật kinh tế Đông Á – Thái Bình Dương” được WB công bố ngày 11/4/2016 cho thấy nợ công của Việt Nam được dự báo sẽ tăng từ mức 62,5% GDP năm 2015 lên 63,8% trong năm nay và 64,7% vào năm 2018.
Đánh giá về rủi ro tài khóa của Việt Nam, ông Sandeep Mahajan cho rằng thâm hụt tài khóa của Việt Nam đã căng thẳng trong những năm vừa qua và dự báo sẽ còn tiếp tục như vậy trong trung hạn. Và nếu so sánh với các nước khác trong khu vực, đúng là Việt Nam có mức thâm hụt tài khóa cao hơn.
Tuy nhiên, mỗi quốc gia có một chính sách tài khóa riêng, tùy thuộc không gian tài khóa và những hạn chế mà quốc gia đó phải đối mặt. Việt Nam nới rộng tài khóa những năm qua trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu. Việc phải thực hiện chính sách tài khóa mở rộng lúc đó là đúng đắn vì khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong nước giảm nhiều. Nhưng để thâm hụt tài khóa lớn trong khoảng thời gian dài như vậy, nó đã làm tăng nợ công của Chính phủ, và hiện nay nợ công đang tiếp cận giới hạn 65% do Chính phủ đặt ra.
Ông Sandeep cho rằng hiện giờ Việt Nam cần phải thực hiện cẩn trọng hơn nữa chính sách tài khóa của mình. Theo ông, cho dù Việt Nam thực hiện chính sách tài khóa nới lỏng như trước đây, thì hiệu quả của nó sẽ không mạnh như so với cách đây vài năm, vì nhu cầu trong nước đã tăng, đầu tư của khu vực tư nhân cũng mạnh hơn, tiêu dùng cũng cạnh hơn.
“Với áp lực hiện nay, chính phủ cũng không cấp thiết trong việc thực hiện chính sách tài khóa này, mà cần có sự củng cố tài khóa trong trung hạn. Chúng tôi không ủng hộ hay vận động thay đổi ngay chính sách tài khóa, mà chúng tôi muốn nói chính phủ cần giảm thâm hụt tài khóa, không phải xuống mức 0% ngay ngày mai, mà cần có kế hoạch giảm thâm hụt tài khóa trong trung hạn”.
Việt Nam hoàn toàn có thể đảm bảo nghĩa vụ trả nợ hiện tại
Được hỏi con số nợ công 62,5% hiện nay liệu có quá cao, ông Sandeep cho rằng không có con số nào cụ thể áp dụng cho tất cả các nước. Chẳng hạn, tỷ lệ nợ công của Nhật Bản là trên 200% GDP mà vẫn ổn, vì Nhật Bản tiếp cận vốn rất tốt, còn có những nước nợ lên đến 50% GDP đã khó khăn vật lộn rồi.
Tuy nhiên, còn nhiều yếu tố khác tác động, nhưng tiếp cận các nguồn vốn thế nào, hay kỳ hạn trong danh mục nợ ra sao.
Trong trường hợp của Việt Nam, ôn Sandeep cho rằng kỳ hạn chính là vấn đề. Mức nợ công tăng lên chủ yếu do nợ trong nước, mà nợ trong nước kỳ hạn ngày càng ngắn lại.
“Nó tạo lên áp lực trong ngắn hạn," ông nói, nhưng cho rằng"cái mức 62% GDP là mức Việt Nam hoàn toàn có thể đảm bảo nghĩa vụ trả nợ”.
Tuy cho rằng mức nợ hiện nay của Việt Nam là bền vững và khả năng chi trả của chính phủ là 100%, nhưng ông Sandeep cho rằng WB hiện không quan ngại về mức độ bền vững của nợ, mà quan ngại hơn về tình hình thu ngân sách.
Nếu tình hình ngân sách cứ tiếp tục như hiện nay mà không được củng cố trong 3-4 năm tới, tình trạng nợ của Việt Nam sẽ thiếu bền vững hơn, tạo ra rủi ro trong trung hạn.
Vị quan chức của WB cho rằng Việt Nam phải đưa ra kế hoạch củng cố tài khóa trung hạn cẩn trọng, vừa huy động thặng dư vừa ổn định chi thường xuyên để có nhiều dư địa để có thể chi đầu tư nhiều hơn để tạo tăng trưởng.
Ông Sandeep cho biết Ngân hàng Thế giới đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam phân tích tình hình tài khóa và đưa ra các phương án lựa chọn, hy vọng tình hình tài khóa sẽ khả quan hơn.
Trong báo cáo của mình, World Bank cũng dự báo thâm hụt cán cân tài khóa của Việt Nam sẽ giảm từ mức ước tính 6,5% trong năm 2015 xuống còn 5,9% vào năm 2016, 5,7% vào năm 2017 và 5,5% vào năm 2018.
Trung Nghĩa
Người Đồng Hành